Hội nhậpThế giới 24h

Trong sào huyệt cướp biển Somalia

Tạp Chí Giáo Dục

Một toán cướp biển hoạt động gần thị trấn Eyl – Ảnh: Reuters

Từ một làng chài vô danh trên bản đồ thế giới, ngày nay thị trấn Eyl được biết đến như là “thủ đô” của cướp biển Somalia.

Lịch sử của Eyl bắt đầu từ thời Hatshepsut và Nefertiti của nước Ai Cập cổ đại. Mấy ngàn năm trước, nó đã nổi tiếng nhờ hai đặc sản là lông đà điểu châu Phi và trầm hương. Ngày nay, Eyl là một thị trấn nhỏ thuộc Puntland, một khu bán tự trị nằm ở đông bắc Somalia. Nó nằm cách Garowe, thủ phủ của Puntland, 280 km. Trước khi được bọn cướp biển chọn để tập kết chiến lợi phẩm và con tin, Eyl chỉ là một làng chài thanh bình của những ngư dân Somalia nghèo xơ xác.

Tâm sự một cướp biển

Yassim Dheere, 39 tuổi, kể với phóng viên hãng tin Reuters: “Tôi sinh ra ở Eyl. Lớn lên, tôi đi đánh cá. Sau khi chính quyền trung ương sụp đổ, không ai kiểm soát biển. Chúng tôi không thể hành nghề nữa vì tàu nước ngoài lớn hơn, hiện đại hơn đến đánh bắt cá  trái phép dọc bờ biển. Chính vì vậy mà chúng tôi trở thành cướp”.

Yassim vẫn còn nhớ như in phi vụ đầu tiên vào năm 2003. Đó là một chiếc tàu đánh cá Ả Rập chở 18 thủy thủ Yemen. Chiếc tàu này đã đâm chìm nhiều tàu của ngư dân Somalia. Vụ cướp diễn ra bất ngờ vào ban đêm. Lúc đó nhóm của Yassim chưa biết dùng thang dây hay móc câu để trèo lên tàu. Bọn chúng trèo lên bằng tay, dùng súng khống chế toàn bộ thủy thủ đoàn. Giữ tàu được hai ngày thì có người trung gian Somalia và Ả Rập đến thương lượng trả 50.000 USD tiền chuộc. Bị hấp dẫn bởi món tiền này, Yassim tiếp tục làm thêm nhiều “quả” nữa và kiếm được 250.000 USD mới chịu nghỉ đi biển. Hắn ta sắm xe hơi, xây biệt thự, mua tàu và vũ khí. Giờ đây, Yassim ở nhà chỉ huy đám đệ tử đi cướp. Nhưng hắn ta cũng thú nhận cuộc sống đang trở nên nguy hiểm hơn. Không ít cướp biển bị bắt sống hoặc bị bắn chết.

Điều mà Yassim thổ lộ là có thật. Mới đây, trong chiến dịch giải cứu thuyền trưởng tàu Maersk Alabama, chiến hạm USS Boxer của Mỹ đã bắn hạ 3 cướp biển Somalia, bắt sống một tên khác. Đồng thời, trực thăng Mỹ cũng quần thảo trên bầu trời Eyl gây nhốn nháo cả thị trấn.

Bản thân Yassim từng bị bắt giam ở Garowe. Gia đình của hắn đã tấn công nhà giam, giết chết hai người giữ tù, cứu được Yassim và nhiều tên cướp khác.

Thị trấn không luật pháp

Vài năm nay, bộ mặt thị trấn Eyl thay đổi nhiều. Trong khi Mogadishu, thủ đô Somalia, hoang tàn kể từ ngày chế độ ông Siad Barré bị lật đổ và rơi vào cảnh vô chính phủ (1991) thì làng chài Eyl thay da đổi thịt từng ngày và giờ đây đã trở thành một thị trấn sầm uất với 19.000 dân. Nhật báo The Independent của Anh mô tả: “Nhiều tòa nhà mới mọc lên dọc theo những con đường đất. Xe thể thao đa dụng hạng sang mang nhãn hiệu Lexus, Mercedes chở những ông trùm ăn mặc bảnh bao, tay xách máy tính, tay cầm điện thoại di động vệ tinh và thiết bị định vị GPS chạy nhan nhản khắp phố”.

