Lãnh đạo Trung Quốc đã nhất trí ngăn ngừa một cuộc xung đột quân sự với Nhật Bản nhưng vẫn “lặng thinh” để tiếp tục gây sức ép lên Tokyo
Không chỉ vậy, giới chức Bắc Kinh cũng sẽ ngăn cản bất cứ sự can thiệp nào của Mỹ liên quan đến cuộc tranh chấp liên quan đến quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.
“Không có ý gây chiến”
Nguyên tắc cơ bản trên đã được Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc chính thức thông qua vào cuối năm ngoái bất chấp chuyến thăm gây tranh cãi của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tới đền Yasukuni hôm 26-12-2013. Theo hãng tin Kyodo hôm 19-1, sau khi triệu tập cuộc họp 2 ngày khá hiếm hoi vào cuối tháng 10 với các đại sứ Trung Quốc tại 30 nước láng giềng, 7 thành viên của ủy ban này – do Chủ tịch Tập Cận Bình đứng đầu – đã nhất trí Trung Quốc “không có ý định gây chiến với Nhật Bản”, đồng thời nhận định Tokyo “cũng không có can đảm để gây chiến” với Bắc Kinh.
Đại sứ Nhật tại Mỹ Kenichiro Sasae cho rằng Trung Quốc đang khiến thế giới lo lắng Ảnh: HOUSEOFJAPAN.COM
Mục tiêu của Trung Quốc là xây dựng “xã hội thịnh vượng tương đối” trong tất cả các lĩnh vực tới năm 2020. Do đó, ông Tập nhấn mạnh môi trường hòa bình và ổn định là điều rất cần thiết. Nguyên tắc cơ bản này được cho là đã phổ biến rộng trong hàng ngũ các quan chức cấp cao của chính phủ, Đảng Cộng sản nhưng được giữ bí mật nhằm tiếp tục gây sức ép đối với Nhật Bản. Trong khi đó, Trung Quốc cũng được cho là sẽ tiếp tục ý định làm suy yếu liên minh lâu đời giữa Mỹ và Nhật Bản thông qua những chỉ trích về quan điểm lịch sử của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe.
Cuộc chiến ngôn từ
Trong lúc này, cả Trung Quốc và Nhật Bản đều đang tích cực sử dụng chuyên mục phân tích – bình luận của hàng loạt tờ báo nước ngoài để công kích lẫn nhau vì những động thái gần đây của cả hai bên. Trong lúc Nhật Bản chỉ trích Trung Quốc đơn phương thiết lập vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông thì Bắc Kinh lại nhằm vào chuyến thăm đền Yasukuni gây tranh cãi của ông Abe.
Theo phía Nhật Bản, các quan chức Trung Quốc liên tục viết bài cho báo chí tại gần 40 nước để lên án nước này. Đáp lại, phía Tokyo cũng lên tiếng phản pháo trên truyền thông của khoảng 10 nước và có thể tiếp tục tăng thêm. Trong bài viết trên tờ Washington Post (Mỹ) vào cuối tuần rồi, Đại sứ Nhật Bản tại Mỹ Kenichiro Sasae lên án chiến dịch tuyên truyền chống Nhật của Trung Quốc và cho rằng chính nước này, chứ không phải Nhật, đang khiến thế giới lo lắng.
Nhận định về cuộc chiến ngôn từ này, ông Jim Schoff, thành viên cấp cao của chương trình châu Á thuộc Quỹ Vì hòa bình quốc tế Carnegie – Mỹ, nhận định với hãng tin AP rằng Trung Quốc đang tìm cách lợi dụng chuyến thăm đền nói trên để công kích Nhật Bản. Dù vậy, ông Schoff cho rằng tình thế hiện nay vẫn còn may mắn vì “căng thẳng leo thang trên báo chí dù sao vẫn tốt hơn so với nhiều cách khác”.
Trong nỗ lực xoa dịu căng thẳng trong khu vực, ông Abe ngày 19-1 kêu gọi các đối thoại thượng đỉnh “thẳng thắn” với lãnh đạo Trung Quốc và Hàn Quốc để giải quyết các tranh chấp chủ quyền và lịch sử, vốn làm tổn hại tới các quan hệ giữa các nước láng giềng.
Bắc Kinh đóng tàu sân bay thứ hai
Bắc Kinh đang tiến hành đóng tàu sân bay thứ hai, vốn nằm trong kế hoạch xây dựng 4 tàu sân bay của nước này. Ông Vương Dân – Bí thư Đảng Cộng sản tại thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh – hôm 18-1 cho biết con tàu sẽ được chế tạo tại cảng phía Đông Bắc của Đại Liên và mất ít nhất 6 năm mới hoàn tất.
Ngoài ra, thành phố Đại Liên cũng đang đóng hai tàu khu trục 052D. Theo lời ông Vương, 2 tàu sân bay còn lại đang trong giai đoạn chuẩn bị. Tuy nhiên, hiện Bộ Quốc phòng Trung Quốc chưa bình luận về thông tin này. Việc đóng thêm tàu sân bay cho thấy sự mâu thuẫn trong tuyên bố của Bắc Kinh về sự vũ trang chỉ mang tính tự vệ của nước này. Động thái này cũng gây không ít lo ngại giữa lúc Trung Quốc liên tục có những bước đi làm gia tăng căng thẳng ở biển Đông.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez hôm 18-1 tiếp tục chỉ trích quy định hạn chế đánh cá mới của Trung Quốc ở biển Đông. Theo ông, đây chỉ là một trong những biện pháp đơn phương của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng khu vực và phục vụ mưu đồ thôn tính toàn bộ biển Đông.
Theo NLĐ
Bình luận (0)