Trung Quốc cho rằng động thái của Hạ viện Mỹ đối với ứng dụng chia sẻ video TikTok sẽ gây ra thiệt hại cho chính nước Mỹ.
Hạ viện Mỹ tối qua bỏ phiếu thông qua dự luật yêu cầu công ty ByteDance của Trung Quốc thoái vốn khỏi TikTok trong vòng 165 ngày, nếu không ứng dụng sẽ bị cấm hoàn toàn tại Mỹ.
TikTok đã trở nên phổ biến trên toàn cầu nhưng đồng thời bị giới quan chức Mỹ cũng như một số nước lo ngại về mối liên hệ tiềm tàng của ứng dụng với chính quyền Trung Quốc.
Trước cuộc bỏ phiếu tại Mỹ, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân lên án đề xuất của Mỹ, theo AFP. "Dù Mỹ chưa hề tìm thấy bằng chứng rằng TikTok đe dọa an ninh quốc gia Mỹ, họ vẫn không ngừng đàn áp TikTok. Kiểu hành vi bắt nạt này không thể thắng trong cuộc cạnh tranh công bằng, gây gián đoạn hoạt động kinh doanh bình thường của các công ty, gây tổn hại lòng tin của các nhà đầu tư quốc tế trong môi trường đầu tư, và ảnh hưởng trật tự kinh tế và thương mại bình thường của quốc tế", ông Uông nói.
"Đến cuối cùng, điều này chắc chắn sẽ gây thiệt hại cho Mỹ", vị quan chức tuyên bố.
Chưa rõ liệu dự luật có được Thượng viện Mỹ thông qua hay không bởi một số nhân vật chủ chốt ở Thượng viên phản đối hành động quyết liệt quá mức đối với ứng dụng nổi tiếng có 170 triệu người dùng tại Mỹ. Tuy nhiên, Nhà Trắng thông báo Tổng thống Joe Biden sẽ ký nếu dự luật được đưa đến cho ông.
Logo TikTok tại văn phòng của công ty ở bang California (Mỹ). REUTERS
TikTok đã phủ nhận mối quan hệ với chính quyền Trung Quốc và nói đã tái cấu trúc công ty để dữ liệu người dùng Mỹ vẫn được lưu trữ tại Mỹ.
"Dự luật mới nhất này được gấp rút thông qua với tốc độ chưa từng thấy mà không được hưởng lợi từ một cuộc điều trần công khai, đặt ra lo ngại nghiêm trọng về hiến pháp", Phó chủ tịch phụ trách chính sách công Michael Beckerman của TikTok viết trong thư gửi các nhà lập pháp Mỹ.
Tổng giám đốc điều hành TikTok Shou Zi Chew nói rằng dự luật sẽ dẫn đến lệnh cấm đối với TikTok tại Mỹ và sẽ lấy đi hàng tỉ USD của các nhà sáng tạo nội dung và doanh nghiệp nhỏ. Ông tuyên bố công ty sẽ thực hiện mọi quyền pháp lý để ngăn chặn lệnh cấm.
Úc loại trừ lệnh cấm
Thủ tướng Úc Anthony Albanese ngày 14.3 nói rằng nước ông không có kế hoạch cấm TikTok như Mỹ. "Bạn phải luôn đặt lo ngại an ninh quốc gia lên hàng đầu nhưng cũng cần thừa nhận rằng đối với rất nhiều người, TikTok cung cấp một phương thức liên lạc và vì thế chúng tôi chưa nhận được khuyến cáo [về cấm TikTok]", ông Albanese nói.
Mối quan hệ thương mại giữa Úc và Trung Quốc đã cải thiện từ khi Công đảng của ông Albanese nắm quyền tại Úc vào năm 2022. Hồi tháng 11.2023, ông Albanese có chuyến thăm Trung Quốc, là nhà lãnh đạo Úc đầu tiên làm điều đó sau 7 năm.
Theo Vi Trân/TNO
Bình luận (0)