Hội nhậpThế giới 24h

Trung Quốc: Thành tựu đáng nể trong 10 năm phát triển Thời đại mới

Tạp Chí Giáo Dục

Trung Quốc đạt được hàng loạt thành tựu đáng nể về khoa học công nghệ, cải cách và phát triển trong giai đoạn từ 2012 đến nay – giai đoạn được coi là "thời đại mới" ở Trung Quốc.
Hội nghị Internet công nghiệp 5G+ của Trung Quốc năm 2021.
Từ xe thám hiểm tự hành Yutu-2 (Thỏ Ngọc 2) rong ruổi trên mặt tối của Mặt trăng đến tàu lặn Fendouzhe khám phá đại dương sâu 10.000 mét; từ giống lúa chịu mặn đang phát triển ở bãi triều gần biển cho đến thiết bị không người lái của Trung Quốc được dẫn đường bởi hệ thống vệ tinh định vị Bắc Đẩu giúp nông dân châu Phi tăng năng suất cây trồng… câu chuyện về đổi mới khoa học công nghệ của Trung Quốc tiếp tục mở ra.
Theo Tân Hoa Xã, hơn 10 năm thực hiện chiến lược phát triển dựa trên đổi mới, Trung Quốc đã tăng thứ hạng trong Chỉ số đổi mới toàn cầu, từ vị trí thứ 34 năm 2012 lên vị trí thứ 11 vào năm ngoái, với tốc độ tăng trưởng GDP trung bình hàng năm là 6,6% từ năm 2013 đến năm 2021, đóng góp hơn 30% cho tăng trưởng kinh tế thế giới.
Phát triển dựa trên đổi mới
Daren Tang, tổng giám đốc Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới cho biết, nỗ lực đổi mới của Trung Quốc để tăng trưởng đang được đền đáp. Tiến bộ lịch sử của Trung Quốc trong việc xây dựng một quốc gia đổi mới chứng minh cho nhận định khoa học và công nghệ là lực lượng sản xuất chính, nhân tài là nguồn lực chính và đổi mới là động lực chính của tăng trưởng.
Chiến lược phát triển dựa trên đổi mới – được đưa ra tại Đại hội toàn quốc lần thứ 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc – đã đưa Trung Quốc gia nhập hàng ngũ các nhà đổi mới của thế giới, với thành công trên nhiều mặt trong thập kỷ qua.
Nước này đã mở rộng chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển (R&D) từ 1 nghìn tỉ nhân dân tệ (khoảng 145 tỉ USD) lên 3,09 nghìn tỉ nhân dân tệ (khoảng 445 tỉ USD) trong thập kỷ qua, cao thứ hai trên thế giới.
Bên cạnh đó, Trung Quốc luôn nhấn mạnh sự phát triển dựa trên tiến bộ của khoa học và công nghệ và chiến lược phát triển lực lượng lao động tập trung vào việc bồi dưỡng nhân tài chất lượng cao. Giờ đây, Trung Quốc đã trở thành quê hương của đội ngũ nhân sự R&D lớn nhất trên toàn cầu.
Ngoài việc kêu gọi tiến nhanh hơn tới sự tự chủ về khoa học và công nghệ, Chủ tịch Tập Cận Bình vào cuối tháng 1 đã cam kết nỗ lực nhiều hơn để đảm bảo phân bổ tốt hơn các nguồn lực liên quan đến đổi mới, nhằm đưa đất nước trở thành quốc gia dẫn đầu toàn cầu trong các lĩnh vực khoa học công nghệ lớn và đi tiên phong trong lĩnh vực liên ngành tiên tiến, đồng thời đảm bảo rằng Trung Quốc sẽ trở thành một trung tâm khoa học và đổi mới lớn của thế giới trong thời gian sớm nhất.
Hướng ra thế giới
Ý nghĩa của sự phát triển theo định hướng đổi mới của Trung Quốc vượt ra ngoài biên giới nước này.
Tự hào với mạng lưới đường sắt cao tốc dài nhất và được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới, Trung Quốc đã giúp nhiều quốc gia xây dựng và nâng cấp hệ thống giao thông đường sắt của họ bằng công nghệ đường sắt tiên tiến.
Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới phụ trách Nam Á Martin Raiser cho biết công nghệ đường sắt của Trung Quốc sẽ giúp phát triển đô thị, du lịch và tăng trưởng kinh tế khu vực.
