Trung Quốc đang đẩy mạnh kế hoạch đưa con người hiện diện lâu dài trên mặt trăng, trong động thái nhằm vượt lên trong cuộc đua không gian với Mỹ.
Cục Vũ trụ quốc gia Trung Quốc (CNSA) gần đây công bố loạt dự án nhằm khám phá và xây dựng một căn cứ cho người trên mặt trăng.
Kế hoạch tham vọng
Trong tuyên bố nhân Ngày vũ trụ của Trung Quốc mới đây, Phó cục trưởng CNSA Ngô Diễm Hoa cho biết Trung Quốc sẽ bắt đầu giai đoạn 4 của chương trình khám phá mặt trăng trong năm nay, trong đó gồm nhiều phần khác nhau, theo Đài CGTN.
Chương trình mặt trăng của Trung Quốc được chia làm 3 giai đoạn gồm: bay quanh mặt trăng, hạ cánh xuống mặt trăng và quay về từ mặt trăng. Trong giai đoạn 4, có thể được coi là giai đoạn ở lại mặt trăng, mục tiêu chính là khám phá khoa học tại cực nam của mặt trăng, nơi được cho là có dấu vết của băng nước, nhằm tạo điều kiện xây dựng một căn cứ thường trực cho con người ở lại lâu hơn.
Tàu thăm dò Hằng Nga 4 của Trung Quốc trên mặt trăng. CNSA
Giai đoạn 4 sẽ được chia làm 3 phần gồm: nghiên cứu và xây dựng cơ sở cần thiết trong 10 năm, xây dựng trạm khoa học và sau cùng là vận hành. Để thực hiện dự án này, Trung Quốc dự kiến kêu gọi sự hợp tác từ nhiều quốc gia, tổ chức và lĩnh vực tư nhân. Một khi hoàn tất, căn cứ này sẽ là nơi hoạt động của các nhà khoa học từ khắp các nước trên trái đất.
Trong phần đầu của dự án mới, Trung Quốc sẽ phóng 3 tàu thăm dò Hằng Nga 6, 7 và 8 trước năm 2030 với nhiệm vụ lần lượt là thu thập mẫu vật ở vùng xa của mặt trăng, tìm kiếm dấu vết của nước cùng các tài nguyên khác, thử nghiệm sử dụng tài nguyên tại chỗ, thử nghiệm công nghệ in 3D.
Cuối năm 2020, Trung Quốc trở thành nước thứ ba trên thế giới đưa được mẫu vật từ mặt trăng về trái đất sau sứ mệnh của tàu thăm dò Hằng Nga 5.
Cuộc đua quyết liệt
Bộ phận của tàu Hằng Nga 5 đưa mẫu vật mặt trăng về trái đất cuối năm 2020. REUTERS
Cùng tháng, Tân Hoa xã đăng tải sách trắng chương trình không gian của CNSA cho thấy nước này có kế hoạch đưa con người đặt chân lên mặt trăng trong vòng 5 năm tới. Một số ý kiến cho rằng thời hạn này có vẻ hơi sớm nhưng kỹ sư Diệp Bồi Kiến, kiến trúc sư trưởng chương trình khám phá mặt trăng Trung Quốc, nhận định sứ mệnh đưa người lên mặt trăng hoàn toàn có thể thực hiện trước năm 2030.
Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đặt mục tiêu đưa phi hành gia quay lại cung trăng vào năm 2024 theo chương trình Artemis nhưng Cơ quan Hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA) cuối năm ngoái thông báo kế hoạch đã bị hoãn lại sang năm 2025 hoặc muộn hơn do trì hoãn trong nhiều khâu và lo ngại sẽ chậm chân hơn Trung Quốc.
Trong khi đó, Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga (Roscosmos) cũng từng công khai kế hoạch đưa phi hành gia lên mặt trăng vào năm 2030 và xây dựng căn cứ lâu dài trên mặt trăng nhằm triển khai các dự án nghiên cứu cũng như làm cơ sở khám phá hành tinh xung quanh. Giới quan sát cho rằng tham vọng không gian của các nước trên bị ảnh hưởng bởi các yếu tố chính trị, kinh tế, quân sự, có thể khiến mặt trăng trở thành điểm bùng phát xung đột mới, theo Asia Times.
Hồi năm 2011, Mỹ thông qua luật cấm NASA hợp tác với Trung Quốc nếu không được quốc hội phê chuẩn đặc biệt, do đó, Trung Quốc bị loại khỏi chương trình Artemis. Nga cũng từ chối tham gia vì cho rằng chương trình quá tập trung vào Mỹ. Mặt khác, Moscow cũng quyết định rút khỏi Trạm không gian quốc tế vì những lệnh cấm vận liên quan chiến sự Ukraine.
Trung Quốc tính lập hệ thống phòng thủ không gian Phó cục trưởng CNSA Ngô Diễm Hoa cho biết Trung Quốc có kế hoạch xây dựng hệ thống phòng thủ chống tiểu hành tinh gần trái đất. Hệ thống gồm các thiết bị trên bộ và trên không, có nhiệm vụ phát hiện, theo dõi và tác động vật lý nhằm đưa tiểu hành tinh bay chệch khỏi trái đất. Theo kế hoạch, CNSA sẽ thử nghiệm hệ thống này vào năm 2025 – 2026. |
Theo Vi Trân/TNO
Bình luận (0)