UBND TP.HCM vừa tổ chức hội thảo “Trung tâm Cách mạng Công nghiệp 4.0 tại TP.HCM (C4IR) – Động lực mới cho phát triển bền vững”. Tại đây, nhiều ý kiến cho rằng, việc thành lập C4IR là bước tiến quan trọng, góp phần tạo động lực đột phá, hướng tới mục tiêu phát triển TP.HCM trở thành TP dịch vụ công nghiệp hiện đại, TP văn hóa, đầu tàu kinh tế số, xã hội số; là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học công nghệ và văn hóa của khu vực.
Quang cảnh hội thảo
Tận dụng những ưu việt của các C4IR trên thế giới
Ông Kim Byoungho – Chủ tịch HDBank – cho biết: “Các công nghệ như trí tuệ nhân tạo, Blockchain và Big Data đang tạo ra cơ hội mới; đòi hỏi chúng ta thích ứng nhanh chóng để có thể cung ứng dịch vụ số tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp. TP.HCM đã và đang thu hút mạnh mẽ sự đồng hành, hợp tác từ các tổ chức quốc tế, cũng như khuyến khích và thu hút sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp. C4IR được định vị là động lực mới cho chiến lược phát triển bền vững của TP.HCM, rộng hơn là kết nối và góp phần thúc đẩy chiến lược phát triển bền vững của quốc gia”.
Bà Manju George – Trưởng phòng Chiến lược, nền tảng kinh tế số Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) – cho biết, Trung tâm C4IR tại TP.HCM là một phần của mạng lưới các trung tâm địa phương độc lập trên toàn cầu, qua đó WEF đẩy nhanh việc áp dụng công nghệ và chuyển đổi ngành một cách có trách nhiệm ở các quốc gia hoặc các khu vực liên quan. Các trung tâm này giúp kết nối các chuyên gia địa phương và toàn cầu với các nhà hoạch định chính sách, lãnh đạo doanh nghiệp; tận dụng thương hiệu, cộng đồng và sáng kiến toàn cầu của WEF để mang lại tác động hữu hình trên thực tế.
Cũng theo bà Manju George, những chủ đề tiềm năng C4IR Việt Nam cần khám phá là sản xuất thông minh, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi xanh. Đơn cử, chuyển đổi xanh các ngành công nghiệp, cụm công nghiệp không phát thải…
Ông Đặng Nhứt – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn – nhấn mạnh, việc ra đời Trung tâm C4IR tại TP.HCM là một đề án phát triển quan trọng của TP, đóng vai trò là động lực thúc đẩy phát triển TP trong thời gian tới, có tác động lớn đến các doanh nghiệp hoạt động tại TP.HCM cũng như cả nước.
Trung tâm C4IR TP.HCM nên kế thừa những ưu việt của các C4IR thành công trên thế giới nhằm phát triển nhanh hơn, tạo ra các sản phẩm cụ thể phục vụ nhu cầu của nền kinh tế Việt Nam.
Những định hướng nghiên cứu, sản xuất chiến lược hiện nay như chất bán dẫn, vi mạch, trí tuệ nhân tạo, tăng trưởng xanh cần được tập trung, dù Việt Nam đi sau nhưng có lợi thế là sẽ kế thừa được những ưu việt của thế giới. Mặt khác, cần quan tâm công nghệ sinh học, thuốc chữa bệnh thế hệ mới, các loại vắc-xin đa năng, vắc-xin ngừa ung thư vì hiện nay tỷ lệ người mắc bệnh ung thư ở Việt Nam đang tăng.
Tập trung đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho công nghiệp 4.0, đặc biệt là các lĩnh vực phù hợp với nhu cầu nghiên cứu phát triển của C4IR TP.HCM; có các giải pháp thích hợp để đưa các nghiên cứu từ C4IR ứng dụng kịp thời, phát huy tác dụng sớm nhất có thể.
