Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Trục lợi nhà ở xã hội

Tạp Chí Giáo Dục

Theo điều tra của Tuổi Trẻ, bất chấp quy định không được mua bán hay cho thuê lại nhà ở xã hội, hiện nhiều người sau khi mua được nhà ở xã hội đã âm thầm cho thuê làm văn phòng, thậm chí bán lại kiếm lời…

Trục lợi nhà ở xã hội
Khu nhà ở xã hội số 30 Phạm Văn Đồng (Hà Nội) dành cho người thu nhập thấp nhưng vẫn có căn hộ được biến thành văn phòng, nhà cho thuê – Ảnh: HOÀI NAM

Nhà ở xã hội dành cho người nghèo, Nhà nước ưu đãi từ vốn đến đất đai để người nghèo có cơ hội được chỗ an cư giá rẻ.

Nhưng thực tế, sau sự kiện giám đốc mua được nhà gói 30.000 tỉ đồng, hiện tại đã lộ ra một số “người nghèo” mua tới vài căn nhà ở xã hội, ngay sau khi mua đã đem cho thuê, bán lại kiếm lời. Khi người giàu còn mua được nhà ở xã hội, cơ hội cho người nghèo đã ít lại tiếp tục giảm đi.

Nhà ở xã hội biến thành văn phòng

Tòa nhà số 30 Phạm Văn Đồng (P.Dịch Vọng Hậu, Q.Cầu Giấy, Hà Nội) do Công ty CP xây dựng và thương mại Bắc Hà làm chủ đầu tư là một dự án nhà ở xã hội lớn tại Hà Nội. Nguyên tắc chỉ người thu nhập thấp mới được mua nhà ở đây. Tuy nhiên, không khó để thấy rất nhiều xe sang như SH, thậm chí xe hơi xịn ghé vào đây buổi tối.

Trong vai người tìm mua căn hộ nhà ở xã hội, chúng tôi được giới thiệu đến một người đàn ông tên Thanh, tự nhận là người “có kinh nghiệm của dự án”.

“Bọn em phải hiểu giao dịch này là giao dịch ngầm. Mua được thì là mua ngầm, mọi giấy tờ, sổ đỏ vẫn là tên chủ cũ” – ông Thanh gợi ý. Sau khi hỏi han gia cảnh và được xóa tan hiềm nghi, ông Thanh hướng dẫn chúng tôi liên hệ bà Thúy – người khẳng định gom được vài căn hộ.

“Chị còn 3 giá, khoảng 24 – 25 triệu đồng/m2, ở tầng 8. Nhưng hiện giấy tờ vẫn đứng tên chủ cũ, em muốn mua thì trước mắt chỉ ký một hợp đồng thỏa thuận mua bán thôi, còn phải ít nhất sau 5 năm mới sang tên được”, bà Thúy hướng dẫn.

Không chỉ có hoạt động mua bán “ngầm”, tại dự án này còn có các căn hộ được chủ nhân mua sau đó cho thuê lại. Qua tìm hiểu, một căn hộ của dự án này đang được một cặp vợ chồng (vợ người Việt, chồng người Hàn Quốc) thuê lại từ người đàn ông sống ở tầng 7 cùng tòa nhà để ở với thời hạn 1 năm, giá thuê 8 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, chủ nhân này cũng đã gom nhà lại từ một người chủ khác. Theo vợ chồng người đang thuê căn hộ trên, chính vì sự nhùng nhằng này đã khiến họ gặp rất nhiều khó khăn khi đến nay vẫn chưa thể làm giấy tạm trú tạm vắng.

Cũng ở dự án trên, tại căn hộ có vị trí đẹp ở tầng 3 đáng ra là chỗ ở cho người nghèo thì hiện lại là một… văn phòng kế toán. Một nhân viên ở đây cho hay căn hộ này được thuê lại với giá 6 triệu đồng/tháng làm văn phòng trên danh nghĩa là thuê nhà ở.

Ở dự án nhà ở xã hội Ecohome (Cổ Nhuế, Q.Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cũng có tình trạng tương tự. Thông tin mua bán tại dự án này thậm chí đã công khai trên mạng. Một phụ nữ tên Huệ tự xưng trưởng một văn phòng bất động sản chắc nịch: mua được, không khó.

“Dự án mới hoàn thành, mua bán là sai quy định, nếu bị phát hiện bọn em phải làm thế nào?” – chúng tôi băn khoăn. Bà Huệ nói: “Vô tư đi…”.

Theo tư vấn của bà Huệ, cách “lách” quy định khá đơn giản: tới văn phòng luật sư làm giấy “ủy quyền sử dụng, định đoạt” từ người bán. Người mua như vậy sẽ có quyền sử dụng căn hộ, thay mặt chủ nhà làm sổ đỏ, ký hợp đồng điện nước, dịch vụ, nhập hộ khẩu…?

