Y tế - Văn hóaThư giãn

Trọng Tấn thảnh thơi hành trình mới

Tạp Chí Giáo Dục

Dòng nhạc trữ tình có nhiều giọng ca có thể làm cho trái tim người yêu nhạc phải say đắm, bâng khuâng như NSND Trung Kiên, cố NSND Lê Dung, NSND Quang Thọ, NSND Thu Hiền…
Trong số những giọng hát nhạc đỏ thuộc thế hệ trẻ nổi lên được khán giả yêu mến và đón nhận, Trọng Tấn xuất hiện như một giọng ca hiếm có, giờ đây, anh đang rất thảnh thơi trên con đường rộng mở.
Hiếm có ca sĩ dòng nhạc cách mạng nào lại nhận được sự ái mộ đến say mê của nhiều thế hệ công chúng như thế. Cũng hiếm có giọng tenor thính phòng nào đẹp và truyền cảm như anh. Hơn mười năm hoạt động nghệ thuật, trung thành với dòng nhạc cổ điển nhưng chưa bao giờ Trọng Tấn sợ ngày nào đó khán giả sẽ ngán và quay lưng với cái tên Trọng Tấn vì dòng nhạc mà anh gắn bó không còn thức thời.
Lý lẽ anh đưa ra như để củng cố thêm niềm tin: “Làm nghệ thuật không phải như thay áo, có thể cũ về mặt thời gian nhưng không bao giờ mòn về mặt cảm xúc tâm hồn”. Vì vậy, bây giờ hay mai sau, người yêu nhạc vẫn đón nhận những ca khúc dù đã thuộc lòng nhưng theo một thứ cảm xúc riêng mới. 

