Số vụ ly hôn ngày càng tăng ở Trung Quốc, trong đó có nhiều vụ liên quan đến tranh chấp tài sản.
Trong các vụ ly hôn, Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc phán quyết rằng mọi tài sản của vợ hoặc chồng tạo lập trước khi kết hôn sẽ thuộc về người đó. Hơn thế nữa, những tài sản mà cha mẹ mua cho người vợ hoặc chồng trước và sau khi kết hôn sẽ thuộc về con cái họ sau khi ly hôn.
Cơn địa chấn
Người phát ngôn của Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc Tôn Quân Công giải thích: “Dựa vào kết quả khảo sát, tòa án thấy rằng các bậc cha mẹ lo ngại số tài sản mà họ mua riêng cho con sẽ bị mất mát, nếu xảy ra ly hôn.
Trên thực tế, nhiều bậc cha mẹ đã dồn tiền tiết kiệm cả đời để mua tài sản cho con cái khi con cái lập gia đình”. Phán quyết này đã gây ra một cơn địa chấn ở Trung Quốc, đặc biệt là trong giới “đào mỏ”. Không ít cô gái “đào mỏ” đã dùng nhan sắc để mồi chài cánh đàn ông giàu có với phương châm: “Quyến rũ, kết hôn, ly hôn và chia tài sản”.
Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc vừa có động thái nhằm ngăn chặn nạn “đào mỏ” trong hôn nhân.
Tỉ lệ ly hôn ở Trung Quốc khá cao. Hơn 1,1 triệu vụ ly hôn trong năm 2010. Riêng quý I/2011, con số này lên đến 465.000 trường hợp, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó có nhiều vụ liên quan đến tranh chấp tài sản. Ở các vụ ly hôn kiểu này, không chỉ có người chồng hoặc người vợ mới cưới bị thiệt thòi, tổn thất nặng nề còn thuộc về các bậc cha mẹ vốn đã dồn hết của cải cho đứa con độc nhất của mình.
Cho đến nay, Trung Quốc vẫn còn áp dụng chính sách “một con” và không ít các bậc cha mẹ trở thành người vô gia cư vào lúc tuổi già. Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc đã chứng kiến vô số cảnh đau lòng này và quyết định phải ra tay hành động nhằm tránh để cho các cuộc hôn nhân tốt đẹp biến tướng thành “các vụ đầu tư ngắn hạn giành lợi nhuận tối đa” như khi người ta chơi chứng khoán.
Nhiều nguyên nhân
Mặc dù chứng kiến sự phát triển kinh tế thần kỳ của đất nước trong nhiều thập kỷ liên tiếp, phụ nữ Trung Quốc chỉ được nhận một phần nhỏ của chiếc bánh này và việc mua một ngôi nhà riêng đối với nhiều người trong số họ ngày càng trở nên xa vời. Đó là chưa kể chính sách “một con” trong bối cảnh tư tưởng “trọng nam, khinh nữ”, sinh con trai để có người “nối dõi tông đường” vẫn ăn sâu trong tâm trí người Trung Quốc.
Chính sách “một con” khiến phụ nữ ngày càng trở nên có giá. Kể từ khi áp dụng chính sách này năm 1978, không ít gia đình ở Trung Quốc tìm cách phá bỏ những bào thai gái và khiến tỉ lệ bé trai – bé gái sơ sinh trên toàn quốc là 118 – 100, đặc biệt, ở một số địa phương tỉ lệ này lên tới 130 – 100. Việc sinh con theo ý muốn này đã khiến số lượng đàn ông không lấy được vợ ở Trung Quốc ngày càng tăng, tạo cơ hội thuận lợi cho những phụ nữ có nhan sắc chuyên đi “đào mỏ”.
Một nguyên nhân khác dẫn đến nạn “đào mỏ” là tốc độ tăng giá nhà vượt xa tốc độ tăng bình quân thu nhập theo đầu người. Ở nội thành Bắc Kinh, giá bán 1 m2 nhà ở hơn 25.000 nhân dân tệ (tương đương 80,6 triệu đồng/m2), trong khi thu nhập bình quân cả năm của cư dân chỉ vào khoảng 29.000 nhân dân tệ. Giá nhà ở Thượng Hải, Quảng Châu cũng đắt đỏ không kém. Ở các thị trấn nhỏ hay ở các vùng nông thôn, giá nhà đất có rẻ hơn nhưng thu nhập của người dân ở đó lại thấp hơn nhiều.
Theo Gia Hòa (NLĐ)
Bình luận (0)