Việc Bắc Kinh tự ban hành quyền kiểm tra tàu bè trên biển Đông là một tiền lệ nguy hiểm làm gia tăng bất ổn trên biển Đông.
Ngày 5.12, Reuters dẫn nguồn tin từ giới chức Trung Quốc nhận định chính phủ nước này có thể ký thông qua đề xuất của tỉnh Hải Nam để cho phép cảnh sát biển kiểm tra tàu bè tại khu vực Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền. Trong đó, biển Đông là khu vực lân cận tỉnh Hải Nam nên sẽ bị ảnh hưởng bởi hành động trên khi Bắc Kinh thông qua. Nếu như thế, Bắc Kinh rõ ràng đang hành động bất chấp luật pháp quốc tế. Như tờ The Washington Times đăng bài bình luận ngày 4.12 thì những hành vi gây hấn gần đây của Trung Quốc trên biển Đông là: “rõ ràng không thể chấp nhận được”.
Tàu Ngư chính 204 thuộc lực lượng tàu công vụ biển Trung Quốc – Ảnh: China.org.cn |
Nhận định với Thanh Niên về đề xuất trên của tỉnh Hải Nam, TS James Holmes (Trường Chiến tranh Hải quân Mỹ) cho rằng: “Trung Quốc đang tạo ra một tiền lệ nguy hiểm”. Ông nói thêm: “Giới lãnh đạo Trung Quốc cố thiết lập một nguyên tắc “thù địch” với quyền tự do hàng hải”. Rõ ràng, Bắc Kinh đang đưa ra những nguyên tắc mập mờ làm bình phong cho dụng ý đơn phương kiểm soát biển Đông, bất chấp luật pháp quốc tế. Ông Christian Le Miere, chuyên gia về hải quân và an ninh biển tại Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) ở Anh, nhận định với Thanh Niên: “Tuyên bố mới nhất của Trung Quốc về việc tuần tra, dừng và kiểm tra tàu bè là nối tiếp chính sách nhằm nỗ lực để thực thi chủ quyền bằng cách sử dụng các tàu bán vũ trang. Cách này giúp Bắc Kinh kiểm soát khu vực biển dù không dùng đến lực lượng vũ trang”.
Tương tự, chuyên gia Swee Lean Collin Koh, thuộc Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam (RSIS) ở Singapore, phát biểu với Thanh Niên: “Quan chức tỉnh Hải Nam đề cập rằng tàu nước ngoài sẽ chịu cơ chế kiểm soát hàng hải mới (của Trung Quốc – NV) nếu hoạt động trái phép trong phạm vi 12 hải lý xung quanh các đảo mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền tại biển Đông. Dựa theo tuyên bố này, giờ đây gần như chắc chắn rằng các lực lượng công vụ sẽ không chỉ hoạt động xung quanh tỉnh Hải Nam mà thậm chí là ở quần đảo Trường Sa”. Ông nói thêm: “Động thái này là nguy hiểm vì quan chức (Trung Quốc – NV) dường như ngụ ý rằng những cơ quan hàng hải Trung Quốc sẽ dùng đến các hành động quyền tài phán mở rộng ở khu vực biển Đông được tuyên bố chủ quyền bởi một số thành viên ASEAN. Nguy cơ xung đột quân sự, giữa lực lượng công vụ hàng hải Trung Quốc với các bên tuyên bố chủ quyền trên biển Đông, sẽ tăng lên”.
Vì thế, theo giới chuyên gia quốc tế, các nước liên quan cũng như khối ASEAN và một số quốc gia có quyền lợi chính đáng tại biển Đông cần hợp tác cùng nhau. Nhận định với Thanh Niên, TS Holmes cho rằng: “Đây là vấn đề khó. ASEAN cần thống nhất để ứng phó trước sức ép từ Trung Quốc”. Tương tự, chuyên gia Bonnie Glaser, thuộc Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) tại Mỹ, phát biểu với Thanh Niên như sau: “Việt Nam, Philippines, Brunei, Malaysia và Indonesia nên làm việc cùng nhau về vấn đề này”. Trong khi đó, ông Miere cho rằng: “Việt Nam có thể đệ trình lên tòa án quốc tế để giải quyết vấn đề trên”.
