Hội nhậpThế giới 24h

Trung Quốc đưa khinh khí cầu do thám đến nhiều địa điểm quân sự khắp thế giới

Tạp Chí Giáo Dục

Khinh khí cầu có một số lợi thế so với vệ tinh như di chuyển ở khoảng cách gần mặt đất hơn và có thể lách tầm quét của radar.

Các cơ quan tình báo Mỹ rút ra kết luận rằng chương trình khinh khí cầu do thám của Trung Quốc là một phần của chiến dịch trinh sát toàn cầu, được thiết kế nhằm thu thập thông tin về năng lực quân sự của các nước trên thế giới, theo tờ The New York Times hôm 9.2 dẫn lời 3 quan chức Mỹ.

Một số quan chức nước này cho rằng tuyến hành trình của các khinh khí cầu là một phần của nỗ lực thu thập dữ liệu về những căn cứ quân sự Mỹ cũng như các nước khác phục vụ cho những trường hợp nổ ra xung đột hoặc gia tăng căng thẳng.

Tại cuộc họp báo hôm 8.2, chuẩn tướng Patrick S. Ryder, người phát ngôn Lầu Năm Góc, cho biết, vài năm qua các khinh khí cầu Trung Quốc xuất hiện ở Mỹ Latinh, Nam Mỹ, Đông Nam Á, Đông Á và châu Âu.

"Đây là lý do chúng tôi đánh giá hoạt động của khinh khí cầu tại Mỹ là một phần của chương trình do thám trên diện rộng do Trung Quốc triển khai", tướng Ryder nói.

Trong một cuộc họp báo khác, Ngoại trưởng Antony Blinken cho hay Bộ Ngoại giao Mỹ đã chia sẻ thông tin về chương trình khinh khí cầu do thám của Trung Quốc cho hàng chục nước khác. Các buổi cung cấp tin được thực hiện thông qua những cuộc họp ở thủ đô Washington và tại các sứ quán Mỹ ở nước ngoài.

"Sở dĩ chúng tôi chia sẻ thông tin rộng rãi vì Mỹ không phải là mục tiêu duy nhất của chương trình [của Trung Quốc] trên khắp 5 châu lục", ông Blinken nhấn mạnh.

Khinh khí cầu có một số lợi thế so với vệ tinh vốn hoạt động theo mô hình lặp lại trên quỹ đạo trái đất. Một số quan chức không nêu tên của Mỹ phân tích khinh khí cầu bay gần mặt đất hơn do nương theo các mô hình chuyển động của gió khắp toàn cầu. Điều này cho phép chúng di chuyển vượt ngoài năng lực tính toán của các quân đội và những cơ quan tình báo trên thế giới.

Khinh khí cầu còn có năng lực "tàng hình" trước radar. "Bản chất của các khinh khí cầu ở tầng bình lưu là tàng hình. Do chúng chứa khí trơ và không tạo ra nhiệt lượng lớn, [khinh khí cầu ở tầng bình lưu] chỉ hiển thị dấu vết hồng ngoại rất nhỏ bé ở cao độ", theo một báo cáo nghiên cứu công bố năm 2009 về khí cầu ở tầng bình lưu của thiếu tá Kevin Massie thuộc Không quân Mỹ.

Theo Thụy Miên/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)