Trí tuệ nhân tạo (AI) phát triển tạo ra nhiều tiện ích nhưng cũng khiến học sinh lo lắng vì sợ ảnh hưởng đến ngành nghề. Nếu các em chỉ tập trung vào công cụ, kỹ thuật sẽ thất bại; ngược lại, nếu các em biết làm chủ công nghệ, rèn luyện tư duy, kỹ năng sẽ không bị ảnh hưởng.
PGS.TS Hoàng Thị Hồng Hà (Trưởng khoa Quan hệ công chúng và Truyền thông, Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM) tư vấn cho học sinh Trường THPT Gia Định
Đó là lưu ý của các chuyên gia trong chương trình hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” lần thứ 16 năm học 2023-2024 diễn ra tại Trường THPT Gia Định (Q.Bình Thạnh) mới đây. Chương trình do Tạp chí Giáo dục TP.HCM phối hợp cùng Sở GD-ĐT TP.HCM, ĐH Quốc gia TP.HCM và Trung tâm Phát triển GD-ĐT phía Nam (Bộ GD-ĐT) tổ chức, với sự đồng hành của Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM và Trường ĐH Công nghệ TP.HCM.
Phải làm chủ công nghệ
Tại chương trình, em Nhật Linh (học lớp 12TNTC1) bày tỏ: “Em được biết hiện nay trí tuệ nhân tạo phát triển làm một số ngành nghề bị mất đi. Vậy nếu em chọn ngành truyền thông thì trong tương lai có bị ảnh hưởng không?”. PGS.TS Hoàng Thị Hồng Hà (Trưởng khoa Quan hệ công chúng và Truyền thông, Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM) cho biết, con người là tinh túy của nhân loại, nhưng đứng trước công nghệ, chúng ta cũng đừng nên ảo tưởng và quá tự tin mình có thể vượt qua tất cả. Đặc biệt, ngày nay trí tuệ nhân tạo đã phát triển vượt bậc, nhiều nền tảng, ứng dụng công nghệ mới không ngừng ra đời tác động đến đời sống. Trong đó những ngành về truyền thông, công nghệ có thể thay thế và tự làm các công việc như viết tin, chụp ảnh… Nếu các em chỉ tập trung vào công cụ, kỹ thuật thì chắc chắn không qua được công nghệ. Tuy nhiên, các em đừng quá lo lắng vì công nghệ có thể thay thế con người một số thao tác, còn việc làm sao để nắm bắt tâm lý khách hàng, làm những việc liên quan đến con người, cảm xúc và đòi hỏi kỹ năng, tư duy thì công nghệ không thể thay thế con người. “Khi lựa chọn bất cứ ngành học nào các em phải lựa chọn chính xác, rèn luyện tư duy, trau dồi kỹ năng. Có như vậy các em mới có thể tìm được việc và không bị ảnh hưởng bởi trí tuệ nhân tạo”, PGS.TS Hà lưu ý.
Học sinh Trường THPT Gia Định đặt câu hỏi cho chuyên gia
Giải đáp về ngành digital marketing được nhiều học sinh quan tâm, ThS. Nguyễn Trần Ngọc Phương (Giám đốc Trung tâm Marketing và Phát triển thương hiệu, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) cho rằng, nếu trước đây ngành marketing chỉ liên quan đến công việc bán hàng, đưa thương hiệu đến gần công chúng thì hiện nay ngành digital marketing còn liên quan đến việc ứng dụng công nghệ. Sinh viên học ngành này sẽ được đào tạo kiến thức về marketing, nền tảng số, mạng xã hội, tạo chiến dịch, mục tiêu để đưa quảng cáo đến khách hàng. Để học được ngành này, sinh viên phải có tố chất năng động, nhạy bén, sáng tạo và không ngừng cập nhật thông tin mới để phù hợp với thị trường. “Hiện nay, nhu cầu sử dụng mạng xã hội, công nghệ thông tin cao nên nhiều ngành nghề đào tạo cũng gắn liền với công nghệ để bắt kịp xu thế. Vì vậy, người học ngành digital marketing sẽ có được công việc theo mong muốn và không phải lo ngành nghề này bị thay thế”, ThS. Phương cho biết.
