Trung Quốc đang đầu tư kỷ lục vào các nguồn năng lượng tái tạo nhưng vẫn tiếp tục phải phụ thuộc vào than đá để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng.
Cơ sở khai thác khí mêtan trong than đá ở Trung Quốc.
Trong nửa đầu năm 2023, sản lượng than, nhập khẩu than và phát điện từ than ở Trung Quốc tăng vọt. Điều này nhằm bù đắp cho sản lượng điện sụt giảm đáng kể khi các nhà máy thuỷ điện khổng lồ của Trung Quốc giảm sản lượng điện do thiếu mưa và hạn hán.
Trung Quốc là quốc gia dẫn đầu toàn cầu về chi tiêu cho năng lượng tái tạo nhưng cũng là một trong số ít các nền kinh tế lớn trên thế giới tiếp tục phê duyệt và xây dựng cơ sở đốt than, theo Oilprice.
Trung Quốc đã đạt được mục tiêu có công suất điện từ nhiên liệu phi hóa thạch cao hơn so với nhiên liệu hóa thạch trước thời hạn đề ra. Hiện nay, 50,9% công suất điện của Trung Quốc đến từ các nguồn nhiên liệu phi hóa thạch.
Trung Quốc cũng dẫn đầu thế giới về chi tiêu cho năng lượng tái tạo, đầu tư vào tăng sản lượng năng lượng mặt trời và năng lượng gió.
Tới thời điểm này trong năm 2023, năng lượng tái tạo đã giúp bù đắp một phần sản lượng điện bị sụt giảm của thủy điện nhưng than đá vẫn là nguồn hỗ trợ chính.
Cụ thể, tổng sản lượng điện của Trung Quốc từ tháng 1 đến tháng 6.2023 tăng 205 tỉ kilowatt giờ (kWh), tương đương 5,2%. Tuy nhiên, sản lượng thủy điện giảm 23% xuống mức thấp nhất trong 8 năm do các tỉnh thủy điện trọng điểm Tứ Xuyên và Vân Nam có lượng mưa và mực nước tại các hồ chứa thấp, theo dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS).
Năng lượng gió và năng lượng mặt trời bù đắp ở một mức độ nào đó cho sụt giảm thủy điện nhưng bù đắp lớn nhất là từ nhiệt điện. Theo ước tính của nhà phân tích thị trường John Kemp của Reuters, tỉ lệ sản xuất nhiệt điện – chủ yếu từ than đá – tăng lên chiếm 71% sản lượng điện của Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm 2023, tăng từ mức 69% trong cùng kỳ năm trước.
Gần 3/4 công suất thủy điện toàn cầu được bổ sung trong năm 2022 là ở Trung Quốc, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) thông tin trong báo cáo mới nhất về thủy điện toàn cầu.
IEA chỉ ra, Trung Quốc bổ sung thêm 24 gigawatt công suất thủy điện trong năm 2022. Tuy nhiên, năng lực sản xuất toàn cầu vẫn ở dưới mức lịch sử do hạn hán kéo dài ở các quốc gia mạnh về thủy điện như Canada, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ, cũng như ở Tây Âu.
Lượng mưa ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc giảm hơn 60% hàng năm trong 4 tháng đầu năm 2023, theo SCMP.
Đồng thời, sản lượng than của Trung Quốc đã tăng so với năm ngoái và nhập khẩu than tăng mạnh. Giới chức chức cấp cao Trung Quốc đang họp với các công ty điện và nhà điều hành lưới điện nhà nước để nêu bật tầm quan trọng của việc duy trì điện trong mùa hè trong bối cảnh Trung Quốc trông đợi nền kinh tế phục hồi sau khi tăng trưởng thấp hơn dự kiến trong quý 2.
Sản lượng than của Trung Quốc tăng 4,4% trong nửa đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm 2022. Than nhập khẩu vào Trung Quốc tăng mạnh từ đầu năm đến nay, dẫn đến lượng than dự trữ tại các nhà máy điện ở mức cao kỷ lục. Nhờ vậy, giới chức Trung Quốc lạc quan hơn về khả năng không phải phân phối điện hoặc đóng cửa các nhà máy trong mùa hè.
Tổ chức tư vấn về biến đổi khí hậu E3G nêu trong báo cáo đầu năm nay rằng, không có nhà máy điện than mới nào được khởi công xây dựng trên khắp OECD và EU kể từ năm 2019. Tuy nhiên, trong nửa cuối năm 2022, lượng nhà máy điện than mới được cấp phép ở Trung Quốc tăng nhiều nhất từ trước tới nay.
PV (theo laodong)
Bình luận (0)