Hội nhậpThế giới 24h

Trung – Ấn tranh giành ảnh hưởng trên biển

Tạp Chí Giáo Dục

Ngoài việc triển khai thêm quân tuần tra dọc theo đường kiểm soát thực tế (LAC), hai “ông lớn” của châu Á là Ấn Độ và Trung Quốc còn đụng độ nhau trong cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng trên biển, thu hút sự chú ý của thế giới. 

Trong những tháng gần đây, Ấn Độ đã có một số động thái nhằm thúc đẩy mạnh mẽ chính sách "hướng Đông" của mình, theo tờ The Diplomat.
Tăng cường quan hệ hợp tác với các quốc gia biển
Hôm 28.7, nhật báo The Hindu (Ấn Độ) đã đưa tin New Delhi lần đầu tiên cung cấp cho Việt Nam khoản vay trị giá 100 triệu USD để mua 4 tàu tuần tra, nhằm bảo vệ lãnh thổ và chống lại sự xâm phạm chủ quyền ở biển Đông.
Nhưng Việt Nam không phải là nước ASEAN duy nhất mà Ấn Độ hiện đang ra sức củng cố mối quan hệ.
Hồi tháng 6, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ A.K. Antony đã có chuyến thăm Singapore để tái khẳng định mối quan hệ quốc phòng song phương lâu đời giữa hai nước.
Ngoài ra, sau chuyến thăm Thái Lan hồi cuối tháng 5 của Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh, trong đó hai bên đã cam kết cùng làm việc hướng tới một thỏa thuận thương mại tự do, ông Antony cũng đã ghé đến Bangkok trong cùng chuyến công du đến Singapore hồi tháng 6.
Từ trước tới nay, Ấn Độ và Thái Lan vẫn thường xuyên tiến hành nhiều cuộc tuần tra chung, và trong chuyến đi này, Bộ trưởng Antony đã đề nghị mở rộng sản xuất quốc phòng chung giữa hai nước, bao gồm cả việc Ấn Độ đẩy mạnh bán vũ khí cho Thái Lan.
Tại Bangkok, Bộ trưởng Antony đã khẳng định sự ủng hộ của Ấn Độ trong việc “giải quyết tranh chấp và khác biệt thông qua quá trình đối thoại và đồng thuận giữa các bên liên quan. Tất cả các quốc gia phải kiềm chế và giải quyết bằng con đường ngoại giao, theo các nguyên tắc của luật pháp quốc tế”, theo The Diplomat.