Ấn Độ tiếp tục lo ngại
Hoàn Cầu thời báo ngày 5.12 dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi tuyên bố: “Trung Quốc phản đối bất kỳ hoạt động thăm dò dầu khí đơn phương nào trong khu vực tranh chấp ở Nam Hải (ý chỉ biển Đông – NV). Chúng tôi hy vọng các nước liên quan tôn trọng chủ quyền và lợi ích quốc gia của Trung Quốc, cũng như nỗ lực của các nước trong khu vực nhằm giải quyết các tranh chấp thông qua đàm phán song phương”. Theo Hoàn Cầu thời báo, tuyên bố này nhằm đáp trả phát ngôn ngày 3.12 của Tư lệnh hải quân Ấn Độ D.K.Joshi. Theo đó, hải quân Ấn Độ đang tập luyện để sẵn sàng hoạt động ở biển Đông nhằm bảo vệ tài sản và quyền lợi quốc gia tại đây.
Trên thực tế, chính các hành động ngang ngược của Trung Quốc trên biển Đông, trong đó liên tục vi phạm chủ quyền Việt Nam, thời gian gần đây đã khiến nhiều nước, kể cả các bên không liên quan trực tiếp vào tranh chấp, phải lo ngại. Tuyên bố của phía Ấn Độ cũng là nhằm phản ứng quy định tự cho mình quyền khám xét, bắt bớ tàu phi lý của chính quyền tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) đưa ra ngày 27.11.
Các chuyên gia quốc tế khẳng định với Thanh Niên rằng ngoài việc hợp tác thăm dò, khai thác hợp pháp dầu khí trên biển Đông, Ấn Độ có mối lo hoàn toàn chính đáng về tự do hàng hải trong khu vực. TS Mohan Malik (Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á – Thái Bình Dương, Mỹ) nói: “Ấn Độ Dương có vai trò quan trọng về an ninh thương mại và kinh tế đối với Trung Quốc như thế nào thì biển Đông cũng có ý nghĩa như thế ấy đối với Ấn Độ. Tuy nhiên, Bắc Kinh cần nhớ là tuy mang tên Ấn Độ Dương nhưng New Delhi chưa bao giờ coi vùng biển đó là của riêng mình và do vậy, không có lý do gì với cái tên (tự cho là) Nam Hải, Trung Quốc lại có thể độc chiếm biển Đông”. Giờ đây, với sự hiện diện hải quân của cả Mỹ và Ấn Độ tại khu vực, ông Malik nhận định: “Với những đối trọng như thế, Trung Quốc nên hành xử đúng mực hơn thay vì tự cô lập bằng những điều luật trái với thông lệ quốc tế và tuyên bố chủ quyền hàm hồ”.
Cũng vì thế, theo hãng tin IANS, đảng Bharatiya Janata (BJP) của Ấn Độ vừa yêu cầu Thủ tướng Manmohan Singh có tuyên bố chính thức tại quốc hội về tình hình biển Đông.
BJP, đảng đối lập lớn nhất tại Ấn, muốn làm rõ thái độ hung hăng của Trung Quốc ở biển Đông ảnh hưởng thế nào đến lợi ích của Ấn Độ và yêu cầu đưa vấn đề này ra với giới lãnh đạo Bắc Kinh. IANS dẫn lời phát ngôn viên BJP là Tarun Vijay nói căng thẳng leo thang ở biển Đông có thể gây tổn hại đến lợi ích của Ấn Độ trong khu vực.
Phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam
Ngày 5.12, Hội Nghề cá Việt Nam có văn bản phản đối Trung Quốc vi phạm chủ quyền biển đảo, phá hoại cáp tàu Bình Minh 02 của Việt Nam vào ngày 30.11. Đây là lần thứ hai, tàu Trung Quốc có hành động phá hoại tài sản của tàu Bình Minh 02 khi đang hoạt động thăm dò địa chấn thuộc vùng biển chủ quyền của Việt Nam. Ngoài ra, trong thời gian qua, phía Trung Quốc đã có nhiều hành động xâm phạm biển Đông với chủ ý tính toán lâu dài như: ra lệnh cấm đánh bắt hải sản ở khu vực biển Đông, huy động tàu cá khai thác trên các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, thành lập (cái gọi là) TP.Tam Sa, in hình lưỡi bò lên hộ chiếu ngoại giao, thông qua Điều lệ quản lý trị an biên phòng trên biển của tỉnh Hải Nam…
Hội Nghề cá Việt Nam kịch liệt phản đối hành động phi pháp, phá hoại tài sản, xâm phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam. Hội Nghề cá Việt Nam đề nghị Bộ Ngoại giao và các cơ quan chức năng cần sớm có biện pháp hữu hiệu, cứng rắn, phản đối việc làm phi pháp trên của Trung Quốc, yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt ngay hành động phi pháp nêu trên.
Theo TNO
Bình luận (0)