Các nữ sinh Trung Quốc đang chơi bóng rổ (ảnh minh họa). Ảnh: I.T |
Trận động đất ở Vấn Xuyên năm 2008 đã tàn phá tỉnh Tứ Xuyên và hủy hoại hầu như toàn bộ khu vực này, trong đó có cả ngôi trường lâu năm Bắc Xuyên. Ngôi trường này đã mất hơn 1.300 học sinh và giáo viên trong trận động đất này.
Đến nay tỉnh Tứ Xuyên chưa khôi phục được hiện trạng như xưa nhưng hiện đã có những bước tiến khá khả quan. Công việc tái xây dựng và mở cơ sở mới của Trường Bắc Xuyên sẽ mang lại một sự khởi đầu mới cho học sinh.
Giáo viên từ khắp nơi trên đất nước Trung Quốc đã đến giảng dạy ở Trường Bắc Xuyên tại khu tự trị Bắc Xuyên thuộc tỉnh Tứ Xuyên. Trong số những giáo viên này có một giáo viên người Mỹ – thầy Randy Simmon – người đã từng tình nguyện làm công tác giảng dạy ở Thành Đô, nay ông tiếp tục tình nguyện dạy môn tiếng Anh ở ngôi trường vừa mới được thành lập này.
Một người thầy chín chắn có thể tạo nên rất nhiều sự khác biệt cho học sinh. Đặc biệt đối với trường hợp các em học sinh cấp 3, các em đã bị mất mát rất nhiều bởi trận động đất thì điều này còn mang một ý nghĩa khác sâu sắc hơn. Thầy Randy Simmon đến từ bang Missouri và đến Trung Quốc dạy học cách đây 10 năm. Ông đã xem Tứ Xuyên là nhà của mình trong suốt 8 năm qua. Ngay khi biết tin về việc thành lập Trường Bắc Xuyên mới, ông đã ngay lập tức quyết định tình nguyện đến mặc dù biết trước công việc ở nơi này sẽ có rất nhiều thử thách.
Simmon chỉ ra rằng ngay cả trước khi trận động đất xảy ra thì học sinh ở đây cũng không có nhiều cơ hội để có được một tương lai tốt đẹp. Tuy nhiên, ông hy vọng rằng việc học tiếng Anh sẽ giúp ích cho các em trong tương lai. “Thật ra thì tôi đến đây thông qua một văn phòng tư vấn và tôi thật sự quan tâm đến việc giúp đỡ các em xây dựng lại sự tự tin vào chính mình cũng như niềm tin vào cuộc sống. Những đứa trẻ này đã mất đi cha mẹ, một vài trẻ còn mất tay, chân, những bức ảnh, máy nghe nhạc… Ý tôi là chúng dường như đã mất tất cả. Tôi chỉ muốn đến đó và làm tất cả những gì mình có thể để giúp đỡ trẻ em nơi đây học môn tiếng Anh. Ngay lúc này, tôi thấy rằng học tiếng Anh là phương pháp tốt để nâng cao giáo dục một cách chuyên môn và có hệ thống” – ông nói. Một trong những thử thách khó khăn khi dạy các học sinh Trung Quốc là việc thể hiện tình cảm và cảm xúc do khác nhau về mặt văn hóa. Do đó, việc thay đổi yêu cầu cần nhiều thời gian hơn. Các em tiếp thu rất nhanh các câu chào hỏi cơ bản như “Bạn khỏe không?” (How are you?), “Tôi khỏe” (Great). Ngoài ra, bạn còn cần nhìn vào ngôn ngữ cơ thể và các biểu hiện khác trên gương mặt nữa.
Để việc giảng dạy mang lại hiệu quả trong một môi trường như thế đòi hỏi rất nhiều sự kiên nhẫn và linh hoạt. “Bạn phải dùng tất cả mọi phương pháp tiếp cận khác nhau đối với các em học sinh này. Tất nhiên bạn không muốn quá nuông chiều hay để chúng buồn hay quá đau khổ. Chắc chắn bạn sẽ muốn tham gia công việc này, công việc thúc đẩy bọn trẻ hướng về phía trước – hướng về tương lai chứ không phải quên đi tất cả. Vết sẹo sẽ còn lại đó, nhưng tôi đến đây với mong muốn giúp họ tiếp tục cuộc sống và đối mặt với những gì xảy ra trong quá khứ”.
Đây là một quá trình khéo léo và tinh tế. Nhiều học sinh đã chia sẻ những câu chuyện khá đặc biệt với ông, trong đó có các gương sáng thành công mặc dù bị tổn thương nghiêm trọng về mặt thể chất sau trận động đất. “Có một nữ sinh tên Sophie, cô ấy bị mất cả hai chân. Trước khi trận động đất xảy ra, cô ấy đang trong khóa huấn luyện để thành một vận động viên bơi lội. Sau đó, bơi lội trở thành một phần trong lịch trình luyện tập và cô ấy đã thành công trong việc học bơi “lần nữa”. Trong đó không chỉ sử dụng phương pháp vật lý trị liệu mà còn cả liệu pháp tâm lý nữa. Cô ấy đã liệt kê quá trình này vào hồ sơ xin nhập học Trường Đại học Thể thao Tứ Xuyên và đã được chấp nhận. Đây là câu chuyện về sự nỗ lực đạt thành công thật tuyệt vời”.
Và không chỉ học sinh học hỏi từ người thầy của mình mà còn ngược lại. Simmon cho biết sau khi làm việc với những học sinh đã phải đối mặt với những bi kịch thật ngoài đời và những người này đã mang đến cho ông một cái nhìn mới.
“Bạn biết đấy, đôi khi chúng ta nghĩ mình phải cực khổ, chịu đựng hoặc sống thiếu thốn một điều gì đó. Tuy nhiên, khi sống ở Trung Quốc, tôi nghĩ cuộc sống của mình còn dễ dàng hơn nhiều người. Khi nhìn vào các trẻ em đã mất đi mọi thứ và phải đối mặt, xoay xở với nhiều vấn đề. Các em vẫn tiếp tục việc học của mình. Tôi cho rằng những khó khăn tôi từng trải qua thật nhỏ bé so với những gì các em phải vượt qua” – ông nói.
(Theo english.cri.cn)
Ngọc Trúc
Bình luận (0)