Các cụ ngày xưa thường khuyên: Xem văn phải tìm nhãn tự. Trong một đoạn văn, đoạn thơ có từ dùng rất đắt. Nó ẩn chứa nhiều điều, nó soi sáng, thấy rõ bao điều khác. Đoạn trao duyên, quá nhiều từ hay nhưng theo chúng tôi có lẽ cần quan tâm đến một vài từ. Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây, em sống hạnh phúc, cái hạnh phúc như tỏa mùi thơm, chị nhờ đấy được hưởng chút ít mùi thơm ấy. Và, điều gì đặc biệt ở trong một từ thơm? Hãy xem lại từ đầu câu chuyện. Khi Thúy Kiều chưa yêu Kim Trọng, chủ nhân của từ thơm là hai chị em Thúy Kiều: Trộm nghe thơm nức hương lân/ Một nền Đồng Tước khóa thân hai Kiều. Đó là lúc chàng Kim chưa được gặp mặt chị em Thúy Kiều. Kim đã nghe tiếng tốt về hai chị em xinh đẹp mà đức hạnh. Nếu ở câu thơ ấy làm chủ mùi thơm là hai chị em, sau này khi Thúy Kiều yêu Kim Trọng, chủ nhân mùi thơm ấy chuyển cho Thúy Kiều. Chàng Kim thuê ngôi nhà Ngô – Việt, ngày ngày ngóng trông sang nhà Thúy Kiều. Bỗng một hôm, trời đất êm đẹp, bóng Kiều thấp thoáng trong khuôn viên nhà nàng. Kim Trọng vội vàng buông đàn, chỉnh sửa áo quần chạy ra. Than ôi! Hương còn thơm nức người đà vắng tanh! Mùi hương thơm còn để lại trong không gian yêu, nhưng mùi thơm ấy hẳn của người mà chàng Kim mong ước. Rồi chàng vớ được cành kim thoa của người ấy: Liền tay ngắm nghía biếng nằm/ Hãy còn thoang thoảng hương trầm chưa phai. Sáng hôm sau, Thúy Kiều ngẩn ngơ tìm cành kim thoa, Kim đã thú nhận: Được rày nhờ chút thơm rơi…
Giờ đây, phút trao duyên này, Thúy Kiều phải rời xa Kim Trọng, Thúy Kiều không còn được hưởng hạnh phúc lứa đôi, mà hạnh phúc thơm tho ấy đã chuyển cho Thúy Vân: Chị dù thịt nát xương mòn/ Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây!
Rồi quãng đường đời lưu lạc, những 15 năm tuy có hoa, có trăng, có gió: đòi phen gió tựa hoa kề/ Nửa rèm trăng khuyết, bốn bề trăng thâu nhưng Kiều không hề thấy có mùi thơm (mùi thơm tinh khiết ấy đã trao cho Thúy Vân và chốn lầu xanh làm gì có mùi thơm!).
Mà cũng lạ, lúc trước Kiều có mùi thơm vậy mùi thơm ấy tự đâu mà Kiều có? Phải chăng nguyên gốc là của Đạm Tiên: Kiếp hồng nhan có mong manh/ Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương. Thiên hương là mùi thơm của trời. Trời cho Kim Trọng sự thông minh, trời cho cô gái bạc mệnh một mùi hương. Đêm ấy, Đạm Tiên về gặp Thúy Kiều, Đạm ra đi, Kiều trông theo nào thấy đâu nào/ Hương thừa dường hãy ra vào đâu đây!
Từ thứ hai, chúng tôi thấy cũng cần quan tâm: Bây giờ trâm gãy, gương tan. Chữ gương tan là của bản Kiều của Đào Duy Anh; bình tan: Trương Vĩnh Ký, Phạm Kim Chi; người tan: Kiều Oánh Mậu. Sách giáo khoa chọn chữ bình tan. Chúng tôi thấy bản cụ Đào có lí hơn và không đồng tình với sách giáo khoa. Chữ bình tan đã có trong câu thơ nói về mối tình của người khách viễn phương với Đạm Tiên: Thuyền tình vừa ghé tới nơi/ Thì đà trâm gãy bình rơi bao giờ. Chắc cụ Nguyễn không dễ dãi dùng một từ đã dùng mà không mang một ý nghĩa mới. Gương tan với hàm ý sâu sắc, với nhãn tự soi rọi nhiều điều. Ta nhớ lại ngày Kim – Kiều yêu nhau hai người đã thân thiết tới mức nhìn vào gương bóng hai người chỉ là một: Dải là hương lộn bình gương bóng lồng. Vậy cái gương đã chứa hình ảnh hai người thương yêu hết mức mới là kỷ niệm, mới ghi nhớ một mối tình. Nay Kiều phải xa cách chàng Kim: Bây giờ trâm gãy gương tan… mới có thông điệp của nỗi đau mất mát, nỗi đau không thể nào hàn gắn được!
Lê Xuân Lít
Bình luận (0)