Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Trúng rau màu giữa mùa hạn

Tạp Chí Giáo Dục

Trong lúc giá lúa thấp và khó tiêu thụ khiến nhiều hộ kêu than, thêm tình hình hạn mặn diễn biến phức tạp đã gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp ở nhiều nơi. Nhưng cùng lúc này không ít hộ ở huyện Bình Tân, Trà Ôn, thị xã Bình Minh (Vĩnh Long); Lai Vung, Lấp Vò (Đồng Tháp)… lại vui mừng vì trúng rau màu, có thu nhập tiền triệu ngay trong mùa hạn.

Vùng chuyên canh rau màu ở huyện Bình Tân – Vĩnh Long

Trồng màu thu nhập cao trong mùa hạn
Dọc các xã Tân Bình, Thành Lợi, Tân Hưng thuộc huyện Bình Tân (Vĩnh Long) nhiều nông dân tất bật chăm sóc và thu hoạch rau màu các loại. Ông Nguyễn Hữu Khá, ngụ ấp Tân Thới, xã Tân Bình hớn hở khoe: “Tui vừa thu hoạch 3 công hành lá được khoảng 180 tạ, bán cho thương lái ngay tại ruộng với giá 350.000 đồng/tạ; trừ hết chi phí còn lời hơn 15 triệu đồng. Thời gian chỉ mất có 2,5 tháng. Tính ra hiệu quả gấp mấy lần trồng lúa”.
Theo ông Khá, vụ này ngay thời điểm nhiều nơi chịu hạn hán và xâm nhập mặn dữ dội; tuy nhiên vùng này nhờ chủ động nguồn nước ngọt rất tốt nên không bị ảnh hưởng hạn hán, mà ngược lại còn rất trúng mùa. Điển hình như các vụ khác năng suất hành lá chỉ đạt 30 – 40 tạ/công, thì vụ này tăng lên 60 tạ/công. Đồng quan điểm trên, ông Phan Văn Mến, hộ trồng hành lá chuyên nghiệp ở xã Tân Bình, bộc bạch: “Mùa hạn nhưng trồng rau màu lại trúng, nói ra hổng ai tin nhưng đó là sự thật. Vấn đề là nông dân vùng này có “tay nghề” nhiều năm đối với cây màu, cộng với hệ thống thủy lợi rất tốt nên năng suất đạt hiệu quả cao. Có điều giá hành lá lúc này không cao, nhưng nhờ năng suất bù lại, nên đồng lời vẫn đảm bảo khá”. Vùng chuyên canh rau màu của xã Tân Bình diện tích khoảng 800ha với nhiều loại rau màu như hành lá, đậu bắp, cải, mè, đậu, khoai lang… tất cả đều lên xanh rì, tươi tốt, ông Nguyễn Cao Miên, Chủ nhiệm HTX rau củ quả xã Tân Bình, cho biết: “Hạn mặn gây thiếu nước những nơi khác, chứ vùng này nước ngọt dồi dào nên giữa mùa khô hạn vẫn sản xuất rau màu nhộn nhịp. Chính sự khác biệt này nên những năm qua, nhiều nông dân đã khá giả nhờ cây màu mùa hạn”.
Tại xã Thành Lợi (huyện Bình Tân), nông dân phấn khởi vì trúng đậu bắp xanh. Ông Nguyễn Văn Bảy, ngụ ấp Thành Nhân, xã Thành Lợi tiết lộ: “Vụ này tôi trồng 4 công đậu bắp xanh, năng suất đạt khá cao. Hiện giá đậu bắp dao động từ 7.500 – 8.000 đồng/kg, tính ra lời từ 8 – 10 triệu đồng/công, mức lợi nhuận hấp dẫn so các loại cây trồng khác”. Ở các xã Phong Hòa, Định Hòa, Tân Hòa (huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) người dân đang thu hoạch cây huệ. Nông dân Nguyễn Văn Kiều, ấp Tân Phong, xã Phong Hòa cho biết: “Chỉ cần giá huệ dao động từ 3.000 – 5.000 đồng/bông là đảm bảo nông dân thu lời cao gấp 4 lần trồng lúa”. Gia đình anh Kiều trồng gần 2ha huệ, bởi đây là loại cây cho hiệu quả kinh tế cao, thị trường tiêu thụ rộng nhưng ít người trồng. Ưu thế của cây huệ là trồng 1 lần nhưng thu hoạch kéo dài tới 4 năm. Gần 2ha, cứ mỗi đợt thu hoạch gia đình anh bỏ túi từ 5 – 7 triệu đồng.
Hướng tới sản xuất bền vững
Ông Nguyễn Hoàng Học, Chánh văn phòng UBND tỉnh Vĩnh Long cho rằng, rau màu là một trong những thế mạnh về nông nghiệp của Vĩnh Long; trong đó tỉnh xác định các vùng ven sông Hậu như huyện Bình Tân, thị xã Bình Minh… với lợi thế nguồn nước ngọt quanh năm, thủy lợi tốt nên ngay mùa khô hạn vẫn không thiếu nước. Vì vậy, vùng này có điều kiện sản xuất rau màu quanh năm, nhất là vào mùa hạn. Vụ màu năm nay nông dân trồng khoảng 22.873ha, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Ông Nguyễn Cao Miên, Chủ nhiệm HTX rau củ quả xã Tân Bình, giải thích thêm: “Qua nghiên cứu nhiều năm cho thấy, vụ rau màu bán tết thường hay gặp tình trạng “dội chợ, rớt giá” do nơi nào cũng trồng được. Trong khi vụ rau màu mùa hạn và mùa lũ nhiều nơi không sản xuất được. Trong kinh tế thị trường thì đây là lợi thế không nhỏ của nông dân vùng này”. Tuy nhiên, để hướng tới việc sản xuất rau màu bền vững. HTX rau củ quả Tân Bình đã xây dựng mô hình trồng hành lá VietGAP và được công nhận vào cuối tháng 11-2014. Bên cạnh đó, HTX đang xúc tiến việc cung ứng rau màu cao cấp vào hệ thống siêu thị ở ĐBSCL, TPHCM… nhằm tăng lợi nhuận cho nông dân.
Theo Phòng NN-PTNT huyện Lai Vung, kinh tế từ cây màu cao hơn nhiều lần so với cây lúa. Khảo sát sơ bộ ở một số nơi thì nông dân trồng mè cho lợi nhuận khoảng 50 – 60 triệu đồng/ha/vụ; đậu bắp lời 70 triệu đồng/ha/vụ; dưa lê 170 triệu đồng/ha/vụ; huệ 150 – 180 triệu đồng/ha; nấm rơm 200 – 240 triệu đồng/ha/vụ… Vì vậy, huyện Lai Vung xây dựng vùng chuyên canh rau màu trên diện tích khoảng 2.500ha. Theo đó, sẽ chuyển đổi từ sản xuất màu dạng nhỏ lẻ sang canh tác tập trung quy mô lớn, được đầu tư bài bản về khoa học kỹ thuật, sản xuất theo nhu cầu thị trường, sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm; hướng tới tiêu chuẩn VietGAP để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Thành lập các tổ hợp tác hoặc hợp tác xã nhằm gắn kết giữa nông dân với doanh nghiệp, hệ thống siêu thị, các chợ đầu mối lớn ở TPHCM… để giải quyết ổn định đầu ra cho cây màu.

NGUYỄN THANH

(SGGP)

Bình luận (0)