Hội nhậpThế giới 24h

Trung Quốc thành công cấy ghép thận heo cho người

Tạp Chí Giáo Dục

Các bác sĩ Trung Quốc đã cấy ghép thành công nội tạng của heo được chỉnh sửa gen vào một bệnh nhân chết não.

Ca phẫu thuật mới nhất là ca phẫu thuật đầu tiên thuộc loại này ở Trung Quốc, và tiếp nối các ca cấy ghép trước đó ở Mỹ, theo South China Morning Post ngày 10.4.

Ông Tần Vi Quân, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y khoa Không quân Tây Kinh (Trung Quốc) hôm 8.4 nói với nhật báo Khoa học và Công nghệ: "Tính đến ngày 7.4, quả thận được ghép vào người chết não, đã hoạt động liên tục trong 13 ngày. Nó hoạt động tốt trong cơ thể người nhận và sản xuất nước tiểu bình thường".

Nội tạng heo được sử dụng để cấy ghép cho người. REUTERS

Ca ghép thận được tiến hành vào ngày 25.3, là một bước đột phá nổi bật trong lĩnh vực ghép tạng dị loài của bệnh viện Tây Kinh, chỉ sau vài tuần khi bệnh viện này thực hiện ca ghép gan lợn cho người lần đầu tiên trên thế giới. Trong cả hai trường hợp, gia đình bệnh nhân đều đồng ý thực hiện quy trình này để giúp thúc đẩy tiến bộ của khoa học y tế.

Ghép thận là lựa chọn chữa trị cho bệnh thận giai đoạn cuối. Mặc dù hơn một triệu bệnh nhân ở Trung Quốc mắc phải căn bệnh này nhưng chỉ có 10.000 ca cấy ghép được thực hiện mỗi năm, khoa Tiết niệu của bệnh viện Tây Kinh cho biết trong một bài đăng trên nền tảng WeChat vào tuần trước.

Heo được sử dụng cho các hoạt động này vì chúng có hệ trao đổi chất và kích thước cơ quan tương tự như con người. Trong khi khỉ là loài giống con người nhất, nhưng trước đó Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ đã cấm sử dụng nội tạng của chúng vì nguy cơ lây lan dịch bệnh cao hơn.

Ông Đỗ Khắc Phong – một trong những người đứng đầu nhóm cấy ghép, cho biết nghiên cứu về cấy ghép nội tạng xenogen – cấy ghép một cơ quan hoặc mô từ loài này sang loài khác, đã bước vào thời kỳ tăng tốc.

Bệnh viện Tây Kinh cho biết trong quá trình cấy ghép, động mạch thận heo được nối với động mạch chậu ngoài (cung cấp máu cho các cơ quan đùi và chân) của bệnh nhân. Sau đó, máu lưu thông trở lại và thận bắt đầu sản xuất nước tiểu, trong khi thận của chính bệnh nhân sẽ bị cắt bỏ.

Một trong những mối quan ngại lớn về mặt đạo đức đối với việc cấy ghép từ động vật sang người (xeno transplantation) là nguy cơ đào thải cấp tính và lây truyền các bệnh truyền nhiễm giữa động vật hiến tạng và con người. Để giảm nguy cơ đó, các nhà khoa học đã sử dụng công nghệ chỉnh sửa gen CRISPR/Cas9 để thêm 2 gen người vào heo và loại bỏ 3 gen heo có thể gây thải ghép cấp tính, bệnh viện Tây Kinh cho biết.

Tuy nhiên, loại thải ghép cấp tính này thường gặp trong các ca ghép thận ở người và báo cáo cho biết bệnh nhân đã được điều trị thành công bằng thuốc steroid và một loại thuốc khác có chức năng giảm bạch cầu. Các bác sĩ Trung Quốc hiện theo dõi bệnh nhân ghép thận để tìm dấu hiệu đào thải hoặc nhiễm trùng, bệnh viện Tây Kinh cho biết.

Ảnh minh họa các bác sĩ tiến hành phẫu thuật. REUTERS

Ông Tần cho biết công việc của nhóm bác sĩ có thể mở đường cho các ca cấy ghép trong tương lai nhằm cứu sống hàng triệu người đang chờ được phẫu thuật. Những ca cấy ghép như vậy có thể cung cấp "một giải pháp rất giàu trí tưởng tượng" cho tình trạng thiếu nội tạng cấy ghép ngày nay, ít nhất có thể "câu giờ" cho những bệnh nhân đang chờ nội tạng người.

Vào tháng trước, nhóm bác sĩ ở bệnh viện Tây Kinh gây tiếng vang lớn cho ngành y học thế giới khi thực hiện thành công ca ghép gan lớn vào người. Gan người phức tạp hơn cả thận cả về chức năng và cấu trúc, đồng nghĩa với việc chúng không thể hoạt động hoàn toàn bình thường kể cả được thay thế bằng nội tạng lợn.

Cũng vào tháng trước, một nhóm nghiên cứu từ Bệnh viện Đa khoa Massachusetts (Mỹ) đánh dấu bước ngoặt lịch sử với ca ghép thận heo được chỉnh sửa gen đầu tiên cho một bệnh nhân mắc bệnh thận giai đoạn cuối. Theo trang web y tế STAT của Mỹ, bệnh nhân 62 tuổi đã phải trải qua giai đoạn thải ghép cấp tính 8 ngày sau ca phẫu thuật.

Theo Trí Đỗ/ TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)