Hội nhậpThế giới 24h

Trung Quốc mở rộng kho vũ khí hạt nhân nhanh nhất thế giới

Tạp Chí Giáo Dục

Trung Quốc hiện mở rộng lực lượng hạt nhân nhanh nhất thế giới và có thể sẽ sở hữu nhiều tên lửa đạn đạo xuyên lục địa hơn Nga và Mỹ trong thập niên tới.

Theo báo cáo thường niên của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI-Thụy Điển) công bố ngày 17.6, Trung Quốc đã bổ sung thêm 90 đầu đạn vào kho dự trữ hạt nhân, nâng tổng số lên 500 đầu đạn tính đến tháng 1. Thêm vào đó, tổng số tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) của Bắc Kinh hiện ở mức khoảng 238, có thể vượt qua con số 800 của Mỹ và 1.244 của Nga trong vòng 10 năm tới, theo South China Morning Post.

Tuy nhiên, quy mô tổng thể của kho vũ khí hạt nhân Trung Quốc dự kiến vẫn nhỏ hơn nhiều so với 2 cường quốc hạt nhân lớn nhất. Báo cáo cho biết Mỹ có 5.044 đầu đạn trong khi Nga có 5.580 đầu đạn.

Ông Hans Kristensen, làm việc tại Chương trình Vũ khí hủy diệt hàng loạt của SIPRI, nhận xét: "Trung Quốc đang mở rộng kho vũ khí hạt nhân của mình nhanh hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Nhưng xu hướng tăng cường lực lượng hạt nhân diễn ra ở hầu hết các quốc gia có vũ khí này".

Báo cáo chỉ ra Trung Quốc đang xây dựng khoảng 350 hầm chứa mới cho tên lửa đạn đạo trên đất liền. Nếu Trung Quốc lấp đầy mỗi hầm chứa mới đang được xây dựng của mình bằng tên lửa đầu đạn đơn, thì nước này có thể triển khai khoảng 650 đầu đạn trên ICBM của mình trong thập niên tới.

Hình ảnh tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-41 của Trung Quốc trong cuộc duyệt binh ở Bắc Kinh năm 2019. REUTERS

Tuy nhiên, theo báo cáo, không rõ Trung Quốc có kế hoạch gì cho các hầm chứa này và nếu chúng được sử dụng để chứa tên lửa mang 3 đầu đạn tái nhập khí quyển nhắm mục tiêu độc lập (MIRV) – cho phép tấn công nhiều thực thể – thì số lượng đầu đạn ICBM có thể tăng lên hơn 1.200. Lầu Năm Góc năm ngoái cũng đưa ra báo cáo kết luận tương tự SIPRI về việc ước tính kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc có khoảng 500 đầu đạn đang hoạt động và dự báo con số này có thể vượt mốc 1.000 vào năm 2030.

Theo SIPRI, tính đến tháng 1.2024, khoảng 346 đầu đạn hạt nhân được gắn trên các tên lửa đạn đạo trên mặt đất, chiếm tới 70% lực lượng hạt nhân của Trung Quốc. Khoảng 20 đầu đạn được trang bị cho lực lượng không quân và 72 đầu đạn được trang bị cho các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân của Trung Quốc. 62 đầu đạn còn lại được lưu trữ ở nơi khác và trang bị sau cho các tên lửa chưa hoạt động.

Trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm cho biết nước này có chính sách "không sử dụng trước" (no first use policy) và giữ số lượng đầu đạn tối thiểu cần thiết để đáp ứng nhu cầu an ninh quốc gia.

Theo ông Kristensen, Bắc Kinh gần đây đưa tên lửa nhiên liệu rắn vào các hầm chứa, thực hiện các cuộc tuần tra răn đe trên biển và dường như đang phát triển khả năng phóng tên lửa dựa trên cảnh báo. Các chỉ dấu trên cho thấy Trung Quốc có thể đã bắt đầu ghép nối một số lượng nhỏ đầu đạn với bệ phóng của chúng. Trước đây, Trung Quốc được cho là lưu trữ riêng rẽ đầu đạn hạt nhân, tên lửa và bệ phóng, ngoại trừ những thời điểm khủng hoảng.

Tuy nhiên, báo cáo của SIPRI cũng chỉ ra độ kém tin cậy của chương trình tên lửa Trung Quốc sau loạt báo cáo về tình trạng tham nhũng trong Lực lượng Tên lửa của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Điều này có thể làm suy yếu chương trình hiện đại hóa trong nước.

Theo Trí Đỗ/ TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)