Với tinh thần yêu nghề, thương trẻ, không ít giáo viên đã chấp nhận thiệt thòi, vượt qua khó khăn để đến xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ) truyền đạt kiến thức cho các em nơi đây. Một xã đảo xa xôi đất liền, đầy nắng và gió.
Từ Thạnh An muốn vào thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ phải ngồi đò vượt sóng mất 45 phút, còn vào đến trung tâm thành phố mất 70km đường bộ về phía Đông. Mỗi ngày chỉ có 5 chuyến đò từ đảo vào đất liền và ngược lại.
Quê hương thứ hai
Cô Cao Thị Minh Minh, GV Trường THCS Thạnh An đang soạn giáo án tại nhà công vụ |
Cô Cao Thị Minh Minh, 30 tuổi, quê ở Quảng Bình, giáo viên dạy môn sinh học khối 9 Trường THCS Thạnh An chia sẻ: Chỉ những khi họp chuyên môn, dẫn HS đi thực tế, hoặc có công việc cá nhân, cô mới đón đò vào đất liền. Thời gian di chuyển quá nhiều, lại bị say sóng mệt mỏi khiến cô hạn chế. Cô Thạch Thị Thúy, quê ở Hà Tĩnh, giảng dạy môn tiếng Anh khối 9 cũng tâm sự: “Nếu xác định giảng dạy ở đây trước hết phải chấp nhận được việc, muốn đi họp chuyên môn trong đất liền thì phải chuẩn bị đồ đạc đi từ chiều tối hôm trước, sáng mai mới kịp giờ. Cuối ngày tranh thủ về thật nhanh để kịp chuyến đò quay lại đảo”.
Ở thời điểm hiện tại, cô Minh gắn bó với Thạnh An cũng được 7 năm, cô Thúy gắn bó được 4 năm. Ngoài hai cô còn có 8 thầy cô khác cũng đang gắn bó ở Thạnh An và được nhà trường tạo điều kiện cho ở nhà công vụ.
Thời gian đầu chân ướt chân ráo, nhìn ngôi trường cấp 2 nhỏ bé, cơ sở vật chất thiếu thốn, HS đến trường bữa được bữa nghỉ khiến các cô không khỏi chạnh lòng. Với cuộc sống cá nhân, dù được ở nhà công vụ nhưng luôn mất điện, cúp nước, nóng bức, thức ăn nấu nướng ít ỏi, chưa tan dạy thì chợ đã tan họp. Đến mùa mưa bão thì nơm nớp lo sợ cảnh di tản. Bao khó khăn chồng chất trước mắt, cộng với nỗi nhớ người thân quay quắt khiến các cô muốn được về nhà càng sớm càng tốt, không còn tràn đầy nhiệt huyết muốn trải nghiệm, dấn thân của tuổi trẻ như lúc ban đầu. Thậm chí đến tận bây giờ, thứ xa xỉ đối với các cô giáo vùng ngoài đó là rất khó về thăm nhà vì đường xa, kinh tế không cho phép. Như cô Minh, cố gắng lắm 1 năm tranh thủ dịp hè cô về được 1 lần. Riêng dịp Tết mà cô về thăm quê gần nhất cũng đã 2 năm. Thế nên, nhìn khoảng thời gian 7 năm gắn bó, bản thân các cô rất khó lý giải chính xác vì sao lại bám trụ ở Thạnh An lâu đến thế.
Theo các cô, hoàn cảnh HS ở Thạnh An nhiều khó khăn. Đa số các em nghỉ học sớm phụ giúp kinh tế gia đình, cha mẹ mải kiếm tiền đâm ra thiếu quan tâm con cái. Nhưng kể từ ngày về giảng dạy, chứng kiến ý thức các em có sự thay đổi. Các em chăm chỉ, ngoan ngoãn đến lớp đều đặn và thích đến lớp hơn. Ngay môn tiếng Anh, các em đã yêu thích được học so với sự thờ ơ lúc ban đầu. Và kết quả học tập của nhiều môn khác từ từ cũng được vực dậy.
“Có lẽ chính sự tiến bộ qua từng thế hệ học trò khiến chúng tôi càng thương các em hơn mà không còn nghĩ đến việc bỏ về đất liền. Hơn nữa, người dân nơi đây tuy nghèo nhưng chất phác, tốt bụng, các thầy cô trong ngôi nhà công vụ cũng thân thiện đã tiếp thêm động lực để chúng tôi yêu hơn xã đảo này”, cô Thúy trải lòng.
Trải qua thời gian công tác đầy tâm huyết, chất lượng giáo dục nâng lên, các cô có nhiều cơ hội để chuyển công tác nhưng các cô không làm. Ngay bản thân cô Minh, có không ít lời mời về nội thành như: quận 7, Bình Tân giảng dạy, ấy vậy cô lại quyết định dành dụm tiền mua đất làm nhà, quyết bám trụ lại nơi này. “Có lẽ tình thầy trò nơi đất đảo này đã níu chân chúng tôi ở lại và không muốn rời xa nữa!”, cô Thúy thổ lộ.
