Buổi chiều khi tiếng kẻng tan trường vừa vang lên, các em học sinh lớp 5/1 háo hức, vội vã đến hai liếp rau muống nằm trong mảnh vườn bên góc sân trường để thu hoạch.
Thu hoạch rau trong "vườn rau gây quỹ" – Ảnh: T.Nhật |
Vừa làm các em vừa chuyện trò rôm rả, em nào em nấy hăng say và làm rất thạo nên chẳng bao lâu hai liếp rau muống xanh mướt đã được thu hoạch xong. Sau đó các em bó lại thành bó đem xuống bán cho căngtin trường. Đó là một buổi thu hoạch rau để gây quỹ Đội của lớp được duy trì suốt bảy năm qua của Trường tiểu học Hựu Thành B, xã Hựu Thành, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long.
Cô hiệu trưởng Nguyễn Ngọc Thùy cho biết trường thuộc xã vùng sâu, vùng xa, tỉ lệ học sinh có hoàn cảnh nghèo, cận nghèo chiếm 50%. Đa số cha mẹ đều gửi con cho ông bà chăm sóc để đi làm thuê xứ người, cắc củm gửi về quê nhà những đồng tiền ít ỏi. Nhiều em có hoàn cảnh khó khăn hơn như mồ côi cả cha lẫn mẹ, sống nương nhờ vào người thân. Thương học trò nghèo chịu nhiều thiếu thốn, cô Thùy nghĩ ra nhiều cách gây quỹ lớp, quỹ Đội để tiếp sức cho các em.
Và một trong những cách hiệu quả nhất với thế mạnh nông thôn: “trồng rau gây quỹ” bằng cách tận dụng khoảng 350m2 khoảnh đất trống quanh trường để trồng hoa màu. Trường có tổng cộng 10 lớp, mỗi lớp nhận trồng hai liếp rau. Tới ngày thu hoạch trường sẽ mua số rau trên và dùng để nấu ăn cho học sinh bán trú và thầy cô ở trường.
Cô Nguyễn Thị Mến, giáo viên chủ nhiệm lớp 5/1, kể việc chăm sóc bắt sâu, nhổ cỏ, phun tưới nước… cô trò làm vào ngày rảnh trong tuần nên không ảnh hưởng gì đến thời gian học của các em. Trung bình một học kỳ lớp cô trồng được ba vụ, mỗi vụ thu được 15-20kg (120.000 – 220.000 đồng). Trừ đi 10.000 đồng tiền mua hạt giống, cô trò lấy công làm lời nên số tiền kiếm được từ rau gần như lời trọn vẹn. Tiền kiếm được từ “vườn rau gây quỹ” trường dùng mua quần áo, sách vở, dụng cụ học tập… tặng những bạn học sinh nghèo.
“Cái hay của khu vườn trồng rau gây quỹ này là dạy các em biết quý trọng công sức lao động, rèn tính tự lập, cũng như giáo dục các em biết nhường cơm sẻ áo, san sẻ yêu thương với những bạn có hoàn cảnh khó khăn hơn mình” – cô Mến chia sẻ.
Trong khi đó theo cô Thùy: “Rau trồng không dùng phân bón, thuốc trừ sâu nên ăn vào không sợ bị ngộ độc thực phẩm, vừa đảm bảo sức khỏe cho mọi người vừa giúp các lớp có tiền gây quỹ. Tiện lợi đôi đường…”. Em Đào Tố Trân nói: “Nhà em làm ruộng nhưng ít khi nào em ra ruộng bởi cha mẹ bảo em cứ dành thời gian học. Giờ tự tay làm nên em hiểu được phần nào sự vất vả, cực nhọc của cha mẹ".
Mảnh vườn “trồng rau gây quỹ” còn được trường đưa vào trong giảng dạy thực tế. Khi học về kỹ thuật trồng trọt, các giáo viên thường đưa học sinh đến vườn rau để dạy những bài học về rễ, thân, lá, cách gieo hạt…
Do tự tay làm các công đoạn từ đầu đến cuối nên các em học sinh nắm rất rõ quá trình sinh trưởng của cây từ lúc nảy mầm đến khi thu hoạch, các em tiếp thu bài rất nhanh. Em Nguyễn Thị Quỳnh Anh cười tươi: “Học ngoài trời ở vườn “trồng rau gây quỹ” rất thú vị, được học từ thực tế chứ không học chay, mà lại học từ những cây tự tay mình trồng chăm sóc nữa chứ. Rồi không khí rất thoáng mát nên em thường hiểu và thuộc bài ngay tại chỗ”.
TIỂU NHẬT (TTO)
Bình luận (0)