Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Trung Quốc: Sinh viên đổ xô kinh doanh trực tuyến

Tạp Chí Giáo Dục

Gần 2.000 doanh nhân SV ở một trường đại học

Chương Lệ, SV năm hai ở Hồ Bắc, chủ nhân một cửa hàng trực tuyến trên trang web Taobao

Ngày càng có nhiều SV Trung Quốc mở các cửa hàng trực tuyến để khởi nghiệp kinh doanh. SV năm cuối Dương Phú Cương là thần tượng của nhiều SV học cùng Trường Đại học Thương mại và Công nghiệp Yiwu ở tỉnh Chiết Giang. Hai năm trước, anh mở một trang web cửa hàng trực tuyến bán các mỹ phẩm. Đến bây giờ, anh kiếm được lợi nhuận khoảng 30.000 nhân dân tệ (1 nhân dân tệ = 2.561 đồng VN) mỗi tháng.
Dương bắt đầu mở shop bán hàng trực tuyến vào tháng 5-2007 ở địa chỉ Taobao.com, trang web mua sắm trực tuyến từ khách hàng đến khách hàng lớn nhất Trung Quốc. Khi công việc kinh doanh phất lên, Dương thuê một văn phòng và thuê các nhân viên hỗ trợ anh.
Dương không phải là nhà doanh nghiệp SV duy nhất ở trường anh theo học. Theo ông Giả Thiếu Hoa, Hiệu trưởng Trường Đại học Thương mại và Công nghiệp Yiwu, có khoảng 1.800 SV đang kinh doanh bán lẻ qua mạng hoặc qua các cửa hàng trên phố.
Tại Bắc Kinh, nữ SV 26 tuổi Trần Tiêu có một chiêu kinh doanh khá độc đáo: bán thời gian lao động với nhiều mức giá khác nhau trên cửa hàng trực tuyến ở Taobao. Cô đã bán thời gian của mình trong nhiều tháng qua. Khách hàng có thể mua thời gian của cô tám phút, một tiếng hay cả ngày để nhờ cậy cô làm bất cứ điều gì mà họ không có thời gian làm ngoại trừ những việc làm dính đến tội ác, bạo lực và khiêu dâm. Chẳng hạn như, một người nào đó bận rộn có thể nhờ cô đi mua vé tàu. Giá cô đưa ra là 8 nhân dân tệ cho tám phút, 20 nhân dân tệ cho một tiếng và 100 nhân dân tệ cho một ngày.
Không ngờ, công việc kinh doanh của cô phát đạt thấy rõ. Một người đàn ông đã mua thời gian cô một ngày với giá đến 500 nhân dân tệ chỉ để nhờ cô nghĩ ra ý tưởng thiết kế món quà cho bạn gái của anh ta, rồi sau đó mang đến cho người bạn gái đó. Một người mẹ thuê cô giả vờ đóng vai chú gấu trúc, gọi điện cho đứa con gái nhỏ để động viên học hành sau khi cô bé thi trượt. Hiện nay, đã có rất nhiều người khác bắt chước cách kinh doanh của cô.
Ông Giả cho rằng chính nhờ khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã giúp SV động não nghĩ ra cách làm việc kiếm tiền mới.
Chính phủ khuyến khích SV khởi nghiệp
Đại biểu Quốc hội Trung Quốc Vương Kiên Hoa cho rằng SV đại học phải cần lưu tâm nhiều hơn đến việc điều hành kinh doanh trực tuyến thay vì chỉ xem đó là chuyện vặt vãnh. Ông Vương kêu gọi SV tự khởi nghiệp kinh doanh vì trong thời buổi kinh tế khó khăn, thị trường việc làm đang trong tình trạng ảm đạm.
Một cuộc khảo sát gần đây của Viện Nghiên cứu khoa học xã hội Trung Quốc cho thấy tỷ lệ thất nghiệp ở đô thị đã lên đến mức 9,4%. Con số này kết hợp với thị trường lao động vẫn còn bấp bênh trong tương lai sẽ khiến 25% trong số 6,1 triệu SV tốt nghiệp đại học trong năm 2009 khó kiếm việc.
Để đối phó với nạn thất nghiệp đang gia tăng, Trung Quốc đang đưa các chính sách mới nhằm khuyến khích SV tốt nghiệp và những người thất nghiệp khác tự khởi nghiệp kinh doanh. Các chính sách bao gồm các ưu đãi thuế và cho vay lãi suất thấp.
Theo một báo cáo của Taobao và iResearch, công ty nghiên cứu thị trường trực tuyến hàng đầu Trung Quốc, doanh thu bán hàng trực tuyến ở Trung Quốc tăng khoảng 129% lên mức 120 tỷ nhân dân tệ vào năm 2008.
Theo số liệu từ trang web Taobao.com, các chủ cửa hàng trực tuyến ở độ tuổi từ 19-24 chiếm 35% tổng số các chủ cửa hàng trực tuyến đăng ký hoạt động trên trang web này. Hầu hết các chủ cửa hàng trẻ là SV đại học.
Ông Giả nói: “Kinh nghiệm ở trường chúng tôi đã chứng mình rằng mọi SV có thể giúp giải quyết vấn đề việc làm bằng cách mở một cửa hàng trực tuyến. Kinh doanh dạng này là sự lựa chọn tốt nhất cho SV vì vừa ít tốn chi phí khởi đầu, vừa có mức rủi ro kinh doanh thấp”.
Ông cho biết ở trường ông có khoảng 400 SV kinh doanh trực tuyến kiếm được thu nhập trung bình hàng tháng từ 1.000 nhân dân tệ trở lên.
Dương là nhà doanh nghiệp SV thành công nhất trường với doanh thu hàng năm đạt hai triệu nhân dân tệ. Điều đáng ngạc nhiên trước đó, Dương học hành khá tệ và điểm số luôn thấp.
Theo hướng dẫn nghề nghiệp của Trường Đại học Thương mại và Công nghiệp Yiwu, các doanh nhân SV đi trước có thể chia sẻ kiến thức thực tế và lời khuyên có thể giúp ích cho những SV đi sau. SV cũng được học cách tiếp thị sản phẩm với giá phải chăng, mặc cả với các nhà cung cấp và chống chọi những khó khăn thường gặp trong công việc kinh doanh.
Dương cho biết: “Trường đại học không chỉ tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi mà còn dạy tôi rất nhiều khái niệm và ý tưởng mới mẻ giúp tôi không trở thành con mọt sách”.
Dương cho rằng thành công anh có được là nhờ nỗ lực của bản thân và kiên trì vượt qua gian khó ban đầu. Một số SV nhanh chóng chán nản và từ bỏ công việc kinh doanh trực tuyến nhưng vì doanh thu ban đầu quá ít. Một số SV khác thất bại vì không tiến hành nghiên cứu thị trường hoặc do lười biếng, không chú tâm đến việc kinh doanh trực tuyến
Đại biểu Quốc hội Vương Kiên Hoa nói rằng: “Chúng tôi hiểu rằng khởi nghiệp công việc kinh doanh trực tuyến không hiệu quả cho tất cả mọi người. Sẽ có những thất bại không tránh khỏi, tuy nhiên thất bại cũng không quá tệ nếu biết rút ra được bài học từ đó”.
Các chuyên gia các quản lý nhân lực nhận định thế hệ chủ doanh nhân tham gia các ngành nghề mới bao gồm thương mại điện tử, sẽ tác động tích cực đến cấu trúc kinh tế của Trung Quốc.
Lê Hoàng
 (Theo Tạp chí Bắc Kinh)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)