Hội nhậpThế giới 24h

Trung Quốc bỏ chính sách một con?

Tạp Chí Giáo Dục

Nguy cơ một cuộc khủng hoảng dân số mới khiến chính phủ Trung Quốc xem xét lại chính sách mỗi gia đình chỉ có một con, nhưng người dân tỏ ra không hào hứng.

Gia đình Haidong có hai nhóc, điều hiếm thấy ở Bắc Kinh. Ảnh: haidong.info
Wang Weijia và chồng đã lớn lên cùng những tấm áp-phích dạy họ rằng “Trái đất đã quá đông đúc” hay “Thêm một đứa trẻ là thêm một nấm mộ”.
Ý thức về chuyện đông dân của Trung Quốc do vậy luôn thường trực trong đầu họ. Và khi chính quyền Thượng Hải lên tiếng cảnh báo về tỷ lệ sinh thấp, tình trạng dân số đang già của thành phố và khuyến khích dân chúng “có hơn một đứa con”, phản ứng tức thì của vợ chồng Wang là: “Đừng có hòng!”.
“Chúng tôi đã tiêu tốn hầu hết thời gian và năng lượng cho chỉ một đứa trẻ. Không còn gì cho đứa thứ hai cả”, Wang, 31 tuổi, một chuyên viên về phát triển nguồn nhân lực, nói. Cô hiện có một con trai 8 tháng tuổi.
Hơn 30 năm sau khi Trung Quốc thực thi chính sách mỗi gia đình chỉ sinh một con, hai thế hệ đã được sinh ra. Họ bị cho là những đứa trẻ béo phì, được nuông chiều quá đáng như những tiểu hoàng đế trong gia đình. Và giờ đây, có vẻ một cuộc khủng hoảng dân số mới đang hình thành ở quốc gia đông dân nhất hành tinh này.
Tỷ lệ sinh đã giảm mạnh ở mức 1,8 trẻ/cặp vợ chồng so với 6 trẻ/cặp vợ chồng khi Trung Quốc bắt đầu thực thi chính sách một con. Trong khi ấy số người bằng và hơn 60 tuổi được dự báo tăng từ 16,7% năm 2020 lên 31,1% vào năm 2050. So với mức trung bình của thế giới, tỷ lệ người già ở Trung Quốc lớn hơn đến 20%.
Sự mất cân đối này còn trầm trọng hơn tại các tỉnh duyên hải, nơi dân  chúng được học hành đầy đủ hơn như Thượng Hải. Năm ngoái số người bằng và trên 60 chiếm tới 22% dân số thành phố trong khi tỷ lệ sinh giảm tới chưa đầy một trẻ/cặp vợ chồng.
Đổi thay dần dần
Được hiến định năm 1978, chính sách một con gây ra rất nhiều bất đồng xã hội. Gia đình nào vi phạm sẽ bị phạt rất nặng (bị phát số tiền gấp ba lần lương cả năm, bị phân biệt đối xử tại nơi làm việc).
Các quan chức Trung Quốc lý giải, chính sách một con giúp nước này giảm áp lực lên các nguồn lực tự nhiên. Tuy nhiên, nhiều nước phương tây chỉ trích việc này và tố cáo nhiều hành vi vi phạm nhân quyền trong việc thực thi chính sách, ví dụ ép phụ nữ có mang đứa con thứ hai phải phá thai. Hơn nữa, chính sách một con buộc nhiều cặp vợ chồng tìm cách phá thai nếu biết đó là con gái, dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính.
Trong những năm gần đây, cơ quan quản lý dân số Trung Quốc dần thay đổi quan điểm về chính sách một con. Năm 2004, chính quyền cho phép một số đối tượng được đẻ hơn một con, bao gồm dân thành phố, người thuộc các dân tộc thiểu số và những trường hợp vợ và chồng cùng là con một. Năm 2007, chính quyền gỡ bỏ nhiều khẩu hiệu cứng rắn từng được sử dụng rộng rãi trong nhiều năm.
Qiao Xiaochun, giáo sư thuộc Viện Nghiên cứu Dân số của Đại học Bắc Kinh, nói, gần đây chính phủ đang tranh luận về những thay đổi, ví dụ cho phép vợ chồng có hai con nếu một trong hai người là con một.
Hồi tháng bảy, Thượng Hải trở thành thành phố đầu tiên của Trung Quốc mở chiến dịch khuyến  khích dân sinh đẻ. Chỉ trong một đêm, các tấm áp-phích kêu gọi hạn chế sinh đẻ được thay bằng những poster hướng dẫn cụ thể những đối tượng được đẻ con thứ hai và cách thức đăng kí đẻ thêm. Cán bộ dân số đến từng nhà phát tờ rơi, tư vấn tâm lý và tài chính cho những cặp muốn sinh thêm con. Nhưng phản ứng của dân chúng, theo mô tả của cán bộ là “chẳng mấy hào hứng”.
Thất vọng
Mặc dù các quan chức ở vài thị trấn ngoại thành Thượng Hải nói họ thấy có một số đăng kí nhưng nói chung kết quả của chiến dịch khuyến đẻ là thất bại. Ví dụ ở thị trấn Huinan với dân số 115.000 người, mỗi tháng chỉ có 4-5 đơn xin đẻ thêm được nộp.
Và mặc dù có chiến dịch, số sinh trong năm 2010 của Thượng Hải được dự báo là khoảng 165.000 trẻ, cao hơn năm 2009 một chút nhưng thấp hơn mức của năm 2008.
Feng Juying, người đứng đầu cơ quan dân số ở thị trấn Caolu thuộc Thượng Hải nói, vấn đề tài chính là lý do nhiều người không hào hứng đẻ thêm.
“Người phương Tây đã sai lầm khi cho chính sách một con là chuyện  quyền con người”, Yang, một kỹ sư xây dựng có vợ đang mang thai đứa con đầu tiên, nói. “Chúng tôi bị mất quyền có hơn một con. Nhưng vấn đề không phải là một vài chính sách. Vấn đề là tiền”.
Nhiều cặp thì cho biết lý do về tinh thần khiến họ lưỡng lự chuyện có thêm con. Wang nói cô là con một nên cũng chỉ muốn sinh một con: “Hồi nhỏ tôi được mọi người chiều chuộng và không quen chiều chuộng người khác. Do vậy tôi không muốn có thêm con”.
Chen Zijian, 42 tuổi, sở hữu một công ty dịch thuật, người thuộc thế hệ con một thì nói: Chúng tôi sinh ra đã được sống đủ đầy. Chúng tôi không muốn phải hy sinh quá nhiều”.
Tien Phong/Theo Washington Post

Bình luận (0)