Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Trung Quốc: Thi vào đại học trước sau 30 năm

Tạp Chí Giáo Dục

Thi vào Đại học (CEE) của Trung Quốc (TQ) hồi năm 1977 và 1978 đã làm thay đổi số phận của một số người TQ.30 năm sau, nhiều người trong số họ nôn nóng chờ đợi bên ngoài phòng thi và cầu mong may mắn đến với đứa con duy nhất của họ.

Vào ngày 7-7-1978, một công nhân họ Đường làm trong xưởng mì bước vào phòng thi CEE. Ông đã không đến lớp 8 năm.

Hiện làm cho một tổ chức truyền thông đại chúng, Đường kể lại kinh nghiệm 30 năm về trước: “Tôi còn nhớ mình tập trung làm bài đến nỗi quên cả bản thân”.

Tuy nhiên, con trai Đường cảm thấy khó chia sẻ niềm kích động như cha mình. Vào ngày thứ bảy 7-6-2008, khi chàng trai 18 tuổi này bước vào căn phòng thi sạch sẽ, một mặt mong thời gian qua nhanh, mặt khác lại muốn cuộc thi đừng vội bắt đầu.

Chàng trai là một trong số kỷ lục 10,5 triệu người dân TQ trẻ tham dự CEE trên toàn quốc – số người dự thi đông nhất thế giới.

Bộ Giáo dục nói 5,99 triệu trong số 10,5 triệu người dự thi sẽ được vào các trường đại học, một tỉ lệ cao hơn nhiều so với thời của Đường cha.

Dĩ nhiên, những thí sinh trong thời đại hiện nay không hy vọng nhiều. Một số chỉ muốn “Ngồi trong phòng thi một lát để cảm thấy đời học sinh đã qua đi”.

Năm 1978, sau ba tháng chuẩn bị ngắn ngủi, Đường nộp tấm bằng sơ cấp để dự thi, với kinh nghiệm tự học và động viên từ gia đình và bạn bè là chính.

“Tôi không thể nhớ rõ mình đã về nhà ra sao sau khi được đại học báo tin nhận học. Cả đêm ấy tôi không thể ngủ”, Đường kể tiếp ông được vào học Phân khoa Văn chương TQ của Trường Đại học Tứ Xuyên nổi tiếng.

Ji Yunxiang không được may như vậy. Năm 1977 ông dự thi, cuộc thi đầu tiên sau Cách mạng Văn hóa kéo dài hàng thập niên và chấm dứt năm 1976, nhằm “thoát khỏi vùng quê”. Tuy vậy, ông rớt.

Là một “thanh niên có học,” Ji và bạn cùng lớp phải về vùng quê “để sống và lao động cùng nông dân” sau khi tốt nghiệp trung học, nhằm thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Mao Trạch Đông “Giới trẻ đô thị cần học hỏi nhiều hơn từ nông dân”. 

Rốt cuộc, ông theo học trường dạy nghề và có tấm bằng kỹ sư cơ khí. Nhờ vậy ông làm kỹ sư trong Văn phòng Đường sắt Tây An.

Ngồi bên ngoài phòng thi hàng giờ để chờ con gái, Ji nói các điều kiện bây giờ tốt hơn nhiều cho việc học tập so với hồi ông lao động ở vùng quê.

Mặc dù các điều kiện học tập tốt hơn nhiều và tỉ lệ thi đậu cũng cao hơn, từ chỉ một chữ số cách nay 30 năm nay lên đến hơn 50%, áp lực học lại lớn hơn bao giờ hết.

Với học sinh tại những vùng nông thôn nghèo khổ, cuộc thi gay go có thể là cơ hội duy nhất giúp họ thoát khỏi đời sống khó khăn nơi thôn dã.

Một thăm dò do Bộ Giáo dục và Nhật báo Tuổi trẻ TQ tiến hành cho thấy 89,6% những người được hỏi nói số phận của họ được thay đổi qua kỳ thi. Trong số những người nói số phận họ “thay đổi toàn diện”, 69,1% đến từ vùng nông thôn và chỉ có 30,9% từ thành thị. Các thí sinh đến dự thi CEE

Trong khi đó, xã hội TQ quá nhấn mạnh vào bằng đại học. Người ta tin rằng chắc chắn không thể kiếm được một việc làm kha khá nếu không có bằng đại học, và việc làm sẽ tệ hơn với bằng cao đẳng.

Ji nói CEE có thể thay đổi số phận của dân tộc cách nay 30 năm và cuộc thi nay có thể quyết định tương lai của bọn trẻ, đặc biệt học sinh trong vùng nông thôn.

Ông nói: “Bất kể thời đại nào, học đều có thể ảnh hưởng đến phát triển và chất lượng cuộc sống”, thêm ưu tiên cho học là chăm sóc điều kiện vật chất cho con trẻ. Nhưng để bỏ bớt sức ép tâm lý, Ji không biết nên đề nghị điều gì.