Đường sắt Trung Quốc – Lào kể từ khi đi vào hoạt động vào tháng 12.2021 đã giúp nước Lào không giáp biển trở thành một trung tâm kết nối đất liền ở Đông Nam Á. Đoạn đường sắt ở Lào đã tạo ra hơn 110.000 việc làm tại địa phương.
Tàu cao tốc Phục Hưng (Fuxing) chạy trên đường sắt Trung Quốc – Lào, ngày 27.1.2023.
Thông qua các cơ chế đa phương như Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), những thành tựu khoa học công nghệ của Trung Quốc đã mang lại những lựa chọn mới trong lĩnh vực 5G, y sinh học và nhiều lĩnh vực khác, đồng thời tạo động lực tăng trưởng.
Gu Qingyang, học giả tại Đại học Quốc gia Singapore, cho biết việc áp dụng rộng rãi các thành tựu khoa học công nghệ của Trung Quốc không chỉ giúp nâng cấp công nghiệp trong nước mà còn tạo động lực cho các khu vực lân cận.
Tại Hội nghị thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2023 vào đầu năm nay, Saadia Zahidi, giám đốc điều hành của diễn đàn, cho biết, "khi nói đến công nghệ và đổi mới, phần lớn những gì đang được phát triển ở Trung Quốc sẽ thay đổi thế giới".
Với quy mô nền kinh tế của mình, Trung Quốc sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng trên toàn thế giới và tạo ra sự lạc quan trong trung và dài hạn – Zahidi nói.
Quản trị khoa học công nghệ toàn cầu
Vào cuối tháng 2, Chủ tịch Tập Cận Bình nhắc lại lời kêu gọi thúc đẩy sự cởi mở, tin cậy và hợp tác của cộng đồng khoa học và công nghệ quốc tế, và có những đóng góp mới quan trọng hơn cho sự tiến bộ của nền văn minh nhân loại.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã áp dụng nhiều công cụ chính sách khác nhau để thúc đẩy hợp tác khoa học công nghệ toàn cầu, mở ra cơ sở hạ tầng khoa học quy mô lớn, cùng nhau thiết lập các nền tảng R&D và mở rộng phạm vi, lĩnh vực và quy mô của đổi mới mở.
Chẳng hạn, Trung Quốc chủ trương mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực vũ trụ. Phi hành gia người Romania Dumitru Prunariu cho biết Trung Quốc "thực sự đã mời tất cả các nước thực hiện các thí nghiệm khoa học" trên trạm vũ trụ Thiên Cung. Ngoài ra, nước này cũng hoan nghênh sự hợp tác rộng rãi hơn trong lĩnh vực thám hiểm không gian sâu.
Trung Quốc đã tham gia hợp tác khoa học công nghệ với hơn 160 quốc gia và khu vực, tham gia vào các dự án khoa học toàn cầu như chương trình Lò phản ứng thí nghiệm nhiệt hạch quốc tế (ITER) – một trong những dự án năng lượng tham vọng nhất trên thế giới và dự án kính thiên văn SKA liên chính phủ lớn nhất thế giới.
“Mặt trời nhân tạo” của Trung Quốc.
Trong khi đó, quá trình chuyển đổi nhanh chóng của đất nước từ "Made in China" (Sản xuất tại Trung Quốc) sang "Created in China" (Được tạo ra tại Trung Quốc) là hình mẫu cho thế giới đang phát triển tìm ra con đường phát triển phù hợp với điều kiện của mình.
Ông Mohamed Abdel-Fattah Moustafa, người đứng đầu Liên minh Giáo dục và Nghiên cứu Khoa học Arab, cho biết kinh nghiệm của Trung Quốc trong giáo dục, nghiên cứu khoa học và công nghệ đang "truyền cảm hứng" cho các nước Arab.
"Sự hợp tác của Trung Quốc với các nước đang phát triển trong giáo dục, nghiên cứu khoa học và nội địa hóa công nghệ sẽ giúp tạo ra một cộng đồng quốc tế mới dựa trên hợp tác, trao đổi lợi ích và cùng có lợi" – ông Abdel-Fattah Moustafa nói.
PV (theo laodong)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)