Một buổi học ngoại khóa của các bé Trung Quốc (ảnh minh họa). Ảnh: I.T
|
Người lao động nhập cư ở nông thôn lên thành phố không biết gửi con ở đâu để đi làm, đành phải tự tổ chức những trường mẫu giáo “chui” (không được chính quyền công nhận). Đây là một tình trạng đang phổ biến ở Trung Quốc được báo chí luôn đề cập đến để những người có trách nhiệm trong ngành giáo dục quan tâm giải quyết.
Vừa qua một nhóm phóng viên điều tra ở Trung Quốc đã có bài phóng sự về thực trạng này như sau: Để đến trường mẫu giáo “chui”, A. phải đi qua một cái chợ bán trái cây đầy rác, đường đi ngập nước bẩn, rồi luồn vào những con hẻm ngoằn ngoèo. Trường này nằm ở giáp ranh quận 2 và quận 3 thuộc ngoại thành Bắc Kinh. Người phụ trách là bà Giang, sinh năm 1986 ở tỉnh Hắc Long Giang (Đông Bắc – Trung Quốc). Tốt nghiệp Trường Trung cấp Kỹ thuật, bà bắt đầu làm việc ở ngành giáo dục mẫu giáo. Năm 19 tuổi bà Giang đến Bắc Kinh làm việc. Thấy nhiều trẻ em (con cái người lao động nhập cư) lang thang dọc đường không học hành gì hết nên bà quyết định mở một trường mẫu giáo ở ngay chỗ sinh sống của những người nhập cư có thu nhập thấp. Trường nằm trên một sân vườn mướn của người khác, không được đăng ký chính thức với chính quyền mà người ta thường gọi là trường mẫu giáo “chui”. Mức phí đăng ký nhập học là 100 NDT (khoảng 11,4 Euro) và học phí hàng tháng là 380 NDT (43 Euro), kể cả bữa ăn.
Thời gian đầu trường mới mở chỉ có mươi trẻ đăng ký học, bây giờ đã có đến hàng trăm em. Trước kia còn thâm hụt tài chính, có thể nói là “ăn đong”, bây giờ quỹ đã “dương”. Nhưng bà hiệu trưởng “tự phong” vẫn trung thành với quan điểm nhất quán của mình: “Tôi không xem giáo dục là dịch vụ để làm giàu. Tôi chỉ muốn các em có chỗ ăn học, vì các em không biết đi đâu”.
Rời trường mẫu giáo “chui” A, nhóm phóng viên liền đến trường mẫu giáo “chui” B ở gần đó. Ngay đầu con đường nhỏ – bằng – bàn tay đã thấy có biển màu đỏ “Trường mẫu giáo: 300 NDT/tháng” rất dễ thấy. Bên trái hành lang chính là phòng chơi, có gắn máy điều hòa nhiệt độ, nhưng không có trò chơi gì. Đã 17 giờ mà vẫn còn một số em đang nô đùa. Bên phải là phòng học nhưng không có bảng, mà cũng chẳng có phấn. Nhiều tấm ván dựng trên tường dùng làm bàn học ban ngày, còn ban đêm làm giường ngủ. Nơi này là chỗ các em học, chơi, ngủ và cũng là chỗ ở của bà hiệu trưởng với gia đình. Vì thiếu chỗ nên quần áo của các em phải phơi trên những dây căng từ phòng học ra hành lang. Bà hiệu trưởng cho biết nhiều em cũng phải ngủ tại đây vì cha mẹ đi làm xa theo điều động của công trường, nhà máy nên họ gửi tạm con ở đây. Bà nói: “Con em của người lao động nhập cư từ nông thôn lên là sĩ số chính của trường”. Bà Liêu, một phụ nữ đã làm việc 12 năm nay ở đây cho biết: “Ở đây các em không học gì nhiều, mà thực ra là chỗ để giữ các em. Tôi cũng muốn gửi con ở một nhà trẻ chính quy tốt hơn, nhưng không có đủ tiền, vì tôi chỉ bán trái cây kiếm sống qua ngày, làm sao lo nổi tiền học phí được?”.
Khi chúng tôi hỏi bà “Có lo rằng điều kiện sinh hoạt và ăn uống ở đây có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của con mình không?”. Bà cảm thấy câu hỏi có vẻ “sốc” nên nói: “Những yêu cầu đó không phải dành cho chúng tôi. Có người trông con cho mình là tốt rồi”. Có thể nói, gửi con tại các trường mẫu giáo “chui” là sự lựa chọn của rất nhiều gia đình trong hoàn cảnh “có còn hơn không”.
Nhóm phóng viên cũng phát hiện, học phí của các trường mẫu giáo “chui” tăng lên như… mũi tên, từ 380 NDT lên 550 NDT/tháng. Tăng thì tăng, chẳng có một lời giải thích nào, các bậc phụ huynh cũng không một lời phàn nàn.
Loại trường mẫu giáo “chui” ở Trung Quốc cũng có những thuận lợi cơ bản. Gọi là trường “chui” nhưng thực ra chính quyền và nhân dân địa phương biết rất rõ, và họ cũng “công nhận trên thực tế”, hơn nữa còn cố gắng giúp đỡ khi cần thiết. Hiệu trưởng cũng như các cô giáo luôn có tinh thần trách nhiệm, thương yêu các em, có quan hệ tốt với địa phương. Trong hoàn cảnh thực tế của xã hội, loại trường này có tác dụng tích cực trong việc nuôi dưỡng giáo dục con em người lao động nghèo. Bởi, sau khi sắp xếp chỗ học cho học sinh sinh ra ở Bắc Kinh, Sở Giáo dục mới sắp xếp một số chỗ học còn lại cho con em những người lao động nhập cư. Nhưng muốn “chiếm” được một chỗ hiếm hoi đó, phải cạnh tranh “khốc liệt”, vì người nhu cầu thì nhiều mà số chỗ học lại quá ít. Điều kiện vào học các trường mẫu giáo chính quy cũng rất cao, nhất là về kiến thức.
Phan Thanh Quang
Bình luận (0)