Cuộc sống của anh chàng ca sĩ tỉnh lẻ Trọng Tấn rời quê ra Thủ đô lập nghiệp ban đầu nhiều bộn bề, nhưng tính đến thời điểm này được coi là ổn. Có thể với người khác, hạnh phúc là thứ khó cắt nghĩa, là những giá trị luôn ẩn hiện bằng những thước đo, còn với anh, hạnh phúc thật đơn giản, là có được những thứ làm mình hài lòng. Anh có vợ đẹp, hai đứa con ngoan ngoãn…
Sân khấu của Trọng Tấn rất đặc biệt. Mặc dù sân khấu đó không có tiếng gào thét cổ vũ ồn ào, không có những fan trẻ cuồng nhiệt nhưng anh vẫn luôn cảm nhận được tình yêu chân thành của khán giả ưu ái dành tặng cho mình. Chính tình yêu đó đã giúp anh vượt qua được những bão tố phong ba của nghiệp cầm ca.
Sau những sóng gió xô bồ của thế giới người nổi tiếng, cuộc sống của Trọng Tấn giờ đây đã yên buồm lặng sóng. Thấm thía được mặt trái của ánh hào quang nên anh không bao giờ lấy đó làm thất vọng, không muốn né tránh. Điều còn lại mà anh nhận ra đó là tình yêu của công chúng dành cho Trọng Tấn còn lớn và sâu sắc lắm. Đó chính là sức mạnh vô hình giúp anh vượt qua được những biến cố khó khăn nhất trong cuộc đời.
"Đã là người của công chúng thì nên học cách chấp nhận những mặt trái của thế giới này. Quan trọng nhất vẫn là người trong cuộc sẽ nhận được gì từ bài học xương máu đó", anh tâm sự.
Trọng Tấn bẩm sinh đã có một giọng hát hay, được giới chuyên gia âm nhạc liệt vào hàng hiếm với chất giọng tenor thính phòng đẹp và truyền cảm. Ngay từ nhỏ, anh đã mạnh dạn tham gia nhiều cuộc thi hát phong trào của đoàn thể, trường lớp.
Kinh nghiệm của những năm tháng “vừa học, vừa hành” của Tấn đã giúp ích rất nhiều cho việc giảng dạy tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và ngược lại, việc giảng dạy cũng giúp cho Trọng Tấn có thêm nhiều kiến thức và hoàn thiện bản thân hơn.
Ngoài việc dạy học trò của mình về kỹ thuật thanh nhạc và kỹ năng biểu diễn, anh còn định hướng cho các em về thẩm mĩ âm nhạc để các em có thể xác định được con đường âm nhạc phù hợp với bản thân, phát huy tối đa tiềm lực sẵn có của các em. Chính điều đó đã tạo nên một người thày giáo Trọng Tấn giảng dạy thanh nhạc được học trò rất yêu quý, ngưỡng mộ.
Tuy nhiên, với tất cả những danh vọng hay tiền bạc mà nghệ thuật đã ưu ái dành tặng cho Tấn cũng đã không đủ sức để níu giữ chân “thầy giáo Vũ Trọng Tấn”. Quyết tâm bỏ lại những ngày tháng cống hiến ở ngôi trường ươm mầm cho những tài năng âm nhạc tương lai, Trọng Tấn đã gửi đơn xin nghỉ việc lên lãnh đạo Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, quyết định từ bỏ sự nghiệp tại ngôi trường đào tạo nghệ thuật mà anh đã gắn bó gần chục năm qua.
Nghe tin này, rất nhiều người, nhiều bạn bè, đồng nghiệp, bên cạnh sự ngạc nhiên là thái độ tỏ ra nuối tiếc, bởi hiện nay để có “chân” trong biên chế Nhà nước không hề đơn giản, nhất lại là biên chế Nhà nước làm giáo viên giảng dạy tại Học viện Âm nhạc quốc gia. Hơn nữa, anh cũng đang chuẩn bị làm luận án tiến sĩ về chuyên ngành nghệ thuật này.
Tuy nhiên, cũng rất nhiều khán giả mến mộ Trọng Tấn lại ủng hộ quyết định của anh. Nếu cứ chỉ vì hai tiếng “biên chế” và khép mình trong công việc đào tạo tại Học viện thì anh không có nhiều thời gian để cống hiến cho nghệ thuật. Trong khi công chúng yêu mến nghệ thuật âm nhạc luôn từng phút, từng giờ, đòi hỏi được hưởng thụ nghệ thuật ca hát chân chính đầy sức cuốn hút từ anh.
Với họ, khi Trọng Tấn không còn bị bó buộc về công việc và thời gian thì anh sẽ dành trọn sức mình để phục vụ khán giả, phục vụ bộ môn nghệ thuật mà sở trường của anh là biểu diễn phục vụ công chúng.
Liveshow của Bằng Kiều vừa qua có thể là một minh chứng cụ thể cho việc một chú chim đã có thể bay ra khỏi chiếc lồng để thăng hoa hơn, bản thân Trọng Tấn không còn ý thức mình là một ca sĩ hát nhạc thính phòng, mà là một nghệ sĩ cháy hết mình với âm nhạc.
Bằng Kiều hài hước nói Trọng Tấn là nam ca sĩ duy nhất anh có thể “bá vai bá cổ” và thích thú khi song ca đến vậy. Không chỉ hát cùng nhạc tình, opera mà họ còn cảm thấy tự tin khi đứng cạnh nhau. Giọng ca sinh năm 1973 còn nảy ra ý định rủ Trọng Tấn làm đêm nhạc chung với Quang Linh, vì so với giọng ca xứ Huế, Bằng Kiều và Trọng Tấn vẫn cao hơn chút đỉnh.
Trước đêm liveshow, nhiều người băn khoăn về sự kết hợp của hai ca sĩ đi hai dòng nhạc hoàn toàn khác nhau. Ngay cả Bằng Kiều cũng sợ mỗi người một kiểu thành chửi nhau trên sân khấu. Tuy nhiên, Bằng Kiều và Trọng Tấn đã có sự đổi vai thuyết phục khi chọn bài phù hợp với cả hai người, để khán giả có thể có những góc nhìn khác về Trọng Tấn.
Mặt khác, Trọng Tấn vẫn hay đùa: “Do dòng nhạc và công chúng đã chọn tôi”. Hơn 10 năm hoạt động nghệ thuật, trung thành với dòng nhạc “cổ điển” nhưng chưa bao giờ anh sợ một ngày nào đó khán giả sẽ ngán và quay lưng lại với mình vì thứ âm nhạc mà anh gắn bó không còn “thức thời”.
Lý lẽ anh đưa ra như để củng cố thêm niềm tin: “Làm nghệ thuật không phải như thay áo, có thể cũ về mặt thời gian nhưng không bao giờ mòn về mặt cảm xúc tâm hồn. Chính vì thế nên bây giờ hay mai sau đi nữa, người yêu nhạc vẫn được đón nhận những ca khúc dù đã thuộc nằm lòng nhưng theo một thứ cảm xúc riêng”.
Bài học đầu tiên trong hành trang của người nghệ sĩ mà Trọng Tấn học được từ thầy của mình là NSND Trần Hiếu: “Đừng để khán giả biết đến mình chỉ với một bài hát tủ. Bài hát tủ phải luôn là bài chưa hát và sẽ hát”, đó có lẽ là điều Trọng Tấn luôn ghi nhớ và hiện thực hoá từng ngày.
theo NNVN

 

Bình luận (0)