Hội nhậpThế giới 24h

Trung Quốc bị các nước châu Á “soán ngôi” trong cuộc đua tăng trưởng kinh tế

Tạp Chí Giáo Dục

Các nền kinh tế đang phát triển châu Á có dấu hiệu phục hồi nhưng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) lại hạ dự báo tăng trưởng của các nền kinh tế này vì chính sách “Không COVID” kéo dài của Trung Quốc.

ADB cho biết trong báo cáo mới nhất được công bố hôm 20-9 đây là lần đầu tiên trong hơn 3 thập kỷ, phần còn lại của châu Á phát triển nhanh hơn Trung Quốc. Báo cáo của ADB cho hay: "Lần gần đây nhất là vào năm 1990, khi tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc giảm xuống còn 3,9% trong khi GDP của các nước còn lại ở khu vực tăng 6,9%".

ADB dự báo ​​khu vực các nước đang phát triển ở châu Á – ngoại trừ Trung Quốc – sẽ tăng trưởng 5,3% trong năm 2022 và Trung Quốc tăng 3,3% trong cùng năm.

ADB cho rằng nguyên nhân đến từ chính sách Không COVID của Trung Quốc, các vấn đề trong lĩnh vực bất động sản và hoạt động kinh tế chậm lại do nhu cầu hàng hoá ngoài Trung Quốc giảm.

Trung Quốc bị các nước châu Á “soán ngôi” trong cuộc đua tăng trưởng kinh tế - Ảnh 1.

Nhu cầu bên ngoài suy giảm tiếp tục làm giảm đầu tư vào lĩnh vực sản xuất ở Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Tổ chức này cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2023 xuống 4,5% từ mức 4,8% trong dự báo hồi tháng 4 do "nhu cầu bên ngoài suy giảm tiếp tục làm giảm đầu tư vào lĩnh vực sản xuất".

ADB cho biết mặc dù khu vực đang có dấu hiệu tiếp tục phục hồi nhờ du lịch hồi sinh nhưng "các cơn gió ngược" trên toàn cầu đang làm giảm tốc độ tăng trưởng chung.

Đối với khu vực, ADB hiện kỳ ​​vọng các nền kinh tế châu Á mới nổi sẽ tăng trưởng 4,3% trong năm 2022 và 4,9% vào năm 2023. Những con số này đã bị cắt giảm từ mức kỳ vọng trong dự báo hồi tháng 7 lần lượt là 4,6% và 5,2%.

Bản báo cáo cập nhật mới về "Triển vọng Phát triển châu Á" cũng dự báo tốc độ tăng giá sẽ còn tăng nhanh hơn nữa lên 4,5% vào năm 2022 và 4% vào năm 2023 do áp lực lạm phát gia tăng từ chi phí thực phẩm và năng lượng.

Báo cáo của ADB cho biết: "Các ngân hàng trung ương ở khu vực đang tăng lãi suất vì lạm phát hiện đã tăng trên mức trước đại dịch. Điều này đang góp phần vào tình trạng thắt chặt tài chính trong bối cảnh triển vọng tăng trưởng giảm sút và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng tốc thắt chặt chính sách tiền tệ".

Theo Xuân Mai/NLĐO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)