Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Trui rèn bản thân qua… kiếm đạo

Tạp Chí Giáo Dục

Hai võ sĩ của CLB Kenyukai và CLB Toukai trong giải đấu do Trường ĐH RMIT Việt Nam tổ chức

“Tập Kendo để rèn luyện ý chí. Đánh thua không cay cú, bị đánh đau không giận dữ, người mới tập hơn mình thì không ganh tị. Một trận đấu ngang sức thì ai tinh thần mạnh hơn sẽ chiến thắng”, anh Phan Duy Minh (Chủ nhiệm CLB Kendo Toukai, Q.10, TP.HCM) cho biết về triết lý của môn kiếm đạo Nhật Bản.

Kiếm đạo được biết đến với cái tên thông dụng là Kendo, đây là môn võ thuật đánh kiếm hiện đại của Nhật Bản được phát triển từ các kỹ thuật truyền thống của kiếm sĩ Nhật.

Học kiếm đạo như một Samurai

Chúng tôi đến Trung tâm TDTT Q.10 tầm 9 giờ tối, các CLB tại đây vẫn còn hoạt động hết sức sôi nổi. Điều làm mọi người chú ý đó là những tiếng hô, la rất mạnh, đanh thép phát ra từ phía trong trung tâm. Lần theo âm thanh đó, chúng tôi đã tìm ra lớp học kiếm đạo của CLB Toukai. Do bộ võ phục kiếm đạo che gần hết cơ thể nên chúng tôi không thể phân biệt được ai với ai nếu không có tên được thêu trên áo. Anh Duy Minh (Chủ nhiệm CLB) đã có gần 12 năm tập luyện kiếm đạo chia sẻ với chúng tôi vài điều về bộ môn võ thuật này. Thấy chúng tôi có vẻ thích thú, anh nhờ một học viên nữ giúp chúng tôi mặc võ phục và hướng dẫn vài đường kiếm cơ bản. Võ phục kiếm đạo có phần phức tạp và cách mặc cũng phức tạp không kém. Chúng tôi phải ngồi lên chân mình (tư thế giống ngồi thiền) để thực hiện các thao tác theo đúng trình tự và phải mất hơn 15 phút trong khi các học viên chỉ mất vài phút để mặc xong võ phục. Lúc cầm thanh kiếm gỗ và đứng dậy, chúng tôi mới nhận ra mình vừa “vác” lên người trọng lượng gần 4kg của bộ võ phục.

Kiếm đạo dựa trên tinh thần của kiếm sĩ đạo Samurai truyền thống Nhật Bản, kết hợp luyện tập thể chất và tinh thần với yếu tố đối kháng. Các thế và đòn cơ bản nhất là thế đứng, cách di chuyển chân, đòn chém, đâm, nhử và đỡ. Trong khi tập luyện cũng như thi đấu, võ sĩ buộc phải hô to như khi đánh vào đầu phải hô “men”, đánh vào cổ tay phải hô “te”… Những tiếng hô kết hợp với các bước giậm chân được sử dụng nhằm áp đảo tinh thần đối phương và tăng thêm sức mạnh của đòn đánh.

Các võ sĩ của CLB Nitoukan ngồi thiền sau buổi học

Điểm đặc biệt của Kendo là người mạnh không hẳn là người giỏi nhất. Sức mạnh là một lợi thế nhưng yếu tố tinh thần cũng rất quan trọng. Một võ sĩ Kendo thực thụ có thể toát lên thần thái thông qua tư cách của họ, cách di chuyển cũng như đường kiếm. Chính vì vậy mà tại võ đường Kendo Việt Nam có thể bắt gặp một trận đấu giao hữu giữa võ sĩ nam và nữ, mà người thắng là võ sĩ nữ. Bạn Phương Hà (sinh viên Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM, thành viên CLB Kenyukai sinh hoạt tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong) chia sẻ: “Con gái học Kendo không thiệt thòi như nhiều người vẫn nghĩ bởi mọi người được học cùng một chương trình nên trình độ như nhau cả. Tuy sức lực không bằng nam giới nhưng bù lại nữ giới có được sự mềm dẻo và nhanh nhẹn, tinh thần lại điềm đạm và cách nhìn cũng tinh tế hơn nên khi có tập luyện với một người nam, tôi cũng không thấy lo sợ”.

“Học, học nữa, học mãi”

Theo anh Duy Minh, mục đích của Kendo là để “trui rèn nhân cách con người thông qua đường kiếm”. Học kiếm đạo đòi hỏi tính kiên nhẫn rất nhiều. Người mới học hay người học lâu năm đều học cùng một hệ thống kỹ thuật, điều khác biệt là người học lâu năm sẽ ra đòn chính xác và dễ dàng ghi điểm hơn. Vì vậy, đừng ngạc nhiên khi thấy một người tập luyện kiếm đạo hơn 10 năm lại tập luyện cùng một kỹ thuật với một người mới tham gia.

Nghi thức chào nhau của hai võ sĩ CLB Kenyukai trong một buổi tập

Quả thật, khi quan sát kỹ hơn, chúng tôi nhận ra đường kiếm của họ hoàn toàn khác nhau. Người tập luyện càng lâu, đường kiếm càng chuẩn và dứt khoát, lực đánh rất mạnh nhưng trông rất thoải mái. Còn những người mới tập luyện thì đường kiếm còn thiếu chuẩn xác, lực đánh tuy mạnh nhưng chưa dứt khoát và rất dễ làm đối thủ bị “bầm da” vì đánh vào nhưng vị trí trên cơ thể không có giáp bảo vệ. Bạn Quốc Tuấn (sinh viên Trường CĐ Công nghệ thông tin TP.HCM) đang tập luyện tại CLB Nitoukan (Trung tâm TDTT Phú Thọ, Q.11) cho biết: “Tôi đến với môn võ này một phần là để rèn luyện sức khỏe, phần quan trọng hơn là học hỏi tinh thần người Nhật. Người đánh Kendo phải tự kiểm soát và tự có trách nhiệm với bản thân, tránh làm người khác bị thương và tránh đổ lỗi cho họ nếu họ có lỡ tay làm mình đau”.

Quốc Tuấn cho biết thêm, học kiếm đạo là học sự phối hợp giữa ý chí và sức mạnh. Một người có sức mạnh và kỹ thuật giỏi có thể thất bại vì tinh thần không vững vàng. Một người tinh thần mạnh mẽ nhưng không có sức mạnh và kỹ thuật cũng không thể đánh bại đối thủ. Do đó, học kiếm đạo một mặt để rèn luyện sức khỏe và thể chất, một mặt nhằm tôi luyện đạo đức bản thân. Võ sĩ kiếm đạo thực thụ phải đảm bảo được hai yếu tố ấy.

Bài, ảnh: Ánh Ngọc

Bình luận (0)