Giếng cổ ở thị trấn Thái An tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, được thiết kế hình xoắn ốc với độ sâu 28m có 108 bậc thang đi xuống đáy, cấp nước sinh hoạt và nông nghiệp cho cả vùng suốt nửa thế kỷ.
Giếng cổ Phàn Long ở làng Zhangpingwa, thị trấn Thái An, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, là một trong những chiếc giếng hiếm gặp, đến nay trở thành điểm du lịch hút khách nhờ cấu trúc đặc biệt. Và câu chuyện phía sau chiếc giếng này càng khiến người ta tò mò hơn.
Ngược dòng thời gian nửa thế kỷ trước, vào giữa những năm 1960, làng Zhangpingwa bị hạn hán nghiêm trọng. Người dân không thể đi xa cả chục cây số để lấy nước sinh hoạt và thiếu nước tưới tiêu cho hoa màu. Đó là thời điểm cuộc sống người dân gặp rất nhiều khó khăn.
Để chấm dứt tình trạng phải trông chờ may mắn từ "ông trời", cán bộ thôn đã huy động hơn 900 nhân khẩu từ 300 hộ dân, cùng nhau xây dựng một chiếc giếng nước hình xoắn ốc với độ sâu 28m.
Khi đó chưa có máy móc hiện đại như bây giờ. Người dân chỉ biết dùng những dụng cụ đơn giản đào thủ công ngày qua ngày. Gặp phải những khối đá cứng, họ lại dùng thuốc nổ tự chế để phá vỡ.
Theo lời kể của các bô lão trong làng, đào giếng hơn 20m vẫn chưa thấy nước đâu, mọi người nản chí định dừng lại. Nhưng nhờ sự động viên của những người đứng đầu, họ tiếp tục đào giếng theo đường chéo và cuối cùng nguồn nước cũng xuất hiện.
Giếng sâu hun hút 28m với 108 bậc thang đi xuống lòng giếng
Ở độ sâu 28m, giếng Phàn Long còn được thiết kế 108 bậc thang đá đi xuống. Lan can cầu thang xuống đáy giếng chạm khắc hình rồng, khiến nhiều người liên tưởng như bước vào hang động rồng. Sở dĩ giếng được xây thành hình xoắn ốc cũng để thuận tiện cho xây dựng và vận chuyển đá.
Suốt gần nửa thế kỷ, nước sinh hoạt và nước phục vụ cho nông nghiệp đều được người dân lấy lại giếng nước này. Kể từ khi có nó, dân làng không còn chịu cảnh vất vả đi xa gánh nước nữa. Họ còn gọi nó là "giếng hạnh phúc".
Giếng đã cung cấp nước cho người dân trong vùng suốt gần nửa thế kỷ
Thời gian trôi qua, khi cuộc sống trở nên tiện nghi hơn, hệ thống nước máy tới tận từng hộ gia đình, thì nước ở giếng cổ không còn dùng nữa. Dù không ai sử dụng, nhưng giếng Phàn Long không hề bị bỏ hoang, mà trở thành di sản được người dân kính trọng.
Khi mạng xã hội trở nên phổ biến, du khách tới chụp hình ở giếng cổ Phàn Long và check in khiến nó vô tình thành điểm hút khách. Làng Zhangpingwa ngày nay cũng nhờ đó trở thành ngôi làng kiểu mẫu cho mô hình du lịch nông thôn địa phương.
Ngoài giếng cổ Phàn Long, ngôi làng này còn phát triển ngành trồng rừng và cây ăn quả. Loại rượu mơ và mận sản xuất tại đây trở thành mặt hàng được nhiều người ưa chuộng.
NN (theo dantri)
Bình luận (0)