Với nụ cười lạc quan, thân thiện, chẳng ai biết thầy Hồ Trung Hậu – Tổ trưởng Tổ chuyên môn tiếng Anh, Trường THPT Bình Khánh, TP.HCM đang mang căn bệnh ung thư tuyến giáp.
Thầy Hậu bảo: “Sự lạc quan, yêu đời có được chính là nhờ học trò, đồng nghiệp và hậu phương vững chắc đã truyền cho tôi sức mạnh, động lực để vượt qua bệnh tật”.
“Học trò giúp tôi vui sống”
Dẫu cứng cỏi đến mấy cũng phải suy sụp trước hung tin mình mắc bệnh ung thư. Thầy Hậu nhớ lại ngày nhận tin dữ: “Thời gian ấy trong người có biểu hiện lạ và khó chịu nhưng vì bận lên lớp không có thời gian đi khám bệnh. Đến ngày Giáng sinh năm 2014, cảm giác không thể chịu nổi nữa mình mới nhờ học trò cũ là bác sĩ đưa đi khám ở Bệnh viện Ung bướu TP.HCM”. Qua nhiều xét nghiệm cho kết quả khiến ai cũng choáng váng: Ung thư tuyến giáp. Vì cường giáp nhiều phải mất 5 tháng điều trị, thầy cũng đã trải qua đợt phẫu thuật và sắp tới đây phải xạ trị đợt hai.
Tình trạng sức khỏe là thế nhưng thời gian qua thầy vẫn đảm bảo công việc của một tổ trưởng chuyên môn và một giáo viên đứng lớp. Thầy Hậu xúc động: “Mình cũng cố gắng giấu bệnh tình, học trò biết lại thêm lo nhưng rồi ai cũng biết chuyện. Mình mong mau hết bệnh để có thời gian gần gũi các em hơn. Những lần đi bệnh viện, mặc dù được các thầy cô dạy thay nhưng thấy thương các em quá”. Trong suốt buổi trò chuyện, thầy Hậu luôn tỏ ra lạc quan nhưng lúc này đây, ánh mắt đầy vẻ âu lo. Từ ngày thầy Hậu bệnh, việc nhà đều mình vợ – cô Lê Thị Phương Dung, giáo viên cùng tổ tiếng Anh đảm trách. Thầy chia sẻ: “Mình không làm được việc nặng, bà xã trở thành người “trụ cột” gánh vác hết mọi chuyện”.
Thầy Hồ Trung Hậu, cô Lê Thị Phương Dung và hai con (ảnh gia đình cung cấp) |
Quãng học sinh và cho đến tận bây giờ, thầy Hậu và cô Dung được biết đến là đôi bạn học giỏi của huyện ngoại thành Cần Giờ. Họ là đôi bạn chung lớp 5. Lúc ấy, cô Dung là lớp trưởng, còn thầy là lớp phó. Rồi cùng học sư phạm và ra trường cả hai đều nhận công tác tại Trường THPT cấp 2-3 Cần Thạnh, nay là Trường THPT Cần Thạnh. Năm 2005, do Phòng GD-ĐT huyện thiếu người làm công tác chuyên môn, thầy Hậu được điều động làm chuyên viên. Đến 2009, khi mọi thứ đã ổn, thầy được chuyển về Trường THPT Bình Khánh, ngôi trường mà trong tâm trí thầy cô vẫn đong đầy kỷ niệm tuổi học trò.
Niềm mong mỏi
Cha thầy Hậu, nguyên là một cán bộ ở địa phương cũng vừa qua đời vì căn bệnh ung thư máu. Dẫu biết sống chết là lẽ thường nhưng nỗi đau sau sự ra đi của ông vì căn bệnh ung thư chưa nguôi thì lại tiếp hung tin đến với gia đình.
Bao thế hệ học trò của vùng đất ngập mặn Cần Giờ không thể quên hình ảnh của thầy cô giáo sớm hôm bên trang giáo án hết lòng vì các em. Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất còn nhiều khó khăn này, hơn ai hết, thầy Hậu và cô Dung hiểu được tâm tư, nguyện vọng của các em mà cảm xúc luôn dâng tràn mỗi khi nhắc đến. Thầy Hậu trầm ngâm hồi lâu rồi tự trách mình: “Mình có lỗi với học trò nhiều lắm”.
Bên cạnh những lớp học trò thành đạt là kỹ sư, bác sĩ, nhà giáo… đang công tác tại các sở ngành của thành phố, thầy Hậu – cô Dung còn được quyền tự hào với một “tài sản” lớn, đó là hai con trai Hồ Hòa Bình (lớp 8, Trường THCS Bình Khánh) và Hồ Quốc Thống (lớp 4, Trường TH Bình Khánh) nhiều năm liền là học sinh giỏi. Gia đình hướng hai con tiếp nối nghề giáo, nghề mà hơn chục thành viên trong gia đình đã và đang theo từ bậc mầm non đến ĐH. Tuy nhiên, theo thầy Hậu: “Cứ để con cái quyết định chuyện nghề nghiệp, mình không ép”.
Cả hai con có ý thức tự lập từ nhỏ, nay biết cha bệnh, các cháu cũng đã sớm trở thành những người “trụ cột” trong gia đình. “Niềm mong mỏi lớn nhất của mình là mau hết bệnh để có điều kiện, thời gian dạy dỗ học sinh và chăm sóc con cái chu đáo hơn”, thầy Hậu mong.
Trần Tuy An
Thầy Hậu cho biết: “Từ ngày bệnh, kinh tế của gia đình có ảnh hưởng nhưng cũng không đến nỗi quá khó khăn. Quanh mình luôn có người thân, gia đình, đồng nghiệp và đặc biệt là học trò, xem như đời sống tinh thần quá tuyệt vời, điều đó giúp mình tự tin hơn, đẩy lùi bệnh tật và vui sống”. |
Bình luận (0)