Còn với cô Minh thì: “Có thể môi trường trung tâm thành phố cho tôi nhiều cơ hội phát triển nghề nghiệp, con cái có điều kiện học tập, tuy nhiên cuộc sống Thạnh An luôn yên bình, người dân tốt bụng, an ninh đảm bảo nên tôi sẽ xem đây là quê hương thứ hai để xây dựng, phấn đấu cho sự nghiệp. Hơn nữa chi tiêu cuộc sống hàng ngày ở Thạnh An thấp, phù hợp thu nhập dạy học cũng là lý do khiến tôi ở lại”.
Nói về các cô đã bám đảo dạy chữ, “trồng người” thầy Nguyễn Bảo Ngọc, Hiệu trưởng Trường THCS Thạnh An thể hiện sự cảm kích: “Chỉ thực sự yêu nghề, thương trẻ mới giúp các thầy cô ở lại truyền đạt kiến thức cho các em. Trước đó cũng có một số giáo viên đến rồi đi cũng bởi không vượt qua được khó khăn”.
Vượt sóng
Trong một giờ học tại lớp 10A8 ở xã đảo Thạnh An |
Năm học 2016-2017, 28 HS xã đảo thi đậu vào lớp 10 không còn vất vả ngồi đò sang thị trấn Cần Thạnh để theo học tại Trường THPT Cần Thạnh. Bởi ngay tại điểm Trường THCS Thạnh An, lớp 10A8 đã được mở ra, rút ngắn khoảng cách đến trường cho các em. Thế nhưng, đổi lại sự vất vả của các em, các giáo viên Trường THPT Cần Thạnh đã ngày ngày từ Cần Thạnh sang xã đảo để mang con chữ đến với các em.
Cô Phạm Thị Lài, giáo viên môn công nghệ cho biết, nếu dạy ở thị trấn cô chỉ cần mất 10 phút để chuẩn bị đến lớp, còn nếu ra đảo thì cô phải mất hơn một tiếng chuẩn bị và đi đò. Do cô dạy buổi chiều, bắt đầu lúc 1 giờ 30, bắt buộc cô phải chuẩn bị từ hơn 11 giờ để đón xe buýt đi cho kịp chuyến đò lúc 12 giờ. Còn đối với giáo viên khác dạy buổi sáng thì vất vả hơn, vì thầy cô phải đi từ lúc 6 giờ kém để cho kịp đò 6 giờ 30.
“Việc đi đò ra đảo khiến giáo viên không chỉ tốn nhiều thời gian mà còn đối diện với nhiều nguy hiểm. Mỗi ngày, hơn 90 phút lênh đênh trên biển đi về giữa xã đảo với đất liền và ngược lại, những ngày sóng yên thì không sao, còn những ngày sóng lớn, mưa bão thì rất khó tránh được say sóng, mệt mỏi và nguy hiểm. Thế nhưng, tất cả vì các em ở xã đảo, bản thân mình là cô giáo, lại là giáo viên trẻ càng phải cố gắng hơn”, cô Lài chia sẻ.
Ngoài cô Lài, còn 11 giáo viên khác cũng hàng ngày đi đi về về để dạy các em. Thầy Nguyễn Diên Tín, giáo viên chủ nhiệm lớp 10A8 cho biết: “Các thầy cô đang giảng dạy lớp 10A8 đa số đều xung phong và là những người được tín nhiệm. Một phần do lần đầu xã đảo có lớp 10, các em đỡ vất vả đi xa, ở trọ để học. Một phần do hầu hết các em đều có hoàn cảnh khó khăn, việc học thường lỡ dở, các thầy cô xung phong nhằm góp phần động viên các em cố gắng theo học đến nơi đến chốn và học tốt hơn”. Thầy Tín cho biết thêm, trong số 12 thầy cô, có thầy Nguyễn Văn Bách, dạy môn vật lý, và vợ thầy là cô Lê Thị Bích Vân dạy môn hóa học không ngại vất vả xung phong đăng ký mặc dù tuổi đã ngoài 40 và 50. Việc làm của thầy cô hết sức trân quý.
Lớp 10A8 mở ra đáp ứng mong mỏi của các em HS và người dân nơi đây vì các em có cơ hội học gần trường, gần gia đình. Để các em không lỡ nhịp, cách Trường THCS Thạnh An 300m, nơi lớp 10A8 đang hoạt động, công trình trường học đang hối hả thi công. Đây là công trình xây trường cấp 2 mở rộng và rộng thêm cho các khối cấp 3 sau khi có chỉ đạo của Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng trong một lần về tham xã đảo. Dự kiến đến cuối năm 2017, trường học này sẽ hoàn tất và đi vào sử dụng.
Nguyễn Trinh
Bình luận (0)