Bà Huệ chắc nịch: “Rất nhiều khách ngoại tỉnh qua chị đã mua được. Chị thu phí môi giới ở bên bán, em chỉ phải đóng 5 triệu đồng phí tư vấn pháp luật”…

Không để người nghèo mất cơ hội

Theo một nguyên lãnh đạo Bộ Xây dựng, hiện nay việc xét duyệt hồ sơ mua nhà đều giao hết cho chủ đầu tư tự làm. Lợi dụng điều này, không ít chủ đầu tư đưa những hồ sơ không hợp lệ vào để kiếm chác. Khi cơ quan quản lý phát hiện sai phạm này thì họ dễ dàng đổ lỗi cho người mua gian dối.

Nhiều người dân cũng lách luật, tìm mọi cách có được bộ hồ sơ hợp lệ để mua nhà, mua xong thì ngay lập tức bán hoặc cho thuê lại để kiếm lời. Điều này khiến vô số người nghèo khó khăn nhà ở sẽ khó kiếm nhà ở hơn.

Nhận phản ánh của Tuổi Trẻ về các trường hợp nói trên, ông Vũ Ngọc Đạm – trưởng phòng phát triển nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng Hà Nội – thừa nhận hiện nay dù quy định về mua bán, sử dụng nhà ở xã hội khá chặt chẽ, nhưng do người mua và người bán tự thỏa thuận “ngầm” với nhau, chấp nhận rủi ro nên rất khó quản lý.

Theo đó, người mua lại vẫn chấp nhận căn hộ đã mua đứng tên chủ cũ. Khi cơ quan quản lý kiểm tra thì thấy chủ cũ vẫn đứng tên hợp pháp nên không thể xử lý được.

Theo ông Đạm, nếu phát hiện các trường hợp này, cơ quan chức năng sẽ thu hồi căn hộ ngay, sau đó bán lại cho những người đủ điều kiện. “Đợt vừa rồi Sở Xây dựng cũng đã có văn bản nhắc nhở chủ đầu tư và cơ quan quản lý”.

Nhưng theo ông Đạm, đang có “cái khó” là thông thường chủ đầu tư xây xong thì rút đi, phó mặc cho đơn vị quản lý vận hành hoặc ban quản trị tòa nhà nên khó ràng buộc trách nhiệm phải thực hiện đúng quy định.

Ông Đạm cũng thừa nhận hiện quy định chỉ dừng lại ở phát hiện và thu hồi (trả lại tiền cho người mua) nên không đủ sức răn đe. Phải có biện pháp mạnh tay hơn như chế tài phạt hành chính, thậm chí thu hồi (không hoàn tiền). “Nhà ở xã hội có rất nhiều ưu đãi. Cố tình làm sai hay trục lợi rất đáng để xử lý nghiêm”, ông Đạm nói.

Ông Đạm cho biết tới đây nghị định 100 về quản lý nhà ở xã hội sẽ thay thế quy định cũ, theo đó về nguyên tắc sẽ tăng cường trách nhiệm của địa bàn phường xã, quận huyện.

“Những hộ mua nhà ở xã hội phải có đầy đủ hồ sơ các thành viên trong gia đình nộp cùng, sau đó công an quản lý hộ khẩu tại địa phương sẽ có trách nhiệm giám sát. Nếu bán lại hoặc cho thuê sẽ phát hiện dễ dàng hơn, sau đó báo cáo với UBND phường, quận tổ chức thu hồi”, ông Đạm thông tin.

Ông Trần Ngọc Hùng (chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam):

Cần bịt các kẽ hở

Nhà ở xã hội dành cho người khó khăn về nhà nhưng rõ ràng nhiều người dư dả vẫn mua được nhà, tức là có kẽ hở rất lớn. Mấu chốt lớn nhất vẫn là việc hiện nay chính sách giao hết cho chủ đầu tư quyết định toàn quyền việc xét duyệt hồ sơ. Có yêu cầu xác nhận tình trạng chỗ ở từ chính quyền thì lại do người mua tự đi xin xác nhận.

Như vậy người mua, người bán đều có thể tìm cách lách được. Muốn bịt kẽ hở này không khó. Theo tôi, trong quá trình xét duyệt hồ sơ chỉ cần lập một hội đồng liên ngành gồm cơ quan quản lý xây dựng, chính quyền địa phương, chủ đầu tư, ngân hàng… để chấm điểm.

Về lâu dài, cần phải thay đổi chính sách về nhà ở xã hội. Các quốc gia tiên tiến cũng không có chính sách giao cho chủ đầu tư xây dựng đi kèm ưu đãi nhiều thứ rồi bán cho người mua. Họ chỉ xây dựng nhà ở xã hội dành để cho thuê, không bán. Còn các dự án để bán, họ hỗ trợ trực tiếp cho người mua.

Nhà nước có thể hỗ trợ bằng cách cho vay không lãi suất một vài năm hoặc lãi suất thấp thông qua các ngân hàng chính sách xã hội.

L.HOÀI ghi

Chỉ mới thu hồi 
2 trường hợp

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, đến nay đã có khoảng 10.000 căn hộ nhà ở xã hội tại các dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng. Tuy nhiên cơ quan chức năng chỉ mới phát hiện và thu hồi được hai trường hợp tại dự án nhà ở xã hội Ngô Thì Nhậm (Q.Hà Đông, Hà Nội) vi phạm về quy định mua bán.

 

LÂM HOÀI – HÀ THANH/TTO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)