Vừa qua, chương trình tư vấn hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” lần thứ 12 năm học 2019-2020 đã diễn ra tại Trường THPT Tân Phong (Q.7) với sự tham dự của hơn 500 học sinh lớp 10, 11, 12. Chương trình do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp cùng Sở GD-ĐT TP và ĐHQG TP.HCM tổ chức, với sự đồng hành của Trường ĐH Công nghệ TP.HCM và Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM.
Học sinh Trường THPT Tân Phong đặt câu hỏi cho ban tư vấn
Máy móc không thể thay thế con người
Khi nhu cầu nhân lực về ngành kỹ thuật, công nghệ lớn cũng là lúc những học sinh yêu thích khối ngành khoa học xã hội lo lắng, bất an. Điển hình là trường hợp của em Mỹ Vân (học lớp 12A11): “Em thích học ngành tâm lý học. Liệu ngành này có bị mất đi trong thời đại 4.0 không?”. Theo chuyên gia tâm lý Chế Dạ Thảo, xã hội ngày càng phát triển thì những căng thẳng, áp lực và nhiều vấn đề về tâm lý của con người cũng xuất hiện, để “khống chế” lại nó rất cần những chuyên gia tâm lý. Trong thời đại công nghệ, máy móc, robot có thể thay thế con người làm công việc nặng nhọc trong những môi trường độc hại, khắc nghiệt nhưng không thể chia sẻ, thấu hiểu cùng với con người, nhất là vấn đề tâm lý. Do đó, em nào thấy mình phù hợp với ngành tâm lý học cứ đăng ký theo học. Khi học ngành này, các em sẽ được học về những cơ chế sinh học của con người, tâm lý học lứa tuổi, giới tính…, ra trường có thể làm chuyên gia tham vấn tâm lý ở trường học hoặc tại các cơ quan báo chí, truyền thông, công ty tổ chức sự kiện… hay ở những bệnh viện, cơ quan công an điều tra tội phạm. “Ở đâu có con người, ở đó cần chuyên gia tâm lý. Vì vậy các em hãy an tâm lựa chọn”, bà Thảo khuyên.
Khẳng định một lần nữa về nhu cầu nhân lực của khối ngành khoa học xã hội khi giải đáp băn khoăn của một nữ sinh về ngành luật, ThS. Lê Dũng (Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM) cho rằng: “Con người là quan trọng nhất”. Theo ông Dũng, máy móc chỉ hỗ trợ con người làm những công việc lặp đi lặp lại như tại các công ty, xí nghiệp…, nhưng không thể giải quyết những vấn đề phát sinh trong xã hội. Chính vì thế khi xảy ra những sự cố liên quan đến doanh nghiệp thì rất cần có luật để xử lý hay nói đúng hơn là cần những chuyên gia, luật sư tư vấn về luật. “Ở Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM có ngành Luật Kinh tế, với ngành này, sinh viên sẽ được học chuyên sâu về Luật Thương mại, kỹ năng giải quyết tranh chấp, cách soạn thảo hợp đồng… để ra trường làm luật sư, làm ở bộ phận ký hợp đồng, làm tại nhiều cơ quan khác nhau. “Trường chúng tôi là ngôi trường tư thục, đào tạo theo chuẩn quốc tế, tiếng Anh là ngôn ngữ chính nên trong chương trình học, sinh viên sẽ học 50% bằng tiếng Anh hay học chuyển tiếp (2 năm ở trường này, 2 năm ở trường đối tác để nhận song bằng)”, ông Dũng cho biết.
Học ngành tổ chức sự kiện ra làm gì?
Mặc dù mới vào lớp 10 nhưng rất nhiều học sinh quan tâm đến những ngành nghề “hot”, trong đó nhiều nhất là nhóm ngành dịch vụ. Trả lời câu hỏi của một học sinh lớp 10 về ngành quản lý nhà hàng – khách sạn, ThS. Lý Quốc Huy (Phó ban Tuyển sinh, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) cho hay, đây là ngành học sau khi ra trường sinh viên được làm việc trong một môi trường năng động, tự do thể hiện sức sáng tạo và mức thu nhập không giới hạn. “Ngành này có nhiều vị trí khác nhau, chẳng hạn như làm ở bộ phận tiền sảnh, phục vụ buồng, bàn tiệc…, tùy vào vị trí sẽ có những yêu cầu khác nhau, nhưng nếu chúng ta có thêm ngoại ngữ sẽ thuận tiện hơn rất nhiều trong công việc”, ông Huy cho biết.
Cũng với nhóm ngành dịch vụ, em Mai Linh (học lớp 11A5) thắc mắc: “Học ngành tổ chức sự kiện ra có thể làm gì?”. ThS. Lê Dũng cho biết: Ngành tổ chức sự kiện có thể học ở Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP.HCM) hoặc ở Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM. Đây là một trong những ngành rộng cửa việc làm, ra trường có thể làm báo, tổ chức sự kiện, làm ở đài phát thanh, truyền hình, ở các cơ quan, doanh nghiệp… “Nếu học ở Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM, năm nhất sinh viên sẽ được đi tham quan tại các doanh nghiệp; năm thứ 2, thứ 3 đi kiến tập, thực tập; sau khi tốt nghiệp trường sẽ giới thiệu việc làm cho sinh viên”, ông Dũng cam đoan.
Đại diện ban tư vấn trả lời câu hỏi của các em học sinh
Khép lại chương trình là câu hỏi của em Trần Thị Kim Xuân Hoa (học lớp 12A7): “Em nghe nói học ngành ngôn ngữ Hàn sau khi ra trường có thể làm hướng dẫn viên du lịch?”. ThS. Lý Quốc Huy hướng dẫn: Có 2 cách để học ngành này, thứ nhất là xét tuyển thẳng vào ngành ngôn ngữ Hàn; thứ hai là xét tuyển vào ngành Đông phương học, sau đó chọn chuyên ngành ngôn ngữ Hàn. Ở con đường thứ nhất, sinh viên sẽ được đào tạo về ngôn ngữ, văn hóa, dân tộc Hàn Quốc; đào tạo kiến thức về kinh tế, kế toán, kiểm toán, ngoại thương, soạn thảo hợp đồng, phiên dịch để sau khi ra trường người học có thể làm việc tại nhiều nơi khác nhau. Riêng cách thứ hai, các em có thể làm hướng dẫn viên du lịch hay giảng dạy cùng nhiều cơ hội việc làm khác tại Việt Nam chứ không cần phải đi xa.
Lưu ý với học sinh trong việc lựa chọn ngành nghề, chuyên gia tâm lý Chế Dạ Thảo nhấn mạnh: “Chọn ngành nghề là việc vô cùng quan trọng. Vì vậy các em cần cân nhắc kỹ lưỡng và nên dung hòa ý kiến của mình với cha mẹ. Nếu cha mẹ không chấp nhận sự lựa chọn của mình thì các em không nên có phản ứng tiêu cực mà hãy thuyết phục theo kiểu mưa dầm thấm lâu. Muốn thành công, bản thân phải hiểu về công việc mình chọn và chứng tỏ đó là sự lựa chọn đúng đắn”.
Bài, ảnh: Hồ Trinh
Bình luận (0)