Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đồng ý với các kiến nghị của ĐH Quốc gia TP.HCM, trong đó, yêu cầu TP.HCM và Bình Dương trong năm 2024 bàn giao 100% mặt bằng sạch cho ĐH này để phục vụ xây dựng.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong buổi làm việc với ĐH Quốc gia TP.HCM
Đây là một trong số những nội dung làm việc quan trọng của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với cán bộ chủ chốt của ĐH Quốc gia TP.HCM chiều 16-11.
Đào tạo là “xương sống” của trường ĐH
Tại buổi làm việc, Thủ tướng nhấn mạnh, đào tạo là “xương sống” của trường ĐH. Chính vì vậy, đào tạo cần bám sát nhu cầu phát triển của đất nước, của vùng; cần tập trung vào những ngành cả nước đang cần để đào tạo tới đâu, sử dụng đến đó. ĐH Quốc gia TP.HCM cần căn cứ vào quy hoạch phát triển của quốc gia, của ngành, của vùng, của TP.HCM để đào tạo. Cũng theo Thủ tướng, nghiên cứu khoa học là một chức năng của ĐH Quốc gia TP.HCM. Việc nghiên cứu cần căn cứ vào những vấn đề vướng mắc trong thực tiễn, thuộc chức năng nhiệm vụ của ĐH này; căn cứ vào vấn đề xu thế của thời đại, vấn đề có tính dự báo…
Thủ tướng cũng đồng thời nhấn mạnh việc sử dụng hiệu quả nguồn lực con người, gồm đội ngũ giáo viên và sinh viên; việc thương mại hóa sản phẩm của ĐH Quốc gia TP.HCM; việc quản trị hệ thống ĐH này cho phù hợp, hiệu quả, tiết kiệm, có trọng tâm trọng điểm. Về các đề án, dự án xây dựng trường thuộc ĐH này, Thủ tướng cho rằng, trước hết cần quy hoạch xong; tiếp đó, giải phóng mặt bằng. Thủ tướng đề nghị TP.HCM và Bình Dương trong năm 2024 bàn giao 100% mặt bằng sạch cho ĐH Quốc gia TP.HCM.
Xây dựng cơ chế, chính sách hoạt động cho trường phù hợp thể chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là nội dung tiếp theo được Thủ tướng nhấn mạnh. Đặc biệt, cách để huy động nguồn lực, Thủ tướng cho rằng, phải xây dựng chương trình; có các dự án, đề án cùng với mục tiêu, giải pháp (trong đó có giải pháp tài chính); phải hợp tác với các địa phương tìm đầu ra cho sản phẩm. Các kiến nghị của ĐH Quốc gia TP.HCM, Thủ tướng cho hay, về nguyên tắc là đồng ý hết. “Những kiến nghị nào thuộc phạm vi của Chính phủ thì Chính phủ sẽ duyệt chậm nhất vào tháng 6-2024. Còn những nội dung vượt quá thẩm quyền của Chính phủ thì cũng phải báo cáo các cấp có thẩm quyền nhưng cần có thời hạn, nội dung, vấn đề cụ thể” – Thủ tướng cho biết.
Sáu kiến nghị với Thủ tướng
Tại buổi làm việc, ĐH Quốc gia TP.HCM đã có 6 kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ nhằm đẩy mạnh phát triển trong thời gian tới. Thứ nhất, ĐH này kiến nghị Thủ tướng xem xét sớm phê duyệt đề án “Phát triển ĐH Quốc gia TP.HCM thuộc nhóm cơ sở giáo dục hàng đầu châu Á” sau khi ĐH này đã tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành, địa phương.
Thứ hai, kiến nghị Thủ tướng đồng ý chủ trương giao ĐH Quốc gia TP.HCM xây dựng và thực hiện đề án thu hút, giữ chân và phát triển các nhà khoa học trẻ xuất sắc, các nhà khoa học đầu ngành; các chương trình đào tạo, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn, công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo thuộc nhóm hàng đầu châu Á; chương trình phát triển ĐH Quốc gia TP.HCM thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, kết nối với vùng và khu vực châu Á.
Thứ ba, kiến nghị Thủ tướng đồng ý chủ trương ủy quyền cho Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết các dự án thành phần thuộc phạm vi quản lý của ĐH này. ĐH Quốc gia TP.HCM chịu trách nhiệm về việc thực hiện thẩm định, phê quyệt theo đúng quy định của pháp luật. Giao cho Văn phòng Chính phủ chủ trì lấy ý kiến tham mưu bộ ngành trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.
Thứ tư, kiến nghị Thủ tướng đồng ý chủ trương và giao ĐH Quốc gia TP.HCM phối hợp với UBND TP.HCM, UBND tỉnh Bình Dương lập dự toán điều chỉnh tổng mức đầu tư giải phóng mặt bằng của ĐH Quốc gia TP.HCM giai đoạn 2021-2025, phù hợp với các quy định của pháp luật. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn, chủ trì thẩm định trình Thủ tướng xem xét quyết định.
Thứ năm, kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn, thẩm định về số lượng, phương thức và ngân sách đặt hàng đào tạo, đặt hàng nghiên cứu; ngân sách đầu tư hệ thống phòng thí nghiệm phục vụ đào tạo và nghiên cứu, nhất là các ngành trọng điểm như: Công nghệ bán dẫn, công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo và các ngành khoa học cơ bản khác.
Thứ sáu, kiến nghị Thủ tướng giao Bộ GD-ĐT sớm trình hồ sơ để Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định thành lập Trường ĐH Khoa học sức khỏe, là trường ĐH thành viên thứ 8 của ĐH Quốc gia TP.HCM.
Thục Trân
Bình luận (0)