 Các tàu chiến của Ấn Độ – Ảnh: Reuters
Giữa chuyến thăm Thái Lan và Singapore, Bộ trưởng A.K. Antony cũng đã đến Úc, là quốc gia hiện đang duy trì quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc nhưng vẫn rất quan ngại về sự trỗi dậy của Bắc Kinh.
Đây là lần đầu tiên một bộ trưởng Quốc phòng của Ấn Độ đến thăm Úc, đất nước có vị trí chiến lược và là đồng minh hải quân tiềm năng của Ấn Độ. Không có gì ngạc nhiên khi Bộ trưởng Antony và người đồng cấp của Úc là Stephen Smith đã cùng cam kết tăng cường quan hệ hợp tác giữa quân đội hai nước trong chuyến thăm này.
Trong những tháng gần đây, Ấn Độ cũng đã tăng cường đáng kể quan hệ với Nhật, đặc biệt từ khi mối quan hệ giữa Tokyo và Bắc Kinh trở nên xấu đi vì tranh chấp quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư.
Theo nhận định của tờ The Diplomat, điều này có thể một phần do chủ trương của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe nhằm tranh thủ các quốc gia châu Á như là biện pháp để cân bằng với Trung Quốc. Trong khi đó, Ấn Độ cũng tỏ ra rất quan tâm đến việc tăng cường hơn nữa quan hệ với Nhật.
Minh chứng là việc Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh trong chuyến đi Nhật hồi tháng 5 đã tuyên bố Tokyo là "đối tác tự nhiên và không thể thiếu của chúng tôi trên con đường tìm kiếm sự ổn định và hòa bình ở châu Á", theo The Diplomat.
Và ngay sau chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ, Tokyo đã ra thông báo về việc Nhật hoàng Akihito sẽ thực hiện chuyến viếng thăm đầu tiên đến Ấn Độ vào cuối năm nay, theo The Hindu.
Trong những tuần gần đây, Ấn Độ đã có một số cuộc họp cấp cao với Mỹ, nước đã cùng Nhật, Úc, và Singapore tham gia cuộc tập trận hải quân Malabar năm 2007 với Ấn Độ ở vịnh Bengal.
Trong bối cảnh Trung Quốc lợi dụng mối quan hệ băng giá giữa New Delhi với các nước láng giềng để xâm nhập vào Nam Á, thì Ấn Độ trong tuần này cuối cùng đã chấp thuận yêu cầu lâu nay của Myanmar về việc hỗ trợ đóng tàu tuần tra xa bờ (OPV). Đây được xem là một phần của thỏa thuận lớn hơn nhằm mở rộng quan hệ quốc phòng Myanmar – Ấn Độ trong chuyến thăm New Delhi của Tư lệnh hải quân Myanmar Thura Thet Swe trong tuần này.
"Myanmar là một trong những nước láng giềng gần nhất của chúng tôi. Chúng tôi cùng chia sẻ biên giới chung trên đất liền cũng như trên biển với họ”, Tư lệnh hải quân Ấn Độ Joshi đã phát biểu sau cuộc gặp với người đồng cấp Thura Thet Swe, theo tờ The Times of India.
Ông Joshi còn nói thêm rằng hải quân Ấn Độ hy vọng sẽ thúc đẩy "mối quan hệ tốt đẹp hiện có" với hải quân Miến Điện lên một "tầm cao hơn".
Cũng theo The Times of India, Ấn Độ từng bán cho Myanmar rất nhiều loại vũ khí, từ máy bay và tàu tuần tra biển cho đến bích kích pháo 105 mm, súng cối, súng phóng lựu cũng như súng trường. Nước này cũng thường xuyên tổ chức đón tiếp các sĩ quan Myanmar tại các học viện quân sự của mình. Hồi tháng 3 năm nay, hải quân hai nước cũng đã tiến hành cuộc tập trận chung đầu tiên ở vịnh Bengal.
Một chính sách của Trung Quốc đang gây báo động đặc biệt cho cả Ấn Độ và Myanmar là việc Bắc Kinh bán vũ khí cho Bangladesh, quốc gia mà Myanmar có tranh chấp lãnh hải và đã được giải quyết bằng một phán quyết của tòa án quốc tế hồi năm ngoái, nhưng không triệt để.
Giành giật quyền khai thác cảng biển
Đối với Ấn Độ, việc Trung Quốc bán vũ khí cho Bangladesh là dấu hiệu cho thấy sự gia tăng hiện diện của Bắc Kinh trong khu vực lân cận và Ấn Độ Dương nói chung.
Vào tháng 5, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đón tiếp Tổng thống Sri Lanka Mahinda Rajapaksa tại Bắc Kinh, và hai nhà lãnh đạo đã nhất trí nâng cấp quan hệ giữa hai nước lên tầm đối tác hợp tác chiến lược.
Hồi tuần trước, Tổng công ty xây dựng công trình giao thông Trung Quốc (CCCC) đã ký một thỏa thuận với Cơ quan quản lý cảng của Sri Lanka, theo đó CCCC cam kết chi 1,4 tỉ USD để xây dựng một "thành phố cảng" tại Colombo.
Ngoài ra, trong tháng tới, một công ty khác cũng của Trung Quốc là China Harbour Engineering sẽ khai trương và duy trì kiểm soát trong 35 năm một cảng container mới tại Colombo. Hiện nay, nhiều công ty dầu mỏ của Trung Quốc cũng đang hoạt động tại khu vực này, theo The Diplomat.
Hồi cuối tháng 6, Bộ trưởng Ngoại giao Bangladesh Md Shahidul Haque đã dẫn đầu một phái đoàn liên bộ trong một chuyến đi kéo dài 5 ngày đến Trung Quốc. Và Bộ trưởng Ngoại giao Cộng hòa Seychelles là Jean-Paul Adam cũng đã kết thúc chuyến thăm Trung Quốc kéo dài hồi cuối tuần qua.
Theo The Hindu, mặc dù một số chi tiết về cuộc viếng thăm này đã được công bố, nhưng điều Ấn Độ hiện đang lo ngại là việc Trung Quốc sẽ xúc tiến xây dựng một căn cứ hải quân ở Seychelles.
Nhưng có lẽ điều đáng lo ngại nhất với Ấn Độ là việc Trung Quốc tài trợ nâng cấp cảng Chabahar của Iran, một trong những dự án “con cưng” lâu nay của Ấn Độ, và nằm giữa cảng Gwadar của Trung Quốc ở Pakistan và Trung Đông.
Những động thái nói trên của Trung Quốc  đã dẫn đến phản ứng từ phía Ấn Độ. Hồi đầu tháng này, Delhi đã ký một hiệp ước an ninh hàng hải ba bên với Sri Lanka và Maldives.
Trong một động thái khiến Washington phật lòng, Ấn Độ hồi đầu tháng 7 đã bắt đầu công khai tuyên bố Iran là "nhân tố quan trọng" đối với an ninh năng lượng của mình. Hai nước đã có một thỏa thuận cho phép New Delhi mua dầu của Iran và thanh toán tất cả bằng đồng rupee.
Delhi cũng đã tiến hành các cuộc thảo luận với chính phủ Iran nhằm cho phép các doanh nghiệp Ấn Độ được độc quyền phát triển cảng Chabahar trong thời hạn từ 60 đến 90 năm, bất chấp việc các phương tiện truyền thông Ấn Độ cho rằng cảng Chabahar không có “giá trị thương mại tức thời", theo tờ Business Line.
Những động thái nói trên của New Delhi có vẻ đã mang lại hiệu quả, khi Tổng thống mới đắc cử của Iran là Hassan Rouhani cho biết việc mở rộng các mối quan hệ toàn diện với Ấn Độ sẽ là một ưu tiên trong chính sách đối ngoại của chính quyền Iran kế tiếp, theo The Diplomat.
theo TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Xin lỗi vì bài viết này không hữu ích cho bạn

Giúp chúng tôi cải thiện

Làm sao để chúng tôi cải thiện bài viết này?

Bình luận (0)