Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 (C4IR) tại TP.HCM vừa được khánh thành. Trung tâm được kỳ vọng sẽ là nơi hợp tác nghiên cứu, đề xuất các chính sách, huy động nguồn lực và chuyển giao công nghệ trong chuyển đổi công nghiệp. Nhiều chuyên gia, doanh nghiệp đã có những nhận định về vai trò quan trọng của C4IR tại TP.HCM trong chuyển đổi công nghiệp.
C4IR góp phần thúc đẩy chuyển đổi công nghiệp của Việt Nam
Theo ông Kyriakos Triantafyllidis – Trưởng phòng Tăng trưởng và Chiến lược, Trung tâm Sản xuất tiên tiến và chuỗi cung ứng (WEF) (một phần của mạng lưới C4IR), C4IR tại TP.HCM sẽ tập hợp cộng đồng sản xuất để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi hệ sinh thái công nghiệp của mình bằng cách khai thác các công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để dẫn đầu các hệ thống sản xuất thông minh, sáng tạo và bền vững.
Tuy nhiên, để phát huy thế mạnh của mình, C4IR tại TP.HCM cần tập trung vào 4 trụ cột hành động chính. Trong đó, cần dự đoán và hiểu các xu hướng toàn cầu mới nhất ảnh hưởng đến sản xuất để thông báo cho việc phát triển và các chính sách, sáng kiến chương trình công nghiệp; phát triển những hiểu biết và sáng kiến mới đáp ứng nhu cầu của địa phương và có thể tăng cường năng lực trong nước dựa trên các công cụ và khuôn khổ phát hiện toàn cầu; thúc đẩy và xây dựng quan hệ đối tác nhiều bên liên quan, giữa các nhà đổi mới, doanh nghiệp, Chính phủ và các chuyên gia đi đầu trong quá trình chuyển đổi công nghệ; phát huy vai trò tích cực và nổi bật trong việc định hình chương trình nghị sự công nghiệp toàn cầu bằng cách làm sáng tỏ các ưu tiên, năng lực và thông lệ tốt nhất của quốc gia.
“C4IR tại TP.HCM sẽ góp phần tích cực thúc đẩy quá trình chuyển đổi công nghiệp của Việt Nam hướng tới nền kinh tế hiện đại, sáng tạo và xanh; thúc đẩy đổi mới và công nghệ; khuyến khích đổi mới, tự động hóa và chuyển đổi số; thúc đẩy công nghệ cao và tăng trưởng cao các ngành công nghiệp”, ông Kyriakos Triantafyllidis nói.
Ông Bryan Yeoh Quan Jin – Trung tâm C4IR của Malaysia – chia sẻ, C4IR Malaysia đã nhanh chóng trở thành nhân tố chủ chốt thúc đẩy chuyển đổi số và chuyển đổi năng lượng tại Malaysia ngay trong năm đầu hoạt động. Các sáng kiến của trung tâm tập trung vào hai lĩnh vực chính là chuyển đổi số và chuyển đổi năng lượng.
Ông Bryan Yeoh Quan Jin nhấn mạnh, với việc C4IR Việt Nam ra mắt, 2 trung tâm sẽ có nhiều cơ hội hợp tác tiềm năng. Theo đó các sáng kiến lãnh đạo chung; trao đổi chính sách; xây dựng năng lực và các sáng kiến xuyên biên giới hứa hẹn sẽ đóng góp vào tăng cường hợp tác, thúc đẩy tăng trưởng bền vững trong khu vực ASEAN. Trong đó, các lĩnh vực tiềm năng để hợp tác như: Chia sẻ tư tưởng lãnh đạo – hai bên hợp tác phát hành các bài viết về tư tưởng lãnh đạo, tập trung vào các công nghệ mới nổi như AI, IoT và blockchain; cả hai trung tâm có thể chia sẻ các thực tiễn tốt nhất và tri thức về phát triển chính sách, quản trị công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi năng lượng và sản xuất thông minh (bao gồm trao đổi về cơ chế sandbox – môi trường thử nghiệm an toàn, khung bảo mật dữ liệu, thực tiễn tốt nhất về chuyển đổi năng lượng công bằng, các quy tắc ứng xử đạo đức cho việc sử dụng AI trong quy trình sản xuất).
