Các nhà khoa học trẻ của Trung Quốc được đào tạo từ thực tiễn sản xuất trong các nhà máy, phòng thí nghiệm (ảnh minh họa). Ảnh: I.T
|
Hiện nay Trung Quốc đang tiến hành việc đào tạo những nhà khoa học trẻ qua thực tiễn sản xuất trong các nhà máy, phòng thí nghiệm… Theo đó, các nghiên cứu sinh sẽ trực tiếp tham gia vào những đề tài nghiên cứu theo đơn đặt hàng cụ thể của thị trường.
Mỗi nước có một phương thức đào tạo ở bậc sau đại học. Ở Mỹ và các nước châu Âu, người ta cho rằng cần thiết phải đưa sinh viên vào môi trường nghiên cứu, chủ yếu là ở ngay trong trường đại học, hoặc kết hợp với yêu cầu sản xuất trong nhà máy. Và phải miệt mài trong một thời gian thích hợp để chuẩn bị cho việc lấy bằng tiến sĩ, theo đúng quy trình đào tạo tiến sĩ chính quy (văn bằng thạc sĩ, người hướng dẫn đề tài, lộ trình nghiên cứu…). Trái lại, ở châu Á người ta chấp nhận và đánh giá cao việc đào tạo các nhà khoa học thông qua những công trình nghiên cứu ứng dụng giải quyết một vấn đề kỹ thuật do cơ quan nghiên cứu hoặc sản xuất đặt ra. Ví dụ điển hình của chủ trương này là công tác đào tạo nhà khoa học ở viện nghiên cứu có tên “Viện Nghiên cứu gien Bắc Kinh” (BGI: Beijing Genomics Institute) – một viện nghiên cứu lâu đời có nhiều công trình sinh học nổi tiếng ở Trung Quốc. Đã có gần 500 học viên đăng ký xin được làm việc và nghiên cứu ở đây khi họ đã có trong tay bằng master (tương đương thạc sĩ). Họ nhập vào đội ngũ đông đúc các nhà “tin học – gien” đang cộng tác với những tên tuổi quốc tế lớn có liên quan đến những đề tài họ đang nghiên cứu, và trên tư cách là những tác giả chính, họ đăng công trình trên những tạp chí có uy tín bậc nhất trên trường quốc tế, dự những cuộc hội thảo và trả lời phỏng vấn.
Căn cứ vào những bài báo, những cuộc trao đổi, tranh luận trên Tạp chí Tự Nhiên, có thể thấy rằng các nhà nghiên cứu ở Viện Nghiên cứu gien Bắc Kinh rất có khả năng, tự tin và có nhiều kinh nghiệm, tuy tuổi đời và tuổi nghề chưa cao. Tuy nhiên chỉ có một số ít trong số họ có ý định theo đuổi bậc học đệ tam cấp để chuẩn bị lấy bằng tiến sĩ.
Có phải vì các nhà khoa học quá trẻ đó đã chọn một con đường sai bằng cách tự giới hạn mình trong một phạm vi nghiên cứu quá hẹp, đó là định vị gien người trên nhiễm sắc thể có dung lượng cao (để xác định chức năng của chúng)? Có phải vì những cách đào tạo đệ tam cấp do phương Tây đề nghị dài hơn và ít nhắm vào một mục tiêu cố định hơn nên nhà nghiên cứu của họ có trí tưởng tượng phong phú hơn, và sáng tạo hơn trong công việc? Tất cả các câu hỏi đều chưa có câu trả lời dứt khoát. Tuy những cộng tác viên ở bên ngoài chính là người ấn định mục tiêu khoa học cho phần lớn những đề án của BGI, nhưng những nhà nghiên cứu trẻ của viện đã cộng tác chặt chẽ với họ về ý tưởng của những đề án, bằng cách cung cấp những đóng góp khoa học và kết hợp những yêu cầu của cộng tác viên với sự phân tích những dữ kiện.
Điều cần thiết là BGI phải chứng tỏ được công tác đào tạo nhà nghiên cứu theo phương thức này đảm bảo được những tiêu chuẩn về chất lượng. Liệu BGI có thể chuẩn bị cho “người lao động – sinh viên” một khả năng rộng, bao quát mà công tác nghiên cứu công nghiệp và đại học đòi hỏi không? Ngoài những khía cạnh khoa học và kỹ thuật, họ có biết tuân thủ nghiêm túc những tiêu chuẩn về đạo đức: tôn trọng sự nhất quán của dữ kiện, bảo vệ những thông tin riêng tư thầm kín có liên quan đến con người? Liệu họ có khả năng đào tạo thế hệ kế cận một khi sinh học và công nghệ tiếp tục tiến nhanh như vũ bão?… BGI phải chứng tỏ được khả năng đáp ứng một cách hữu hiệu các đòi hỏi đó. Trên thực tế họ đã mời những giáo sư của một đại học láng giềng đến giảng bài cho sinh viên. Hơn nữa họ đang củng cố khả năng nội tại bằng cách tuyển dụng những nhà sinh học có trình độ đại học tham gia vào những đề tài thích hợp trong các lĩnh vực sinh học, y học và nông nghiệp.
Cần nhắc lại rằng ngày nay công tác đào tạo nhà nghiên cứu ở phương Tây đòi hỏi những tiêu chuẩn khắt khe hơn, thời gian đào tạo dài hơn.
Dù sao BGI cũng là một mô hình đào tạo nhà nghiên cứu cần tham khảo. Vấn đề chính là chất lượng, thể hiện bằng những công trình khoa học xuất sắc, có tính sáng tạo về gien được quốc tế công nhận, cụ thể là làm tốt những hợp đồng đã ký với các tổ chức khoa học quốc tế. Hữu xạ tự nhiên hương, phải thực sự cầu thị, nhưng BGI rất tin tưởng vào phương thức đào tạo nhà nghiên cứu theo cách của mình, vừa tiết kiệm, vừa phù hợp với điều kiện của một nước trên đường phát triển.
(theo Courrier international)
Phan Thanh Quang
Bình luận (0)