Sáng 6-5-2014, tại số 25 Tông Đản, Hà Nội, Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổ chức khai mạc Trưng bày chuyên đề “Tranh cổ động trong kháng chiến chống thực dân Pháp 1946-1954”.
Tranh cổ động được nhiều tài liệu cho là xuất hiện từ những ngày tiền khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, cuộc cách mạng đã làm thức tỉnh ý thức chính trị cho toàn giới mỹ thuật Việt Nam. Những bức tranh cổ động đầu tiên ra đời của nhiều họa sĩ yêu nước, tiêu biểu là Nguyễn Đỗ Cung, Tô Ngọc Vân, Lương Xuân Nhị…
Phần lớn tranh cổ động thời kỳ 1946-1954 hiện có tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia có kích thước nhỏ nên dễ vận chuyển, phân phát, chuyền tay nhau và cất giữ. Tranh được in thủ công, trên đá (in litô), trên bản khắc gỗ, một số ít in trên đất, sử dụng giấy được làm từ tre, nứa mà các chiến khu tự sản xuất. Do điều kiện khó khăn về vật tư trong kháng chiến nên tranh cổ động thường được vẽ nét đen là chính. Một số ít dùng mảng màu sắc nhỏ đơn giản, có khi trực tiếp tô màu bằng phẩm nhưng vì thế mà tranh thiếu đi vẻ sinh động. Tranh được sáng tác và phát hành chủ yếu ở các tỉnh Việt Bắc, khu 3, khu 4, thiếu vắng loại tranh này của Nam Trung bộ và Nam bộ.
Ngoài các tiêu đề của tranh đa phần là khẩu hiệu, chú thích – một yếu tố gần như là đặc tính của tranh cổ động, nhiều tranh cổ động giai đoạn này nối tiếp truyền thống của tranh dân gian thường có đề thơ. Những bài thơ, câu ca có âm hưởng ca dao giúp quần chúng dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thuộc và tuyên truyền cho người khác những điều mình đã được xem. Chính vì vậy, tranh cổ động đã truyền tải có hiệu quả những chủ trương đường lối, chính sách của Đảng, Chính phủ tới mọi tầng lớp nhân dân, cả những người không biết chữ, góp phần to lớn vào đỉnh cao là thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.
>> Xin giới thiệu đến độc giả một số tranh cổ động trưng bày trong chuyên đề:
Theo SGGP
Bình luận (0)