Bãi biển Eyl bây giờ đầy khách sạn, quán rượu, cà phê internet, nhà hàng. Toàn thị trấn điện khí hóa bằng máy phát điện gia dụng, một xa xỉ phẩm mà người dân Eyl trước đây chưa bao giờ dám mơ tưởng đến. Tất cả đều không phải đóng thuế vì ở Eyl không có luật pháp, chỉ có “luật rừng” của những tên cướp biển như miền viễn Tây của Mỹ hồi xa xưa.

Những cô gái trẻ đẹp ở đây, dân địa phương thì ít, phần lớn là dân tứ xứ đến từ Ethiopa, Djibouti và các vùng khác của Somalia. Các cô săn lùng những tên cướp giàu sụ. Thanh niên vốn thất nghiệp triền miên giờ đây gia nhập các nhóm cướp hoặc làm vệ sĩ cho những tướng cướp giàu có. Cách đây ba năm, các chuyên gia an ninh hàng hải ước tính chỉ có 5 nhóm cướp ở Somalia với không đầy 100 tay súng. Ngày nay, con số này đã tăng hơn 1.200 người, phần lớn ở Eyl và các vùng phụ cận.

Nữ nhiếp ảnh gia người Ý Alexandria Fazzina từng đến Eyl cho biết các nhóm cướp ở đây tự xưng là “Thanh niên bảo vệ biển Somalia” hoặc “Thủy quân Somalia”. Phần lớn là thành viên của bộ tộc Majarteen của cựu Tổng thống chính phủ quá độ liên bang Abdullah Yusuf Ahmed. Vì lẽ này, người ta nghi ngờ bọn cướp có quan hệ với chính quyền trung ương và Puntland.

120 triệu USD tiền chuộc

Đời sống người dân thị trấn Eyl được cải thiện so với mấy năm trước đây chủ yếu nhờ tiền chuộc mà bọn cướp thu được. Số tiền chuộc một vụ cướp là từ 300.000 USD đến 1,5 triệu USD. Có những vụ bọn cướp “hét” tới 22 triệu USD như trường hợp tàu MV Faina của Ukraine chở 33 chiếc xe tăng nhưng thực tế nhận được khoảng 3 triệu USD. Đây là con số phỏng đoán bởi nó không được bên nào (Chính phủ Ukraine và bọn cướp) thừa nhận. Tạp chí Sail dẫn lời ông Ahmedou Ould-Abdallah, sứ giả của Liên Hiệp Quốc tại Somalia, cho biết bọn cướp đã kiếm được 120 triệu USD kể từ đầu năm 2008, tức gấp 6 lần ngân sách của khu bán tự trị Puntland.

Người dân thị trấn nói chung ủng hộ và che chở bọn cướp biển, bởi đó là nguồn sống của họ. Nhưng theo hãng tin Wardheer News, cũng có người không ưa gì bọn cướp vì chúng “gây tai tiếng cho thị trấn, làm mất đi sự thanh bình”. Vật giá cũng trở nên đắt đỏ hơn, tệ nạn nhậu nhẹt, nghiện ma túy trầm trọng hơn.

Cũng có người tin vào lời tuyên truyền của bọn cướp. Họ tin rằng hải phận Somalia đang được bảo vệ. Nạn cướp phá san hô, đánh bắt cá trái phép và đổ chất thải độc hại xuống biển, theo họ, đã giảm đi nhiều. Bà Kadija Duale nói: “Tôi biết ăn cướp là xấu xa nhưng nếu không có họ, tôi không thể nuôi nổi đàn con 4 đứa của tôi”. Bà bán trà (3 USD/tách) theo phương thức bán chịu, khi nào khách có tiền chuộc trả sau.

Còn chính quyền Eyl đã làm gì? OYussuf, Thị trưởng Eyl đang sống ở Garowe, thú nhận trên Đài phát thanh Garowe: “Bọn cướp mạnh hơn chúng tôi. Chính quyền địa phương không thể làm gì để ngăn chặn”.

Trọng Nghĩa (TNO)

Bình luận (0)