Khoa học - Công nghệSản phẩm công nghệ

Trồng rau theo kiểu Nhật

Tạp Chí Giáo Dục

Sau thời gian triển khai, dự án “Sản xuất phân bón hóa lỏng Biomass từ chất thải nhà vệ sinh nhằm cải thiện vệ sinh đô thị và hỗ trợ nông dân thành phố Đà Nẵng” đã bắt đầu được ứng dụng thí điểm tại một số vườn rau của bà con các xã Hòa Khương, Hòa Nhơn, Hòa Phong (huyện Hòa Vang). Kết quả bước đầu mang lại tín hiệu khả quan, kì vọng về những mùa rau tươi tốt, đảm bảo chất lượng, sạch và an toàn với môi trường…

Các chuyên gia JICA hướng dẫn bà Trần Thị Thủy (nông dân trồng rau ở xã Hòa Nhơn) kỹ thuật bón phân hóa lỏng cho rau

1.Những ngày này, nhiều hộ dân trồng rau ở thôn Thạch Nham Tây (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) rất hào hứng tiếp nhận công nghệ trồng rau sạch, bảo vệ môi trường do JICA tài trợ. Đây là lần thứ 2, việc trồng rau của bà con Hòa Vang được thí điểm bằng kỹ thuật canh tác đến từ xứ sở mặt trời mọc. Bà Trần Thị Thủy, một hộ dân trồng rau ở Thạch Nham Tây phấn khởi: “Gia đình tui trồng rau đã 3 năm nay. Với 7 sào rau, thu nhập tạm đủ để chi phí sinh hoạt. Tuy nhiên, thời tiết ngày càng khắc nghiệt, kèm theo sâu bệnh phát triển trên rau ngày càng nhiều. Để đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng, người trồng rau hạn chế tới mức tối đa việc sử dụng thuốc trừ sâu nhưng như vậy hễ sào rau nào sâu bệnh sẽ đồng nghĩa với việc mất trắng cả vốn lẫn công chăm sóc. Được chính quyền giới thiệu kỹ thuật canh tác rau năng suất lại bảo vệ môi trường, tui đăng kí tham gia ngay. Đây là lần đầu tiên được các chuyên gia cũng như các bạn SV, Khoa Nông nghiệp Trường ĐH Saga (Nhật) chuyển giao kỹ thuật, tui rất vui và hi vọng sẽ đem về những ruộng rau năng suất hơn trước”. Bà Thủy là một trong số gần 50 hộ dân trồng rau ở 3 xã thuộc huyện Hòa Vang kể trên đăng ký sử dụng phân bón hóa lỏng Biomass.

Với cách thức bón phân từ trước khi gieo hạt, sau gieo hạt 3 ngày và tưới đều đặn với khoảng cách vài ngày một lần trong quá trình rau sinh trưởng và phát triển góp phần giúp người trồng rau tiết kiệm chi phí mua phân bón lại không gây ô nhiễm môi trường, cho ra loại rau không tồn dư chất độc hại nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả khi thu hoạch. TS. Huỳnh Văn Kiệt, chuyên gia JICA, cán bộ nghiên cứu tại Khoa Nông nghiệp, Trường ĐH Saga cho biết: “Kết quả thử nghiệm tại vườn rau thôn Túy Loan (xã Hòa Phong) vào năm 2015, cho thấy, sử dụng kỹ thuật canh tác bằng phân bón hóa lỏng Biomass đem đến hiệu quả rõ rệt so với phương pháp canh tác thông thường của bà con. Tỷ lệ nảy mầm của hạt cao hơn, giai đoạn phát triển ban đầu cũng nhanh hơn”. “Sử dụng phân bón hóa lỏng này, bà con nông dân cũng như người tiêu dùng an tâm hơn vì phân không còn tồn tại hóa chất độc hại, không có vi sinh vật, không có kim loại nặng, không chất độc”, TS. Kiệt cho biết thêm. 

Chuyên gia JICA và SV ĐH Saga thực hiện thí điểm trồng rau bằng phương pháp sử dụng phân bón hóa lỏng tại xã Hòa Nhơn
Dự án do Chính phủ Nhật Bản thông qua Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ không hoàn lại cho thành phố Đà Nẵng, được thực hiện bởi ĐH Kuyshu, ĐH Saga, Công ty Giải pháp môi trường (Nhật Bản) phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế Đà Nẵng, UBND huyện Hòa Vang (Đà Nẵng), và các đơn vị liên quan phối hợp thực hiện.

2.Ông Hidetaka Tsujibayashi, Điều phối dự án cho biết, dự án hướng đến giảm thiểu ô nhiễm môi trường, phát triển nông nghiệp. Tại Đà Nẵng, bình quân mỗi ngày, chất thải bồn cầu được đưa về bãi rác Khánh Sơn (quận Liên Chiểu) lên đến con số hàng chục tấn. Việc không được tái sử dụng hợp lí tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường như phát tán mùi hôi, ủ mầm bệnh… Dự án Biomass đã chứng minh, chất thải bồn cầu không phải là một loại rác thải mà đó là nguồn nguyên liệu có thể tái sử dụng trong đời sống. Bằng công nghệ lên men hiếu khí, chất thải của nhà vệ sinh được tạo thành phân bón hóa lỏng cung cấp cho các vùng canh tác nông nghiệp, nhất là các vùng trồng rau. Dự án hỗ trợ phân bón hóa lỏng miễn phí cho nông dân Hòa Vang đến năm 2017 và sau đó sẽ tiếp tục thêm 2 năm trước khi bàn giao lại công nghệ cho Đà Nẵng.

3. GS.TS Munehiro Tanaka, đang công tác tại Khoa Nông nghiệp, Trường ĐH Saga – thành viên dự án cho biết, việc sử dụng nguồn nguyên liệu từ chất thải hầm cầu ở Nhật đã có từ thế kỉ 15, ngày càng được cải tiến về mặt công nghệ. Nếu không có hoạt động chuyển hóa chất thải này thì nguy cơ sẽ gây ô nhiễm môi trường càng cao. “Đưa công nghệ đến Đà Nẵng, chúng tôi kì vọng sẽ đưa ra hướng đi giúp người dân nâng cao hiệu quả sản xuất nông sản cho người dân, đồng thời góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường”.

Cùng với việc chung tay bảo vệ môi trường, giúp người dân trồng rau cải thiện đời sống, hướng đến cơ giới hóa nông nghiệp, canh tác theo phương thức thân thiện với môi trường cũng như đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng, dự án hướng tới tầm nhìn xa hơn. “Tháng 11 này, chúng tôi sẽ phối hợp, tổ chức các buổi học ngoại khóa tại vườn rau cho học sinh của các trường học tại huyện Hòa Vang, giới thiệu cho các em về công nghệ, kỹ thuật canh tác nông nghiệp, giúp các em có cái nhìn sâu, ý thức hơn cũng như có hành động đúng đắn để bảo vệ môi trường trong tương lai”, GS.TS Munehiro Tanaka nói.

Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)