Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Trục lợi từ bán hàng đa cấp đội lốt thương mại điện tử

Tạp Chí Giáo Dục

Hàng nghìn người dân Nam Định đã tham gia mua các gian hàng của một công ty để thực hiện kinh doanh thương mại điện tử và cũng chính những người sau khi tham gia hoạt động này cho biết, công ty có dấu hiệu mượn danh thương mại điện tử để bán hàng đa cấp trục lợi, với đa số nạn nhân là sinh viên.

Mượn danh thương mại điện tử để trục lợi

Theo phản ánh của chị N. T. P, trú tại đường Trần Hưng Đạo, thành phố Nam Định, được người quen rủ tham gia kinh doanh thương mại điện tử vừa nhàn, lại dễ kiếm tiền nên chị đồng ý. Sau vài tháng chị mới thấy đây thực chất là hình thức bán hàng đa cấp, sản phẩm chính là các gian hàng điện tử trên mạng.

Còn chị P. T H ở đường Hàn Thuyên, thành phố Nam Định cho biết: Thông qua sự giới thiệu của một đồng nghiệp ở cơ quan, tôi mua một gian hàng thương mại điện tử với giá 5,2 triệu đồng. Mua xong mới biết thực ra là việc mua gian hàng của tôi làm tăng hoa hồng cho chính chị đồng nghiệp đã giới thiệu, còn tôi muốn có lãi, thì phải mời được người khác tiếp tục mua gian hàng mới. Hỏi ra mới biết những người mua gian hàng chủ yếu đều là sinh viên, hoặc những người trẻ tuổi chưa có công ăn việc làm, nhàn rỗi làm thêm. Lãi từ kinh doanh không phải do sản phẩm bán được từ gian hàng, mà là phụ thuộc vào việc giúp công ty bán được các gian hàng mới. Tôi nghĩ đây thực chất là mượn danh thương mại điện tử để trục lợi.

Sau khi tham gia nhiều người cho biết nhiều công ty có dấu hiệu mượn danh thương mại điện tử để bán hàng đa cấp trục lợi. Ảnh minh họa: Tuoitre.

Để tìm hiểu vấn đề, chúng tôi tiếp cận đơn vị đang hoạt động thương mại điện tử tại tỉnh Nam Định là Công ty Cổ phần Đào tạo Mua bán Trực tuyến, có trụ sở đặt tại đường Đông A, Khu đô thị Hòa Vượng, thành phố Nam Định. Với vẻ bề ngoài rất khang trang, tấp nập, nhiều người dễ nhầm đây là một doanh nghiệp lớn đang thời kỳ phát đạt. Song, ngay khi bắt đầu tiếp xúc đã thấy có dấu hiệu khả nghi, vì trước khi tư vấn, chúng tôi bị yêu cầu tắt điện thoại, thậm chí còn bị các tư vấn kiểm tra khi nghi ngờ chúng tôi mang máy ghi âm.

Trong vai người muốn mua gian hàng, chúng tôi được tư vấn viên thuyết giảng suốt hơn một giờ đồng hồ về những lợi ích, lợi nhuận có được khi mua gian hàng và trở thành thành viên của công ty này. Cụ thể, sau khi mua một gian hàng trị giá 5,2 triệu đồng, người mua sẽ được hưởng quyền lợi đầu tiên là được giảm phần trăm khi mua các mặt hàng được quảng bá, rao bán trên trang Web của hệ thống. Nhưng để có thu nhập hay không, thì phụ thuộc vào việc thành viên mới có mời được thêm người mua gian hàng. Nếu người mua tiếp tục giới thiệu được thêm hai người tham gia sẽ được nhận 1,5 triệu đồng/người (trích từ số tiền 5,2 triệu đồng/người nộp khi mua gian hàng), nếu mỗi người mới này lại mời thêm hai người vẫn sẽ được nhận 1,5 triệu đồng/người, mỗi cặp mời thêm 2 người nữa, mỗi đối xứng đó được thêm 320.000 đồng/người.

Tùy theo số lượng người mua gian hàng gia tăng để phân cấp vị trí cũng như thu nhập trong hệ thống. Để trở thành cấp VIP phải có 198 người mới mua gian hàng. Khi trở thành cấp VIP, thu nhập của mỗi VIP được thưởng từ 198 người dưới cấp, tương đương 99 cặp đối xứng, nhân với khoản thưởng 320.000 đồng/người là 31,68 triệu đồng, cộng thêm một tài khoản 80 triệu đồng tại ngân hàng.

Người bỏ không tham gia sẽ không được hoàn tiền mua gian hàng, vì đã được ăn chia dựa vào số tiền hoa hồng khi giới thiệu và một phần trừ vào phí duy trì dịch vụ của công ty, trả cho các thành viên VIP. Cụ thể, 10% của 5,2 triệu đồng văn phòng công ty sẽ thu, 3% là phí đào tạo, 87% còn lại thưởng cho người có công xây dựng chợ giao dịch, thực chất là những người đứng đầu hệ thống. Nói chính xác thì thu nhập khi trở thành thành viên của "muaban24.vn" là ăn chia tiền mua gian hàng của người sau.

Nhiều sinh viên mắc lừa

Trong vai một khách cần gian hàng để tham gia kinh doanh thương mại điện tử, chúng tôi gặp được N. H. H, một thành viên tham gia ngay từ khi có hoạt động thương mại điện tử tại Nam Định. Chỉ sau câu chào xã giao, H đã "thao thao" về viễn cảnh kiếm tiền dễ, nếu trở thành thành viên của hoạt động thương mại điện tử tại Nam Định. Theo H, hiện bản thân chị ta thu nhập khoảng 30-40 triệu đồng/tháng, tháng ít cũng lên tới 15 triệu đồng. Thời gian làm việc mỗi ngày chỉ vài tiếng, chủ yếu tiếp khách tại quán cà phê. Những lời đường mật của vị tư vấn viên này đã khiến nhiều người trẻ tuổi, mà đa phần là sinh viên siêu lòng.

Qua tìm hiểu được biết tại Nam Định có hàng nghìn người đã tham gia mua gian hàng trên mạng của Công ty Cổ phần Đào tạo Mua bán Trực tuyến. Nhưng chủ yếu các thành viên đều là sinh viên của các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành Nam. Với lời hứa sẽ thu siêu lợi nhuận, nhiều sinh viên đã phải vay tiền bạn bè để mua một gian hàng, rồi lôi kéo chính bạn bè, người thân của mình tham gia vào sàn để kiếm hoa hồng hệ thống. Tuy nhiên, trái ngược với việc tự nhận có thu nhập rất cao, công việc dễ dàng khi đi thuyết phục người khác tham gia, nhiều thành viên sau một thời gian ngắn tham gia vào trang này đã phải từ bỏ, chấp nhận mất 5,2 triệu đồng phí đăng ký vì không đòi lại được.
Trước những phản ánh của chính những người tham gia, các cơ quan chức năng tỉnh Nam Định cần sớm điều tra, làm rõ để không còn có thêm những nạn nhân mới trong hoạt động thương mại điện tử trá hình này.

Nguyễn Trường

Báo tin tức

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)