Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Trong tượng thạch cao có hài cốt em tôi!

Tạp Chí Giáo Dục

 

Bà Phạm Thị Tình, chị vợ của ông Lê Vân – người đàn ông được cho là đã 5 năm ôm hài cốt vợ ở huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, khẳng định như vậy.

Ngày 1/12, chúng tôi đến nhà bà Phạm Thị Tình (SN 1954, ngụ tổ 12, thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình – Quảng Nam) để tìm hiểu thêm chuyện ông Lê Vân ôm xác vợ suốt 5 năm nay.

Bà Phạm Thị Tình, chị vợ của ông Lê Vân
Không có việc chôn bà Sang ở nơi khác
Nhà bà Tình có ba chị em gái. Bà Tình là chị đầu, kế đến là bà Sang (vợ ông Vân), còn người em út hiện đang sống tại TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. “Cuối năm 2004, con gái đầu của Sang là Lê Thị Hà từ Gia Lai về thắp hương và phát hiện quan tài của mẹ bị nâng sát lên mặt quách xây bằng gạch. Cháu về kể với tôi rằng ba nó đã đào lấy hài cốt mẹ (bà Sang – PV) lên rồi. Tôi liền chạy sang hỏi, ông Vân nói là sẽ mang xác vợ về để khỏi lạnh lẽo…”.
Ngay hôm đó, bà Tình cùng các con của ông Vân – bà Sang ra mộ, mở quan tài xem, thấy hài cốt bà Sang đã khô, đồ khâm liệm gần như còn nguyên, không nghe mùi hôi. Gia đình báo chính quyền và công an địa phương đến làm việc rồi tổ chức cúng, sau đó chôn quan tài trở lại. Những ngày tiếp đó, gia đình lại phát hiện dấu hiệu đào bới đất trên miệng quách mộ bà Sang.
Cũng theo bà Tình, ông Vân đắp tượng thạch cao ấy trong nhiều ngày mới xong, sau đó đem vào để trong buồng, ngủ cùng. “Tưởng ổng quá thương vợ nên đắp tượng cho đỡ nhớ, ai ngờ đem xác vợ về để trong tượng. Cũng không biết ông ta đem vợ về từ lúc nào, chỉ đến khi người nhà mở tượng ra xem thì khiếp đảm vì có xương người bên trong. Tôi nói với ông Vân: “Mi làm chi ác rứa, không để cho con Sang mồ yên mả đẹp?”, ông ta nói đó là chuyện riêng của ổng, vợ ổng hiện đang ở Pháp, ở Mỹ chứ không chết. Sau này Sang sẽ đẹp như tiên. Nghe vậy, tôi chẳng biết khuyên bảo sao nữa…”. Bà Tình đoan chắc trong tượng thạch cao do ông Vân đắp có hài cốt của em gái bà.
Bà Tình khẳng định không có chuyện chính quyền địa phương hỗ trợ gia đình đưa hài cốt bà Sang đến chôn nơi bí mật, còn ngôi mộ bà Sang trước đây là ngôi mộ trống.
Quyết giữ xác vợ
Chúng tôi trở lại gia đình ông Lê Vân. Khác với những lần trước, ông Vân không cho ai đến gần tượng thạch cao mà ông nói là có chứa hài cốt vợ bên trong. Hai ngày qua, ông cứ quẩn quanh trong nhà để… giữ hài cốt vợ. Hỏi chuyện một số bác sĩ đến chụp X-quang tượng thạch cao vào chiều 30/11, ông Vân vui hẳn lên, khoe: “Tôi đã nói rồi mà không ai tin. Xác vợ tôi nằm đó mấy năm nay rồi mà”.
Ông kể tiếp: “Sáng 28/11, khi Công an thị trấn Hà Lam mời tôi lên làm việc, có kẻ đột nhập nhà tôi, rạch phá nát hết bắp chân tượng chứa xác vợ tôi. Chừ tôi không đi đâu hết. Tôi quyết giữ xác vợ tôi cho được!”.
Câu chuyện giữa chúng tôi và người đàn ông “thương vợ nhất Thăng Bình” cứ chắp nối bằng những tình tiết bí ẩn và bất bình thường. Ông Vân kể thời trai trẻ ông là người đẹp trai nhất huyện (?!). Sau khi vợ ông qua đời gần 3 năm, một phụ nữ tuổi Tý (nhỏ hơn ông Vân 20 tuổi) góa chồng thường ghé nhà ông ăn trưa và hay than vãn cảnh đơn chiếc nhưng ông chỉ xem chị ta như em gái (!).
Ông Vân cho chúng tôi xem bức ảnh chụp cảnh ông bị các con đánh chảy máu, trong đó tay ông cầm tấm giấy ghi dòng chữ: “Lưu niệm xuân ở đầu 2005. Lưu niệm 1.000 đời”. Trên hai tờ giấy dán trên tường, ông Vân cũng ghi những dòng khó hiểu: “Có giúp tôi thì giúp bằng quan tiền, chén gạo. Đừng giúp tôi bằng lời lẽ xúi giục con tôi sát hại tôi nữa. Xin cảm ơn!”. Chúng tôi đề nghị được xem những “thanh màu nâu” từ tay phải của tượng thạch cao mà ông đã “giải phẫu” trưa 28/11 có phải là xương người hay không, ông Vân từ chối, nói là đã dùng thạch cao bít lại rồi.
Thuyết phục ông Vân đưa tượng đi chôn 
Lúc 17 giờ 30 phút ngày 1/12, ông Trần Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, cho biết vẫn chưa có kết luận cụ thể về việc có hài cốt người trong tượng thạch cao ở nhà ông Lê Vân. Theo ông Tuấn, chính quyền và các cơ quan chức năng ở địa phương đang tiếp tục vận động, thuyết phục ông Vân đồng ý cho gia đình đưa tượng đi chôn trở lại.

Theo Nhi Ly
Người Lao Động

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)