Suốt cuộc phỏng vấn, câu Trung Hiếu hay nhắc nhất là “thuận theo tự nhiên”. Với chàng nghệ sĩ, tình yêu càng phải dựa vào duyên số, không thể vì mình không còn trẻ, bạn bè xung quanh đã vợ con đuề huề mà sốt ruột yêu đại, cưới đại.
NSƯT Trung Hiếu – Kiều Thanh vào vai đôi vợ chồng đồng sàng dị mộng trong "Hoa đào". |
– Gần đây, anh xuất hiện dày đặc trên tivi với “Cuồng phong”, “Vệt nắng cuối trời”. Trong Tuần phim 65 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, anh cũng góp mặt với vai chính trong phim nhựa “Hoa đào”. Anh nhận được những phản hồi gì của khán giả?
– Ban đầu, tôi cũng sợ công chúng sẽ nhàm khi đâu cũng thấy mặt mình nhưng không ngờ lại được đón nhận nồng nhiệt. Những nhân vật của tôi màu sắc, cá tính, số phận hoàn toàn khác nhau. Từ nay đến cuối năm, tôi còn vài phim nữa lên sóng, trong đó có bộ phim dã sử quay ở Trung Quốc mang tên Đường tới thành Thăng Long. Những phim này không phải tôi cùng làm trong một thời gian mà là thành quả của ba năm trở lại đây. Khi phát sóng vô tình trùng vào 1000 năm Thăng Long, ứng với ngày hội lớn nhất của cả nước. Đây cũng là niềm hãnh diện của tôi, như một nén hương thắp cho tổ tiên bằng công việc của mình.
– Anh được đánh giá là một diễn viên đa năng, có thể thể hiện thành công cả vai chính diện, phản diện thậm chí cả vai hài. Anh làm thế nào để biến hóa đa dạng như vậy?
– Nói là tài năng thì không hẳn, quan trọng là sự lao động, sáng tạo trong nghề. Nếu làm việc nghiêm túc, say mê, mình sẽ có nhiều cơ hội phát triển. Những người trân trọng nghề sẽ biết cách tạo cho mỗi nhân vật, mỗi vai diễn một nét riêng. Làm thế nào để khán giả cười trong vai hài, làm thế nào để khán giả ghét trong vai phản diện, làm thế nào để khán giả yêu quý với vai chính diện, làm thế nào để không lặp lại những gì mình đã làm là điều rất khó. Tôi không biết phân tích thế nào cho rành mạch nhưng chung quy đó là lòng yêu nghề.
Bên cạnh đó, vốn sống rất quan trọng. Nghề diễn viên đòi hỏi óc quan sát, trí tưởng tượng cao. Tôi không là vua nhưng tôi vẫn có thể đóng vua, tôi không sống trong thời đại ngày xưa vẫn có thể đóng những phim cổ. Rất nhiều người hỏi tôi thích diễn dạng vai nào, câu hỏi này thật khó trả lời. Nghề diễn quan trọng là có một kịch bản tốt, một vai mình thích. Điện ảnh, sân khấu, truyền hình ngày càng gần gũi với cuộc sống nên diễn viên cần cố gắng tránh sự xa lạ.
Tôi là người lãng tử, thích được khám phá, lãng du trong cuộc đời, lãng du trong nghệ thuật.
– Những người bạn của anh nhận định, Trung Hiếu ngoài đời rất hiền, khác hẳn những vai diễn. Anh nghĩ gì về nhận xét này?
– Tự nhận xét về mình thì khó lắm. Tôi không dám tự nhận mình hiền nhưng cuộc sống ngoài đời của tôi hoàn toàn tách biệt với sân khấu. Trong con người tôi có nhiều xáo trộn, lúc trầm lắng, ít nói, khi hào sảng, gần gũi. Tôi là người thuận theo tự nhiên. Ngoài ra, tôi còn rất ham chơi.
Gương mặt Trung Hiếu khi thật hiền lành, chấp phác… |
– Vì sự ham chơi này mà anh lần lữa mãi chuyện lập gia đình?
– Tôi ít khi nói chuyện riêng vì mỗi con người có góc nhỏ cho riêng mình. Đó là góc để mình sống và tìm lý do tồn tại với nghề. Cuộc sống của mình thế nào mình cứ làm như thế, miễn không hổ thẹn với bản thân mình. Có lẽ lập gia đình muộn lại là một điều may. Tôi có quyền lựa chọn vai diễn. Có những năm tôi không làm phim nào dù những kịch bản mời tôi xếp ở nhà lên tới hàng tạ. Phim nào không thích kịch bản, không thích nhân vật, tôi đều từ chối. Tôi không chịu gánh nặng mưu sinh vì tôi chưa có gia đình, vẫn sống cùng bố mẹ.
– Để mời đến cả tạ kịch bản vẫn lắc đầu, anh có sợ bị coi là chảnh, kiêu?
