Hội nhậpThế giới 24h

Trung Quốc chưa sẵn sàng để chăm sóc dân số già

Tạp Chí Giáo Dục

Dân số Trung Quốc đang già đi nhanh chóng, nhưng SCMP đặt câu hỏi liệu nước này đã sẵn sàng chăm sóc người cao tuổi chưa.
Người cao tuổi thưởng hoa tại một công viên ở Thượng Hải, Trung Quốc
Thực trạng điển hình
Không lâu sau khi doanh nhân trẻ Trung Quốc Chen Yingbing mở trung tâm chăm sóc người già cao cấp ở thành phố Thiên Tân, đại dịch COVID-19 ập tới.
Quy định ngừa COVID-19 nghiêm ngặt ở Trung Quốc có nghĩa là các viện dưỡng lão bị phong tỏa để ngăn chặn dịch bệnh bùng phát và nhân viên điều dưỡng cũng không được tự do di chuyển. "Do đó, lượng khách hàng lớn tuổi giảm đi rất nhiều” – Chen, 35 tuổi, nói. Cheng cho biết trung tâm chăm sóc hiện có tỉ lệ lấp đầy là 30%. 
Thiên Tân có chính sách miễn tiền thuê cho các viện dưỡng lão giúp giảm bớt một số áp lực nhưng hiện Chen lại phải vật lộn với tình trạng thiếu nhân viên điều dưỡng trẻ.
“Ở đây, một người làm nghề chăm sóc 50 tuổi đã được coi là trẻ, và nhiều người khác đã gần 60 tuổi. Khả năng các bạn trẻ chọn nghề không cao vì nghề này vất vả"  – cô nói. 
Từ năm 2021, trung tâm của Chen đã trở thành cơ sở đào tạo thực tế cho học viên học chăm sóc người cao tuổi của một trường dạy nghề địa phương. Môn học này mới được Bắc Kinh triển khai cách đây 3 năm nhằm đối phó với tình trạng dân số đang già đi nhanh chóng của đất nước.
Những nhân viên trẻ, thường có trình độ học vấn cao với kỹ năng kỹ thuật tốt, đặc biệt giỏi trò chuyện và chơi trò chơi với những bệnh nhân lớn tuổi mắc bệnh Alzheimer, Chen cho hay. 
SCMP chỉ ra, những vấn đề của Chen phản ánh tình trạng khó khăn ở Trung Quốc khi dân số già đi và lực lượng lao động thu hẹp lại.
Cấu trúc nhân khẩu học không cân bằng của đất nước do chính sách 1 con trước đây và tỉ lệ sinh chậm, tức là có thể sớm không có đủ người trẻ tuổi để chăm sóc người già.
Năm ngoái, 209,78 triệu người Trung Quốc từ 65 tuổi trở lên, chiếm 14,85% dân số, tăng từ mức 200 triệu của năm 2021, theo dữ liệu điều tra dân số.
Năm 2020, có 36,6 triệu người Trung Quốc trên 80 tuổi, nhưng con số đó dự kiến tăng lên 159 triệu vào năm 2050, nghĩa là việc chăm sóc người cao tuổi sẽ sớm trở thành vấn đề nghiêm trọng, theo báo cáo của nhà kinh tế Trung Quốc Ren Zeping công bố vào tháng 2.
Tỉ lệ phụ thuộc người cao tuổi của Trung Quốc, phản ánh dân số từ 65 tuổi trở lên so với dân số từ 15-64 tuổi, là 20,8% vào năm 2021. Tỉ lệ này dự kiến vượt mốc 50% vào năm 2050.
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang mất đi lợi thế nhân khẩu học và căng thẳng đang gia tăng với lĩnh vực chăm sóc người cao tuổi và quỹ hưu trí của đất nước.
Tổng dự trữ lương hưu của Trung Quốc là khoảng 13 nghìn tỉ nhân dân tệ (1,8 tỉ USD), với bảo hiểm cơ bản bao phủ khoảng 1 tỉ người. 
Tuy nhiên, khi số lượng người lao động đóng góp vào hệ thống lương hưu công ngày càng ít đi, quỹ này dự kiến đối mặt với tình trạng thiếu hụt trong vòng 2 thập kỷ tới bởi các khoản chi trả cho người về hưu vượt các khoản đóng góp.
Nhu cầu lớn chưa được khai thác
Ở Mỹ và Anh, dịch vụ chăm sóc người già trở thành ngành kinh doanh lớn, nhưng các công ty tư nhân ở Trung Quốc dường như không đặc biệt quan tâm dù thị trường rất lớn,  ông  Ren Zeping nói.
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc từng sử dụng thuật ngữ “9073” để mô tả dịch vụ chăm sóc người cao tuổi ở Trung Quốc, có nghĩa là khoảng 90% đang ở nhà, khoảng 7% dựa vào cộng đồng và 3% ở trong các trung tâm chăm sóc.
Gao Huajun – Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu từ thiện Trung Quốc tại Đại học Sư phạm Bắc Kinh, chia sẻ, khả năng sinh lời kém của hầu hết các trung tâm chăm sóc người cao tuổi Trung Quốc có tác động trực tiếp đến tính bền vững của ngành.
Tuy nhiên, Trung Quốc đang chứng kiến sự gia tăng số lượng các trung tâm chăm sóc người già theo hướng lợi nhuận, với mức tăng gần 40 lần từ năm 2013-2020.
Trong kế hoạch 5 năm lần thứ 14 cho giai đoạn 2021-2025, Bắc Kinh khuyến khích xây dựng thêm các trung tâm chăm sóc người cao tuổi và đào tạo nhân viên điều dưỡng quy mô lớn.
Theo Bộ Dân chính năm 2021, Trung Quốc cần ít nhất 2 triệu điều dưỡng, không bao gồm những người làm dịch vụ chăm sóc tại gia. 
Trong lĩnh vực chăm sóc người già, tỉ lệ lao động trong độ tuổi 36-45 cũng đang giảm dần, trong khi tỉ lệ người 46-55 tuổi đang tăng lên đáng kể, theo nghiên cứu của Gao về các viện dưỡng lão Trung Quốc.
Ông Gao cho biết, các trung tâm chăm sóc của Trung Quốc chỉ có thể đáp ứng nhu cầu của 1/5 trong số ước tính hơn 40 triệu người già bệnh ở nước này.
Nhật Bản, quốc gia cũng đang phải vật lộn với tỉ lệ sinh thấp và dân số già, đang đổi mới để đảm bảo người cao tuổi được chăm sóc trong những thập kỷ tới.
Ông Gao Huajun chỉ ra, các thiết bị hỗ trợ công nghệ cao, như hơn 4.000 loại đũa đặc biệt và hơn 3.000 loại xe lăn, đã được phát triển để đáp ứng nhu cầu của người già khuyết tật.
“Vấn đề với thị trường người cao tuổi của Trung Quốc là nhu cầu của người cao tuổi đã bị kìm hãm, và những nhu cầu tiềm tàng này đòi hỏi thị trường phải khai thác" – Gao nói. 
PV (theo laodong)

Bình luận (0)