Thật bất ngờ là ông nội tôi trúng một quả đậm vào những ngày vừa qua. Hàng chục hợp đồng trị giá cả trăm triệu được gởi về tới tấp, làm ông phải gọi thêm mấy “kế toán” thuộc biên chế “cây nhà lá vườn” để cộng trừ nhân chia cho chính xác!
Vùng đồng bằng sông Cửu Long mấy năm qua đã có hệ thống giao thông đường bộ chằng chịt. Bây giờ ấp nối ấp, xã nối xã tỏa đi khắp muôn nơi. Các con đường rộng đủ xe tải nhỏ và xe máy lưu thông nên hầu như không còn hình dáng “chiếc áo bà ba trên dòng sông xanh thẳm” nữa!
Nghề đóng xuồng của ông nội tôi đã lâm vào cảnh chợ chiều. Hầu như chẳng có mấy ai đến đặt hàng vì đường bộ giờ đây thông thoáng. Sau mấy lần lên thành phố thăm các anh trai tôi, trở về, ông kêu con cháu và nhờ mọi người đi mua thật nhiều cây tạp (như cây xoài, cây say, cây gáo…). Ai cũng cho là ông già rồi đổi tánh – xuồng bọng đâu còn ai xài nữa mà mua cây về, tính làm củi hay sao? Nhưng ý ông đã quyết nên mọi người nhất nhất tuân theo.
Rồi cả ngày lẫn đêm, ông huy động mọi người trong gia đình cùng tiếp ông đóng xuồng ba lá. Hàng trăm chiếc xuồng được phơi nắng, trét dầu chai cẩn thận…
Đúng là “nhân bảo như thần bảo”, một hôm có hàng chục xe tải từ thành phố về mua xuồng và mang đi. Họ còn ký thêm hợp đồng mua cả mấy trăm chiếc!
Tối về bật ti-vi lên, mọi người đều ngỡ ngàng vì hình ảnh những chiếc xuồng của ông nội bơi thoăn thoắt… trên đường phố ! Ai cũng gọi ông là “thánh sống” vì ông biết mọi chuyện ở tương lai ! Trời đang nắng chang chang lại đi đóng xuồng và nay thì phát tài. Đài truyền hình về viết bài nêu tấm gương “Nhà nghèo vượt khó, vượt lên chính mình, làm giàu chính đáng”. Khi được hỏi bí quyết gì giúp ông nội thành công, ông vuốt chòm râu cười hiền lành: – Lên thành phố mấy lần, tui thấy họ lấp ao lấp hồ, lấp đường thoát nước, chen lấn sông rạch làm nhà. Tui chợt nghĩ nghề đóng xuồng vẫn còn đất dụng võ! Cứ như hiện trạng bây giờ mà suy thì nghề đóng xuồng ở quê vẫn còn sống khỏe dăm chục đời nữa!
Thạch Dừa (Sóc Trăng)
Bình luận (0)