Khoa học - Công nghệPhát minh khoa học

Trung Quốc và sự tồn tại của “mafia online”?

Tạp Chí Giáo Dục

Thuật ngữ “mafia online” đang trở thành đề tài tranh luận của báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng Trung Quốc thời gian gần đây. Đó là một hiện tượng đáng lo ngại hay chỉ là sự thổi phồng quá mức của báo chí?

Mới đây, Đài Truyền hình TW Trung Quốc CCTV đưa tin một số nhóm “mafia online” đã cố lôi kéo dư luận và có thể “ảnh hưởng đến một phán quyết của tòa án” với giá 50.000 nhân dân tệ.

Hiện tượng này bắt đầu khi một số công ty Internet sử dụng web để quảng cáo bản thân và tung ra các chiến dịch bôi xấu nhằm chống lại các đối thủ cạnh tranh. Sau đó, các công ty khác làm theo, thuê các công ty Interent tạo ra các sự kiện truyền thông cho chính mình trên mạng Internet.

Tình hình trở nên tồi tệ khi một công ty quan hệ công chúng Internet tuyên bố họ có thể tạo ra “ý kiến dư luận” chỉ với giá 50.000 nhân dân tệ để gây ảnh hưởng đến phán quyết của tòa án. Những công ty kiểu như vậy và những kẻ bình luận, đăng ý kiến a dua sau họ được gọi là “mafia online”.

Báo chí, công chúng đều thừa nhận có sự tồn tại của những công ty Internet chuyên lôi kéo ý kiến của dư luận thông qua các bài đăng tải trên vô số diễn đàn. Mọi người có thể còn lo ngại liệu họ có đang bị “lạc lối” trước những thông tin họ nhận được trên Internet hay không?

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng gọi những công ty đó là “mafia online” có vẻ hơi cường điệu. Khi các công ty sử dụng quảng cáo trực tuyến để bán sản phẩm thì mục đích của họ không khác so với quảng cáo truyền thống. Khi các công ty sử dụng web để “bôi xấu” các đối thủ, chiến thuật của họ có thể trông giống với mafia tuy nhiên, cạnh tranh không công bằng khác hẳn so với “tội phạm có tổ chức” theo như định nghĩa của pháp luật.

Bản chất quan trọng nhất của Internet là bất kỳ ai cũng có thể nói lên ý kiên của mình trên thế giới ảo. Do tính tin cậy của Internet luôn là một vấn đề lớn cho nên rất khó để các ý kiến trên mạng có thể tạo ra các sự kiện công chúng lớn mà thiếu sự ủng hộ của các phương tiện truyền thông truyền thống.

Tuy nhiên, cư dân mạng không đơn giản như thế. Một vài kinh nghiệm thực tế cho thấy, các quảng cáo online không gây tác động như một số người nghĩ. Tuyên bố lôi kéo sự chú ý của dư luận để gây sức ép ảnh hưởng đến phán quyết tòa án là vấn đề cực kỳ nghiêm trọng. Không ai có thể chứng minh có bất kỳ sự can thiệp nào như thế từng diễn ra. Trái lại, cư dân mạng còn bị tác động bởi các cơ quan pháp luật.

“Mafia online” hiện không phải là một thực tế, nhưng nó là một vấn đề tiềm tàng trong tương lai. Nếu nó thực sự xảy ra thì phải xử lý nó nghiêm khắc theo pháp luật. Tuy nhiên, những mối quan tâm như vậy không nên trở thành một lý do để kiểm soát quá mức mạng Internet. Chúng ta nên tin tưởng vào khả năng sáng suốt của cộng đồng cư dân mạng.

Võ Hiền (Theo Dantri)

Bình luận (0)