Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Trung tâm Bảo tồn di sản mỹ thuật văn hóa Việt Nam đi vào hoạt động

Tạp Chí Giáo Dục

Sáng 25-7 tại TP.HCM, Trung tâm Unesco Bảo tồn Di sản Mỹ thuật Văn hóa Việt Nam đã chính thức ra mắt và đi vào hoạt động.


Nghệ thuật đờn ca tài tử đang được bảo tồn và phát huy

Trung tâm được thành lập theo quyết định số 46/QĐ-LH của Liên hiệp các Hội Unesco Việt Nam, căn cứ trên quyết định số 397/Ttg ngày 3-8-1993 của Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và căn cứ trên quyết định số 299/BNV ngày 11-3-2016 của Bộ Nội vụ về việc phê duyệt điều lệ của Liên hiệp các Hội Unesco Việt Nam.

Sự ra đời của Trung tâm Unesco Bảo tồn Di sản Mỹ thuật Văn hóa Việt Nam nhằm góp phần vào việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản mỹ thuật văn hóa Việt Nam trong quá khứ và hiện tại, tạo dựng giá trị mới trong tương lai. Bên cạnh đó, trung tâm còn là nơi kết nối các mối quan hệ, gắn bó mật thiết với các họa sĩ, nhà sưu tầm, nhà nghiên cứu, nhà phê bình nghệ thuật, mỹ thuật, các bảo tàng, đơn vị văn hóa di sản trong và ngoài nước.

Bà Nguyễn Kim Phiến (Giám đốc Trung tâm Unesco Bảo tồn Di sản Mỹ thuật Văn hóa Việt Nam) cho biết: “Trung tâm là một bộ phận không thể tách rời với những tiêu chí hoạt động của Unesco thế giới. Do đó, trung tâm sẽ có những dự án về nhiều lĩnh vực hoạt động chuyên sâu để đem lại lợi ích cho cộng đồng, xã hội”.


Các thành viên của Trung tâm Unesco Bảo tồn Di sản Mỹ thuật Văn hóa Việt Nam chính thức ra mắt

Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy (Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM) chia sẻ, trong suốt chiều dài lịch sử đã để lại cho chúng ta rất nhiều kiệt tác nghệ thuật. Những kiệt tác ấy đã phản ánh đặc điểm, tính chất của các giai đoạn, các tầng lớp, tộc người… trong đại gia đình dân tộc Việt Nam. Đội ngũ nhà giáo, nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ có nhiều cống hiến cho sự nghiệp đào tạo, sáng tạo và nghiên cứu mỹ thuật. Họ đã xung phong trên chiến trường khắc nghiệt để những hình ảnh, thời khắc hào hùng, bi tráng trong các cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc trở thành tác phẩm nghệ thuật, di sản vô giá. Ở thời kỳ nào, hoàn cảnh nào đều có nhiều tác phẩm thấm đẫm hồn Việt, hướng đến cái đẹp, điều thiện, phản ánh cái xấu, cái ác.

Bà Thúy cho rằng, sự ra đời của Trung tâm Unesco Bảo tồn Di sản Mỹ thuật Văn hóa Việt Nam góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho công tác bảo tồn hệ thống di sản văn hóa mỹ thuật Việt Nam, tăng cường sự kết nối, giao lưu quốc tế vào tạo ra những không gian sáng tạo cho mỹ thuật Việt Nam cũng như TP.HCM. Từ đây, những tác phẩm mỹ thuật sẽ có thêm điều kiện thuận lợi để giữ gìn và phát huy tốt những giá trị của mình trong đời sống xã hội hôm nay. “Tôi mong rằng, từ ý nghĩa giữ gìn di sản này sẽ khơi nguồn cảm hứng sáng tạo để ngày càng nhiều có những tác phẩm nghệ thuật giúp những điều tốt, điều thiện ngày càng được tôn vinh, nhân rộng. Và để người Việt Nam hôm nay tự hào với thế giới không chỉ vì quá khứ lịch sử hào hùng trong đấu tranh dựng nước và giữ nước mà còn bởi những cái đẹp hết sức sâu lắng, cái đẹp của hàng ngàn năm văn hiến của dân tộc”, bà Thúy bày tỏ.

Hồ Trinh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)