Trau dồi kiến thức từ giảng đường
Em Diệu Nhung (học lớp 12TN2) hỏi: “Em muốn học ngành công nghệ thực phẩm nhưng không biết ngành này ra trường có dễ tìm việc không?”. TS. Lưu Xuân Cường (đại diện Trường CĐ Bách khoa Sài Gòn) cho biết, công nghệ thực phẩm là ngành học trang bị cho người học kiến thức về bảo quản, chế biến thực phẩm, kiểm định chất lượng sản phẩm… Ra trường, người học có thể làm việc ở các viện nghiên cứu, công ty về thực phẩm, chuyên gia tư vấn dinh dưỡng… “Tại Trường CĐ Bách khoa Sài Gòn, ngành công nghệ thực phẩm nói riêng và những ngành học khác nói chung đào tạo 30% lý thuyết, 70% thực hành. Với thực hành, ngoài việc được thực tập, kiến tập, người học còn được học qua dự án, tình huống. Hiện nay, doanh nghiệp tuyển dụng nhân sự không chỉ đòi hỏi kiến thức mà quan trọng là người lao động có thể làm được những công việc gì, có năng lực hay không… Nếu đảm bảo yêu cầu, các em sẽ dễ dàng tìm được việc làm với thu nhập hấp dẫn”, TS. Cường chia sẻ.
Đại diện một đơn vị tư vấn thêm về chương trình đào tạo cho các em học sinh
Một học sinh khác bày tỏ: “Em có quan tâm đến ngành thiết kế đồ họa và nghe nói ngành này có thể vẽ trên máy. Hiện tại em vẽ chưa được đẹp thì có thể chọn ngành này không?”. Bà Trương Thị Huệ Ngọc (Trưởng phòng Tuyển sinh, Trường ĐH Greenwich Việt Nam) cho hay, hiện Trường ĐH Greenwich Việt Nam có nhiều ngành đào tạo, trong đó có ngành thiết kế đồ họa. Ngành này chủ yếu vẽ trên máy, ứng dụng phần mềm đồ họa để tạo ra sản phẩm nhưng đòi hỏi người học phải có năng khiếu vẽ. “Nếu các em muốn học ngành này nhưng hiện tại vẽ chưa đẹp vẫn không sao vì quan trọng là khả năng chịu khó học hỏi, khả năng cầu tiến, học hành chăm chỉ. Trong quá trình học, nhà trường sẽ đào tạo, rèn luyện kỹ năng vẽ cho sinh viên. Nếu các em chịu khó học tập, kỹ năng vẽ sẽ nâng cao và ra trường tìm được việc làm”, bà Ngọc nói.
Thông tin cho học sinh về các chương trình đào tạo hiện nay, ThS. Nguyễn Bá Anh (Phó Giám đốc Trường ĐH Gloucestershire Việt Nam) thông tin, sau THPT, học sinh có nhiều lựa chọn với nhiều chương trình đào tạo như chương trình đào tạo trong nước, cử nhân quốc tế, du học nước ngoài… Trong đó, chương trình đào tạo cử nhân quốc tế của Trường ĐH Gloucestershire Việt Nam có những ưu điểm sau: Sinh viên học chương trình đào tạo được chuyển giao từ Anh quốc, học 100% bằng tiếng Anh, học với giảng viên nước ngoài, có cơ hội tham gia học kỳ quốc tế, ra trường vững kỹ năng tin học, ngoại ngữ. “Khi tốt nghiệp, tấm bằng của sinh viên có giá trị toàn cầu, các em có thể xin việc ở các công ty, tập đoàn nước ngoài. Hiện trường có nhiều ngành đào tạo như kinh doanh quốc tế, kế toán, tài chính, du lịch… Những em có mong muốn học tập trong môi trường quốc tế có thể lựa chọn học tại trường”, ThS. Bá Anh gợi ý.
Bài, ảnh: Hồ Trinh
Bình luận (0)