Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân cho biết như vậy tại buổi họp trực tuyến với hơn 400 trường ĐH, CĐ trong toàn quốc qua 7 cầu truyền hình trực tuyến tổ chức hôm Thứ Bảy, ngày 29/10.
Ông đưa ra số liệu chứng thực: “ Năm 2006, cả nước có 18 trường được thành lập, trong đó, 6 trường thành lập mới, còn lại là nâng cấp lên. Trong 2 năm 2006-2007, trung bình mỗi năm có 20 trường được thành lập, còn từ năm 2008 đến nay, trung bình 11 trường/năm".
Trước đó, theo “Báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và đảm bảo chất lượng đào tạo” của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá XII thì từ năm 1998 đến năm 2009, đã có 312 trường ĐH, CĐ được thành lập. Nghĩa là trung bình cứ 2 tuần, lại có 1 trường ĐH, CĐ ra đời. Kết quả, tính đến tháng 9/2009, cả nước có 440 trường ĐH, CĐ, trong đó, có 77 trường ngoài công lập.
Theo đề nghị của Phó Thủ tướng, phải kiên quyết chấm dứt tình trạng không kiểm soát được chất lượng đào tạo; đồng thời có cơ chế giám sát, đẩy mạnh kiểm định chất lượng GDĐH.
Ảnh: Lê Anh Dũng |
Tuy nhiên, hứa hẹn về cơ quan kiểm định chất lượng ĐH đang ở "thì tương lai": Bộ GD – ĐT đã dự kiến trong ba năm, kể từ 2010, phải cho ra đời được ba đơn vị kiểm định chất lượng giáo dục ĐH. Nay, đã gần hết năm 2011 vẫn chưa hình thành được đơn vị nào.
Trả lời Phó Thủ tướng, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết Bộ GD-ĐT sẽ đẩy mạnh rà soát, kiểm tra các cơ sở đào tạo trình độ thạc sĩ trong năm học 2011-2012.
Ông dẫn chứng quy định mới của Bộ: “Trường được cấp phép đào tạo trình độ thạc sĩ chỉ khi bảo đảm số giảng viên cơ hữu có trình độ thạc sĩ trở lên tham gia giảng dạy ít nhất 70% chương trình đào tạo và có ít nhất năm giảng viên cơ hữu có bằng tiến sĩ cùng ngành.”
Và ông khẳng định: “Các trường không đạt được điều kiện tối thiểu này chắc chắn sẽ bị đình chỉ tuyển sinh trình độ thạc sĩ ngay lập tức.”
Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng cho biết một số thông tin liên quan đến kiểm soát chất lượng của một số ĐH, CĐ: năm 2010-2011, Bộ kiểm tra cho thấy việc thực hiện các điều kiện đảm bảo chất lượng của các trường này vẫn còn quá mỏng, cơ sở vật chất một số trường không đảm bảo các tiêu chí tối thiểu.
Đối với các trường này, Bộ sẽ xử lý ở các mức: Thu hồi quyết định mở ngành, giảm chỉ tiêu tuyển sinh, đình chỉ hoạt động đào tạo và trình cấp có thẩm quyền xem xét đình chỉ hoạt động và giải thể trường.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nói sẽ hoàn thiện hướng dẫn 3 “công khai” cho nhà trường, đặc biệt sẽ loại bỏ kẽ hở trong GDĐH.
Sau những kiến nghị về đổi mới tuyển sinh, đặc biệt là các đề xuất của Hiệp hội các trường ngoài công lập, tại buổi sơ kết, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết vẫn thực hiện thi và tuyển sinh viên ĐH, CĐ theo hình thức “ba chung” nhưng sẽ có những điều chỉnh, bổ sung hợp lý theo hướng mở rộng khối thi, điều chỉnh phương thức tuyển sinh đối với các ngành năng khiếu…
Đối với các hệ đào tạo lâu nay bị hoài nghi về chất lượng và bị nhiều hội đồng tuyển dụng tẩy chay như tại chức, liên thông, liên kết, Bộ sẽ kiểm tra, thanh tra chặt chẽ. Đồng thời, năm 2011-2012, chỉ tiêu không chính quy và trung cấp chuyên nghiệp trong các trường ĐH-CĐ sẽ bị cắt giảm.
Các trường ĐH-CĐ được nhắc nhở phải lưu ý đến quy hoạch nguồn nhân lực quốc gia đã có để đưa ra chỉ tiêu tuyển sinh phù hợp, tránh tình trạng đào tạo ra không có việc làm.
Dạy học cũng như làm dịch vụ. Chúng ta phải xác định đổi mới quản lí GDĐH dựa trên nguyên tắc nền tảng gì, liệu có phải trên nguyên tắc cơ chế thị trường? Tôi cho rằng không phải. Các trường đại học, cao đẳng không phải là một doanh nghiệp, phương thức tồn tại để phát triển của các trường không phải là cạnh tranh theo kiểu doanh nghiệp.
Nhà trường là đơn vị sư phạm, phải tự đánh giá và đổi mới. SV sẽ tham gia đánh giá chất lượng dạy của thầy cô.Thực tế chứng minh rằng sinh viên có đủ phẩm chất, có đủ thông tin để đánh giá thầy giáo. Đây là yếu tố động lực để thầy giáo không ngừng vươn lên. Trong mỗi môn học, sinh viên tham gia đánh giá chất lượng giảng dạy của mỗi thầy cô giáo, đây là một nguyên tắc quản lí.
Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân
(Theo Giáo dục Việt Nam)
|
Bình luận (0)