Ngoài ra, hợp tác về chương trình xây dựng năng lực, giúp phát triển lực lượng lao động có kỹ năng, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi năng lượng và sản xuất thông minh; hai nước có thể hài hòa các tiêu chuẩn cho thương mại số, thúc đẩy thương mại điện tử, phát triển hệ thống thanh toán số và hợp tác trong các dự án năng lượng tái tạo, sản xuất thông minh…
Xây dựng nền tảng công nghệ bền vững cho TP.HCM
Ông Nguyễn Hữu Tuấn – Phó Giám đốc Viettel Solutions, một trong những doanh nghiệp sáng lập C4IR tại TP.HCM – cho rằng, việc áp dụng công nghệ vào sản xuất tại Việt Nam vẫn còn một số khó khăn và hạn chế. Đơn cử như khả năng số hóa dữ liệu trong doanh nghiệp chưa cao; mức độ ứng dụng các công nghệ trong tự động hóa sản xuất còn rất thấp; phần lớn các doanh nghiệp hiện nay chưa trang bị đầy đủ kỹ năng cho người lao động để làm việc trong một nhà máy thông minh…
“Để giải quyết các khó khăn trong việc tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0, các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam cần thúc đẩy việc áp dụng các công nghệ tiên tiến, bắt kịp xu thế công nghệ hiện đại”, ông Tuấn nêu ý kiến.
Dẫn thống kê của McKinsey (Công ty Tư vấn quản trị toàn cầu, chuyên nghiên cứu chiến lược cho các tập đoàn, Chính phủ và các tổ chức đa quốc gia) tại Việt Nam, ông Tuấn nói, 40% của tất cả các giá trị tiềm năng có thể được tạo ra bởi các phân tích ngày nay đều đến từ công nghệ AI và Machine Learning. Trong đó, Machine Learning có thể chiếm từ 3,5 ngàn tỷ đến 5,8 ngàn tỷ đồng giá trị hàng năm.
Nói về vai trò, sứ mệnh của C4IR tại TP.HCM, ông Tuấn thông tin, trung tâm đã có những kế hoạch hoạt động cụ thể theo từng năm trong giai đoạn 2024-2027. Trong đó, năm 2024 sẽ triển khai các hội thảo, xác định chiến lược hoạt động; năm 2025 triển khai nghiên cứu, hợp tác và thí điểm các mô hình, đồng thời sẽ áp dụng rộng rãi với các lĩnh vực, ngành; năm 2027, sẽ tổ chức đánh giá và mở rộng quy mô. Đây là thời kỳ bản lề với nhiều nội dung và mục tiêu quan trọng nhằm xây dựng một nền tảng công nghệ bền vững cho TP.HCM và cả nước. Trong đó, kế hoạch tập trung vào việc thúc đẩy ứng dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất, nghiên cứu công nghệ, xây dựng chính sách và phát triển kinh tế.
“Để C4IR tại TP.HCM hoạt động có hiệu quả, về vai trò quản lý Nhà nước, cần có các chính sách ưu đãi thuế, hỗ trợ vốn, chính sách phát triển nguồn nhân lực và chính sách phát triển hạ tầng số; tạo điều kiện để trung tâm kết nối với các tổ chức nghiên cứu, doanh nghiệp trong và ngoài nước, tăng cường hợp tác quốc tế; huy động nguồn lực từ tập đoàn công nghệ lớn trong nước, phối hợp cùng vai trò quản lý Nhà nước, hỗ trợ thúc đẩy ứng dụng chuyển đổi số, lấy doanh nghiệp vừa và nhỏ làm trọng tâm. Cùng với đó, trung tâm cũng cần được định hướng rõ ràng về mục tiêu, tầm nhìn đảm bảo phù hợp với chiến lược phát triển chung của đất nước, đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ 4.0”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Nhật Huy
Bình luận (0)