Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Trung “sumo” giành suất tham dự Olympic Vật lý quốc tế

Tạp Chí Giáo Dục

Trở về từ cuộc thi Olympic Vật lý châu Á, Phan Văn Trung, lớp 11 L1, Trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam đang nỗ lực chuẩn bị cho mốc chinh phục cao hơn là Olympic Vật lý quốc tế vào tháng 7 tới tại Croatia.

Phan Văn Trung là một trong hai thí sinh của đội tuyển Lý thành phố Hà Nội giành giải nhất kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, được tham dự vòng loại chọn đội tuyển thi Olympic quốc tế và được tham gia kỳ thi Olympic Vật lý châu Á diễn ra tại Đài Loan. Và bạn cũng là thí sinh duy nhất của đội Lý Hà Nội xuất sắc giành vé tham dự Olympic Vật Lý quốc tế (IPHO).
Phan Văn Trung sắp tham dự Olympic Vật lý quốc tế vào tháng 7 tới tại Croatia.
 Với Trung, mỗi kỳ thi học sinh giỏi đơn giản chỉ là một cuộc chơi thử sức mình. Do vậy, bạn không bao giờ tự tạo áp lực cho chính mình.
Trung tâm sự: “Đạt giải khuyến khích châu Á, tớ cảm thấy chưa hài lòng lắm về kết quả lần thi này, do vậy, tớ sẽ cố gắng thể hiện tốt hơn trong kỳ thi IPHO sắp tới”.
 Một điều thú vị là Trung sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật, không có ai làm việc trong ngành Vật lý. Ông ngoại bạn là nhà viết kịch quân đội, bà ngoại là nghệ sĩ múa ưu tú, Ông nội, bà nội và bố Trung đều công tác trong nhà hát Nhạc-Vũ-Kịch.
Trung cho biết trong học tập, bạn luôn được bố mẹ tạo điều kiện mọi mặt. “Bất cứ sách vở cần thiết cho việc học cũng như cho niềm đam mê tìm tòi của tớ bố mẹ đều đồng ý cho tớ được phép mua”, Trung tâm sự.
Được biết con đường đến với Vật lý của Trung thật lắm gian nan. Hồi lớp 8, Trung học Vật lý khá “chập chờn” nên bố mẹ quyết định cho bạn đi học thêm lớp Vật lý của thầy Lê Trọng Tuấn, giáo viên Trường Hà Nội – Amsterdam. Những bài giảng của thầy về Vật lý tuy rất đơn giản nhưng đã khiến Trung có được tình cảm với môn Vật lý. Thầy chính là người truyền cho Trung tình yêu với môn Vật lý.
Sau đó, cũng thời gian này, bạn quyết định học thêm một lớp Vật lý nữa, là lớp cô Nguyễn Thị Nam, giảng viên Trường đại học Xây dựng. Cô đã dạy cho Trung tầm quan trọng của tốc độ trong các bài thi Vật Lý, dạy Trung cách làm bài nhanh nhất có thể. Nhờ sự giúp đỡ của cô, bạn đã đạt được những thành tích đầu tiên về trong môn Vật lý.
Vào lớp 10, Trung được thầy Nguyễn Xuân Quang, giáo viên chủ nhiệm lớp chuyên Lý dạy về những bài Vật lý có tính chất nâng cao. Dần dần Trung luyện được khả năng giải quyết những bài toán khó với tốc độ rất cao, ngang với tốc độ trung bình giải một bài thi đại học.
Có thể nói rằng nhờ "duyên" được học những thầy cô giỏi mà Trung đã đạt được những thành công như hiện giờ.
Để học tốt Lý, bí quyết số một của Trung là đam mê. Tuy nhiên, Trung cũng thừa nhận: “Tuy gọi là bí quyết nhưng hầu như rất khó để truyền cho người khác, vì mỗi người có một niềm đam mê riêng”.
Ngoài Vật lý, Trung đặc biệt say mê Toán học bởi “Vật lý không thể thiếu Toán học. Muốn tiếp tục học lên cao hơn về Vật lý, có thể chúng ta cần phải học Toán nhiều hơn học Lý”.
Sở hữu một gương mặt khá già dặn và thân hình “sumo” so với lứa tuổi, cậu bạn chuyên Lý này vẫn cực kỳ “teen”. Món giải trí khoái khẩu của cậu là nói chuyện với bạn bè, tập đá cầu và chơi Pokemon – thú vui của Trung từ hồi nhỏ.
Tin rằng với niềm đam mê và khả năng học Lý tuyệt vời, Trung sẽ còn tiến xa hơn nữa với môn Vật lý. Kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế sắp tới chính là cơ hội để Trung được thể hiện mình.
Cùng “ngắm” bảng thành tích của bạn Phan Văn Trung:
-Lớp 9: Giải Nhất Vật lý quận Ba Đình, Hà Nội
             Giải Nhất Vật lý thành phố Hà Nội
-Lớp 10: Giải Nhất môn Vật lý chuyên lớp 10 Olympic Hà Nội – Amsterdam
               Nhận học bổng OdonVallet
-Lớp 11: Giải Nhất môn Vật lý chuyên lớp 11 Olympic Hà Nội – Amsterdam
                Giải Nhất Vật lý thành phố Hà Nội
                Giải Nhất Quốc gia môn Vật lý
                Giải Khuyến khích Vật lý châu Á – Thái Bình Dương
                Thành viên đội tuyển Vật lý Việt Nam tham dự Olympic Vật lý quốc tế 2010
 Bài và ảnh: Linh Anh / Dan Tri

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)