Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Trung Quốc và Hi Lạp “cấm cửa” du khách đến các khu du lịch nổi tiếng

Tạp Chí Giáo Dục

Một thác nước tuyệt mỹ tại Cửu Trại Câu

Ngày 11-3, chính quyền Trung Quốc thông báo thung lũng Cửu Trại Câu vừa bị thêm vào danh sách các vùng thuộc Tây Tạng "cấm cửa" du khách trong thời điểm này. Cùng ngày, quần thể kiến trúc Acropole – điểm tham quan nổi tiếng thế giới tại Hi Lạp – cũng tạm đóng cửa vì biểu tình của nhân viên Bộ Văn hóa.

Hiện thung lũng Cửu Trại Câu, thuộc tỉnh Tứ Xuyên, nổi tiếng với cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, đặc biệt là hồ và thác nước, vẫn còn mở cửa đón du khách nước ngoài tham quan. Nhưng trong một cuộc họp vào đầu tuần, chính quyền tỉnh Tứ Xuyên quyết định sẽ đóng cửa đón khách tại khu vực Cửu Trại Câu trong thời điểm này. Theo một quan chức thuộc cơ quan du lịch tỉnh, lệnh cấm cũng được áp dụng với điểm du lịch Hoàn Long ở lân cận.

Lệnh hạn chế hành trình tham quan của du khách bao gồm du khách đến từ Đài Loan và Hong Kong.

Cùng ngày tại Hi Lạp, chính quyền đã đóng cửa Acropole, khu du lịch điểm ở Athens, do biểu tình của 50 nhân viên làm việc theo mùa. Theo Hãng tin AFP, những người biểu tình đã phong tỏa lối vào Acropole trong vài ngày để phản đối việc Bộ Văn hóa không tái ký hợp đồng với họ và yêu cầu được trả lương.

Trước đó, khi nhận đơn kiện của khoảng 670 nhân viên làm việc theo mùa không được Bộ Văn hóa tái ký hợp đồng và không nhận được lương từ tháng 10-2008, tòa án đã ra lệnh cho Bộ Văn hóa phải duy trì việc làm của các nhân viên trên đến khi có phán quyết của tòa về vụ việc này.

Tháng 12-2008, khu du lịch Aropole bị đóng cửa trong 10 ngày do các nhân viên thuộc Bộ Văn hóa đình công với yêu cầu đòi trả thưởng 150 euro/người. Acropole là tên gọi của những quần thể công trình đền đài, tường thành… xây dựng trên những khu đồi cao, biểu tượng của nền văn minh Hi Lạp cổ có từ thế kỷ thứ 5 trước CN. Đây là một trong những điểm tham quan nổi tiếng nhất thế giới. Quần thể kiến trúc Acropole gồm có đền Parthénon, đền Erechtheion, cổng Propylées, đền Nikê và tượng thần Athèna. 

ĐAN THY (TTO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)