Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Trung Quốc: Học sinh thi lấy bằng tú tài không dễ

Tạp Chí Giáo Dục

Ảnh: I.T

Ngay từ bậc mẫu giáo, áp lực học tập đã đè nặng lên HS Trung Quốc. Áp lực này duy trì suốt thời kỳ phổ thông, mà đỉnh cao là kỳ thi tú tài. Chính sách “mỗi gia đình một con” lại càng làm cho áp lực học tập nặng nề hơn.
Mới 5 tuổi, bé Hoàng Đạo Vũ ở lớp mẫu giáo đã có một thời khóa biểu đặc kín: học trượt patin, học bơi, học Anh văn và lại còn đăng ký học phát biểu trước đám đông với micro cầm tay để khắc phục tính nhút nhát. Mẹ của em là cán bộ của Viện Đô thị hóa ở Thượng Hải, bà mong sao đứa con duy nhất sau này vào được một trường đại học tốt nhất. Bà dành cho con gái mọi ưu tiên. Bà nói: Nếu một phụ huynh thấy bạn của con đi học nhạc, họ cũng cho con ghi danh học nhạc.
Trên đất nước “một con duy nhất” trách nhiệm đối với gia đình là một áp lực đối với đứa con. Hệ thống giáo dục của Trung Quốc càng làm cho áp lực đó nặng thêm. Từ trung học đến đại học, các trường được phân ra làm ba loại tùy theo chất lượng giảng dạy. Chen nhau vào trường có chất lượng cao cũng tạo một áp lực rất lớn lên HS.
Từ 6 tuổi đến 15 tuổi HS phải trải qua nhiều kỳ kiểm tra, kỳ thi, để cuối cùng phải vượt cho được cửa ải gay go là kỳ thi tú tài. Tỷ lệ đậu tú tài trung bình hàng năm là 55%, nhưng chỉ có 15% chính thức được vào đại học (ở Pháp tỷ lệ HS đậu Tú tài là 60% ). Kỳ thi tú tài không phải chỉ là kỳ thi tốt nghiệp, mà thực sự còn là kỳ thi tuyển. Các trường đại học chỉ lấy một số hạn chế SV tùy theo chỉ tiêu mà Bộ Giáo dục phân bố hàng năm cho mỗi tỉnh, mỗi trường, mỗi khoa.
Trong ba ngày từ 7 đến 9-6-2008 có gần 11 triệu HS Trung Quốc phải trải qua một kỳ thi gồm 5 môn: tiếng Trung, tiếng Anh, toán, một môn tự chọn về văn hay khoa học và một bài tổng hợp liên môn. Ba ngày thi đó được gọi là “tháng 6 đen” là sự kiện quan trọng nhất trong đời một thanh niên.
Theo một cuộc thăm dò của Bộ Giáo dục và tờ “Thanh niên Trung Quốc nhật báo” của Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc, 89,6% HS cho rằng số phận của họ được quyết định bởi kết quả kỳ thi tuyển- “hoặc là vào đại học, hoặc là đi lái xe taxi”. Nạn thất nghiệp tràn lan hiện nay do khủng hoảng kinh tế (60% SV tốt nghiệp không có việc làm) chẳng làm thanh niên quan tâm. Bằng cách nào cũng phải vào được đại học, rồi sau sẽ hay.
Cả một đời đi học, đặc biệt là thời kỳ Trung học, HS chỉ nhắm vào một mục đích: đậu tú tài để có điều kiện vào đại học. Muốn đạt nguyện vọng đó mà chỉ dựa vào sự giảng dạy ở nhà trường chính quy là không đủ. Du Kê, thủ khoa tú tài, 19 tuổi, nhớ lại: Từ 3, 4 tuổi, tôi đã được cha mẹ cho học piano, nhưng lên trung học, trái vời các bạn, tôi quyết định tự mình học để thi, không đi học tư đâu hết. Rất gay go, vì hồi đó trong suốt 3 năm HS nào cũng đi học thêm để thi tú tài đạt điểm cao, mới mong được vào đại học”.
Kỳ thi tú tài được phục hồi lại năm 1977, sau Cách mạng Văn hóa, kèm theo chính sách “mỗi gia đình một con” do Cố Tổng bí thư Đặng Tiểu Bình đặt ra, trên thực tế đã tuyển chọn được cho Trung Quốc một đội ngũ cán bộ khoa học có trình độ cao có tầm cỡ quốc tế, đưa Trung Quốc đứng vào cường quốc thứ tư trên thế giới.
Bên cạnh những kết quả nói trên thì cuộc cạnh tranh khốc liệt vào đại học đã tạo ra một vấn nạn xã hội đau lòng, đó là nạn tự vẫn trong SV, thanh niên, từ 15 đến 34 tuổi, do stress, thất vọng, bi quan, sĩ diện, mất phương hướng. Trong năm 2007, một nghiên cứu do Trường Đại học Bắc Kinh tiến hành cho biết: 20% trong số 140.000 SV được hỏi ý kiến cho biết đã có lần có ý định tự tử và 6,5% thường có ý định đó.
Phan Thanh Quang (Theo Thế giới Giáo dục)

Bình luận (0)