Với mục tiêu đưa TP.HCM là trung tâm AI, trung tâm tài chính quốc tế và trung tâm cách mạng công nghiệp lần thứ 4 – C4IR của Việt Nam và trong khu vực, ông Lê Minh – đại diện Tập đoàn Công nghệ CMC – đề xuất xây dựng AI Factory – một trung tâm dữ liệu siêu lớn phục vụ cho AI Cloud. Đây không chỉ là một trung tâm dữ liệu thông thường mà là một cơ sở hạ tầng hiện đại, nơi chứa đựng nền tảng AI chủ chốt giúp phục vụ cho các bài toán AI trong nước và quốc tế. Với việc hợp tác cùng NVIDIA, có thể giúp TP.HCM xây dựng nền móng để trở thành một trung tâm AI lớn. Bên cạnh đó, TP.HCM cũng cần nâng cao năng lực nghiên cứu và đào tạo trong lĩnh vực công nghệ thông tin thông qua việc thành lập phân hiệu Trường ĐH CMC tại TP.HCM. Đây sẽ là nơi đào tạo ra những nguồn nhân lực chất lượng cao, sẵn sàng hội nhập và phát triển cùng các công nghệ mới nhất của thế giới, góp phần đưa TP trở thành một trung tâm đào tạo và nghiên cứu CNTT hàng đầu khu vực.
“Trong tương lai, chúng tôi dự định mở rộng các dự án hợp tác quốc tế, thu hút đầu tư và chuyên môn từ các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới, đặc biệt là trong lĩnh vực dữ liệu lớn, an toàn thông tin và điện toán đám mây”, ông Nhứt nói.
Nền tảng phát triển chiến lược Cách mạng công nghiệp lần thứ 4
Việt Nam nói chung, TP.HCM nói riêng đang đứng trước cơ hội để nắm bắt kịp công nghệ thời đại thông qua cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã và đang diễn ra mạnh mẽ trên quy mô toàn cầu. Sự phát triển của một số công nghệ mang tính đột phá trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 như công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ mạng 5G, công nghệ sinh học, công nghệ bán dẫn, năng lượng mới… đã và đang tác động mạnh mẽ tới mọi khía cạnh, từ an ninh, chính trị đến kinh tế, xã hội.
Để đối phó với những thách thức và nắm bắt cơ hội trên, UBND TP.HCM và Diễn đàn Kinh tế thế giới đã ký kết thỏa thuận hợp tác trong việc thành lập Trung tâm Cách mạng Công nghiệp 4.0 tại TP.HCM. Sự kiện là một cột mốc quan trọng trong quan hệ đối tác giữa TP.HCM, Việt Nam và Diễn đàn Kinh tế thế giới; qua đó Diễn đàn Kinh tế thế giới có thể hỗ trợ TP.HCM nói riêng, Việt Nam nói chung đạt được khát vọng về đổi mới, sáng tạo và tăng trưởng thông qua tăng cường hợp tác quốc tế và kết nối, tận dụng nguồn lực.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết, Trung tâm C4IR TP.HCM sẽ đặt tại Khu Công nghệ cao TP. Đây là một trong 3 khu công nghệ cao quốc gia của Việt Nam, có vai trò chiến lược trong việc hình thành các ngành công nghiệp mũi nhọn thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Nơi đây đã hình thành các hệ sinh thái công nghệ phù hợp với xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 gồm các lĩnh vực công nghệ vi mạch bán dẫn, công nghệ sinh học, vật liệu mới, drone, AI, IoT…
“Như vậy, Trung tâm C4IR tương tác với Khu Công nghệ cao TP.HCM sẽ trở thành động lực mới thúc đẩy phát triển bền vững cho TP; tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong vùng Đông Nam bộ và cả nước trong thời gian tới”, ông Hoan nhấn mạnh.
Theo ông Hoan, Trung tâm C4IR tại TP.HCM kỳ vọng trở thành nền tảng không chỉ giúp cho TP.HCM mà còn giúp cho cả nước định hình phát triển các chiến lược Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 phù hợp với chiến lược phát triển chung của quốc gia cũng như đóng góp vào quỹ đạo phát triển toàn cầu của công nghệ hiện nay.
Trung tâm C4IR cùng với sự đồng hành, cộng hưởng của các thành viên sáng lập là những doanh nghiệp công nghệ hàng đầu Việt Nam và tận dụng những tri thức, kinh nghiệm của mạng lưới C4IR toàn cầu mang lại sẽ hỗ trợ, tư vấn, đề xuất, kiến nghị các giải pháp, chính sách, sáng kiến phù hợp với định hướng quốc gia và xu thế quốc tế về công nghệ.
Phú Cát
Bình luận (0)