Cuộc thi khác

Qui định thi nay tỉ mỉ, chặt chẽ và theo tiêu chuẩn.

Một nhà giáo dục họ Trương thuộc trường trung học chi nhánh của Đại học Thanh Hoa nổi tiếng ở Bắc Kinh nói có 30 bàn ghế tại mỗi phòng thi. Các giám thị phải đứng tại mỗi đầu phòng và phải trả lời lớn những câu hỏi của thí sinh. Họ cũng phải đi theo thí sinh nào vô phòng vệ sinh.

Trương nhớ lại bản thân ông ngồi ở hàng đầu khi dự kỳ thi 30 năm về trước. Bàn ghế đều cũ sì và một giám thị bất cẩn ngồi ngay cạnh ông. Ông kể: “Một học sinh thậm chí vô tình cầm giấy thi ra khỏi phòng do quá bồn chồn”.

Sau khoảng một thập niên bế tắc, giáo viên yêu cầu học sinh làm bài thi CEE giống như trước Cách mạng Văn hóa (1966-1976). Họ chuẩn bị mọi việc sao cho phù hợp với tình hình chính trị khi ấy.

Trương kể mọi chuẩn bị tài liệu cho cuộc thi của họ đều trở nên hoàn toàn vô ích sau khi họ vào đại học năm 1978 do đất nước bắt đầu cải cách và mở cửa; chính sách trung tâm của TQ thay đổi lớn và khuyến khích mọi người giải phóng tâm hồn của mình. 

Ông nghe theo đề nghị của phụ thân và chọn học ngành hóa. Ông phát hiện mình thích môn lý hơn sau khi bắt đầu đại học.

Con trai Trương có ý riêng của mình. Anh chọn học tiếng Hàn Quốc, chủ yếu do anh thích văn hóa nước này. Người cha hãnh diện tôn trọng lựa chọn của con trai, mà theo ông: “Xã hội hiện nay cần nhiều tài năng khác nhau. Những môn chính như kỹ thuật thông tin, luật, kinh tế và ngoại ngữ là thông dụng nhất do phát triển kinh tế và xã hội đất nước cần đến chúng”.

Con gái của Lưu Phương, một giáo viên toán tỉnh Hà Bắc, chọn bác sĩ thú y trong năm học đầu hồi 2005, trái với mơ ước của cha. Ông Lưu kể: “Tôi hy vọng con gái tôi sẽ theo học một môn gì khác, nhưng tôi biết nó yêu súc vật nên đành tôn trọng chọn lựa của nó”.

Ông cũng nhớ lại 30 năm trước khi dự kỳ thi vào đại học khi 17 tuổi, các thí sinh bạn bè và ngay cả ông đều dùng tay trái lau mồ hôi trên trán và tay phải để cầm viết. “Nay, máy điều hòa, các dịch vụ y tế và cảnh sát giao thông đều phục vụ thí sinh. Chúng tôi thậm chí không thể tưởng tượng nổi điều này vào khi ấy”, ông nói.

Bắt đầu

Đoàn Gia Phối, một giáo viên tiếng Anh thuộc Trường Shiyi Bắc Kinh, nói trong những năm gần đây xã hội không còn coi thi cử là kênh duy nhất để phát triển tương lai một đứa trẻ nữa.

Với ngày càng có nhiều gia đình có thể cho con du học, số đông học sinh chọn học ở nước ngoài sau khi tốt nghiệp trung học.

Trong khi ấy, khi các trường đại học của TQ đăng ký thí sinh, ngày càng có nhiều đăng ký đặc biệt những em tốt nghiệp trung học giỏi đặc biệt một số môn như văn, toán hoặc thể thao.

Mặc dù CEE vẫn là cách lựa chọn chính cho mỗi cá nhân học lên cao hơn sau 30 năm phát triển, xã hội đang từng bước điều chỉnh tiêu chuẩn cuộc thi này.

Trương thuộc Trường Thanh Hoa nói: “CEE cần cải cách, nhưng phải từng bước. Không có vị thuốc chữa bách bệnh nào cả”, thêm trong lúc tranh luận về kỳ thi vẫn tiếp tục, nhiều người tin chỉ có mở cửa, công bằng là cách đúng đắn để chọn tài năng.

Đoàn cho rằng cuộc thi sẽ công bằng hơn nếu mỗi tờ giấy thi đều được đánh dấu và được nhóm giáo viên xem lại trong một hệ thống ghi tên trên mạng để bảo đảm đúng đối tượng trong tờ giấy đã được đánh dấu. 

Còn Ji nói với con gái: “Sau cuộc thi, sẽ là một bắt đầu mới”.

quang hùng tc "quang huøng"(theo Tân Hoa Xã)

 

Bình luận (0)