– Người ta nói tôi kiêu cũng được, chả sao. Tôi không thích thì không làm. Khi nào có kịch bản hay, tiền cát-xê có thấp tôi cũng nhận. Nghệ thuật thứ bảy là nghệ thuật tổng hợp. Có thể anh đóng hay nhưng trong bộ phim không hay, đạo diễn không giỏi, âm nhạc không hợp với phim, khán giả không thể nhớ tới anh. Sau này khi có gia đình, tôi không biết mình thế nào nhưng lẽ sống, quan điểm của tôi với nghề sẽ không thay đổi. Cố làm sao để làm những điều mình thích.
Nói thế không có nghĩa vì để làm những điều mình thích, tôi chần chừ chuyện kết hôn. Kết hôn là cái duyên do trời se, có thể tôi thích lấy người ta còn người ta không thích lấy mình thì sao (cười).
Tôi là người tin vào duyên số, thích thuận theo tự nhiên nên không có suy nghĩ: “Năm nay mình lớn tuổi rồi, cố gắng trong năm nay phải cưới vợ”. Trong tình yêu không thể dùng chữ cố gắng.
– Nhưng đàn ông Việt hay cố cho vừa lòng bố mẹ, như một cách báo hiếu. Anh thì sao?
– Bố mẹ tôi không quá thúc giục về việc này. Đôi khi cũng có nhắc nhẹ kiểu: “Cha mẹ biết con rất nhiều việc nhưng cũng nên để ý đến góc riêng một chút. Cưới muộn quá, bố mẹ già ai trông được con cháu cho anh. Cha già con cọc lại khổ thân ra. Cố gắng lo cho gia đình riêng trọn vẹn để bố mẹ yên tâm. Tất nhiên bố mẹ nói thế không phải ép anh trong năm nay hoặc năm sau phải có vợ”. Bố tôi là nghệ sĩ nhiếp ảnh Trọng Pháo, mẹ là nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyệt Ánh, đều làm nghệ thuật nên rất hiểu tâm tư con mình.
… lúc không kém phần dữ dội, bão tố khi vào những vai có số phận, cá tính mạnh. |
– Một số nghệ sĩ trẻ thích dùng scandal hay chuyện cá nhân để đánh bóng tên tuổi của mình còn anh lại khá kín tiếng. Vì sao vậy?
– Vẫn là sự thuận theo tự nhiên. Những gì của đời thực cần trả đúng giá trị cho nó chứ không nên tô vẽ nó thành những gì rực rỡ. Trong nghề, tôi muốn làm việc hết mình với những say mê.
Thực ra, chuyện các bạn trẻ làm cũng chưa hẳn là sai. Đôi khi nghệ sĩ phải làm cách nào đó để khán giả không quên họ. Riêng tôi, tôi sống đơn giản thôi. Ngoài đóng phim, tôi lồng tiếng – những công việc liên quan đến nghề nghiệp chứ không kinh doanh thêm gì cả.
– Anh nói giọng Thái Bình khá nặng. Để phù hợp với nghề diễn viên và lồng tiếng, anh phải hoàn thiện âm ngữ của mình thế nào?
– Đó là quá trình rèn luyện thực sự gian khổ. Tôi học khóa 3 Trường Sân khấu Điện ảnh năm 1989. Khi vào trường, mọi người nhận xét, phát âm của tôi có rất nhiều chỗ chưa được. Tôi sinh ra và lớn lên ở Thái Bình, đến khi vào Đại học, nhà mới chuyển lên Hà Nội. Để hòa nhập với nghề diễn, tôi phải rất cố gắng. Trong trường dạy môn tiếng nói, các thầy đã luyện cho tôi rất nhiều so với những bạn ở Hà Nội hay các thành phố lớn. Một thời gian sau tôi đã ý thức được bản thân mình, biết nói cái gì sai, cái gì đúng để sửa. Tất nhiên, nhiều khi đang diễn hay lồng tiếng, tôi vẫn quay về thổ âm cũ của mình, nhưng nhờ tôi luyện, bây giờ tôi có phản xạ, thói quen phát âm chuẩn xác. Người Trung Quốc học tiếng chuẩn Bắc Kinh, Việt Nam học tiếng chuẩn Hà Nội nhưng không có nghĩa, khi mình học, phát âm như người Hà Nội, mình quên mất gốc gác của mình. Tính cách tôi từ xưa đến nay vẫn không có gì thay đổi. Vẫn giống một anh chàng quê lúa (cười).
– Anh cũng không có vẻ ngoài bóng bẩy, hào hoa. Vì sao ngày ấy, anh chọn thi trường Sân khấu Điện ảnh?
– Tất nhiên, diễn viên càng đẹp càng tốt. Nghề của mình khắt khe lắm. Người làm nghệ thuật phải có thanh, có sắc. Tôi thì mọi thứ đều ở mức độ trung bình. May mắn là mặt tôi không đẹp, giọng tôi không trong nhưng lại là khuôn mặt, giọng nói gây ấn tượng khiến người ta khó quên mình. Thành ra đó cũng là lợi thế.
Ngọc Trần (Theo VNE)
Ảnh: Hãng phim truyện 1
Bình luận (0)