Trong bức thư gửi tới Diễn đàn Hoà bình và An ninh Trung Quốc – châu Phi ngày 25/7, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi hai bên thể chế hoá Sáng kiến An ninh toàn cầu (GSI), bảo vệ công bằng và công lý quốc tế. Ông Tập Cận Bình viết rằng việc “hiện thực hoá an ninh chung và hoà bình lâu dài là nguyện vọng của cả người dân Trung Quốc và châu Phi”.
“Trung Quốc sẵn sàng làm việc với những người bạn ở châu Phi để duy trì khái niệm an ninh chung, toàn diện, hợp tác và bền vững”, ông Tập Cận Bình viết.
Được công bố từ tháng 4 năm nay, GSI phản đối việc theo đuổi an ninh riêng của một quốc gia mà gây tổn hại cho an ninh của các nước khác, hoặc sử dụng tuỳ tiện các biện pháp trừng phạt đơn phương và quyền tài phán cánh tay nối dài. Sáng kiến là sự thể hiện mới nhất cho tham vọng của Trung Quốc nhằm trở thành một nước dẫn dắt về quản trị và an ninh toàn cầu.
Bắc Kinh đang tăng cường hợp tác an ninh với châu Phi, thông qua các hoạt động đưa hàng ngàn binh lính tham gia phái bộ gìn giữ hoà bình của Liên Hợp Quốc, huấn luyện cho sĩ quan quân sự, tham gia nhiều hơn vào tiến trình hoà bình ở vùng Sừng châu Phi và Sahel. Ngày càng nhiều nước châu Phi mua vũ khí và trang thiết bị quân sự từ Trung Quốc.
Ngày 25/7 vừa qua, các quan chức quốc phòng cấp cao từ 48 quốc gia châu Phi tham gia diễn đàn trực tuyến. Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Nguỵ Phượng Hoà có bài phát biểu dẫn đề.
Ông Nguỵ nói rằng Trung Quốc và châu Phi cần “tăng cường hợp tác kỹ thuật và trang thiết bị, làm sâu sắc các hoạt động huấn luyện chung trên biển và mở rộng trao đổi trong các lĩnh vực chuyên môn để thúc đẩy hợp tác hoà bình và an ninh Trung Quốc – châu Phi”.
Ông John Calabrese, giám đốc Dự án Trung Đông – châu Á tại ĐH Hoa Kỳ ở Washington, cho rằng với sáng kiến Vành đai Con đường và vai trò của nó trong chiến lược toàn cầu của Bắc Kinh, dấu ấn an ninh và quân sự của Trung Quốc ở châu Phi ngày càng mở rộng
Thông qua sáng kiến Vành đai Con đường, Trung Quốc đã rót vốn cho những dự án hạ tầng quy mô lớn trên khắp châu Phi, bao gồm cảng biển, đường cao tốc, đập thuỷ điện, đường sắt và đường bộ. Điều đó đòi hỏi Trung Quốc mở rộng hợp tác quân sự để bảo vệ công dân và các dự án đầu tư của họ. Năm 2017, Bắc Kinh lập căn cứ quân sự nước ngoài đầu tiên tại Djibouti.
“Những hoạt động đó sẽ bảo vệ tốt nhất công dân và lợi ích của Trung Quốc ở châu lục, với chi phí tương đối thấp và không gây nhiều chú ý đối với Mỹ hay phương Tây như việc mở căn cứ quân sự”, ông Calabrese đánh giá.
Ông Mohammed Soliman, một học giả tại Viện Trung Đông tại Washington, nói rằng Trung Quốc đang định vị GSI là một giải pháp cho những thách thức an ninh của châu Phi, một “lựa chọn thay thế ngoài phương Tây và cơ chế cho hợp tác nam – nam”.
Ông Soliman cho rằng Bắc Kinh sẽ dùng sáng kiến này để “xây dựng vị thế của Trung Quốc như một cường quốc toàn cầu, có khả năng gây ảnh hưởng vượt khỏi châu Á”.
“Dấu chân của Trung Quốc ở châu Phi có thể xuất hiện sớm hơn các nhà hoạch định chính sách ở Washington và Brussels nghĩ đến”, ông Soliman đánh giá.
Bình luận (0)