Một lớp học của TTGDTX Bình Thạnh
|
Cơ sở vật chất thiếu thốn, diện tích nhỏ hẹp, giáo viên hiếm được tập huấn về đổi mới phương pháp dạy học, không có nhân viên y tế chuyên trách… là những khó khăn được đại biểu đề cập tới tại Hội nghị sơ kết học kỳ I và định hướng hoạt động học kỳ II năm học 2014-2015 của trung tâm giáo dục thường xuyên (TTGDTX) do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức ngày 5-2.
Phòng học hạn chế
Học kỳ vừa qua, Sở GD-ĐT TP.HCM đã phối hợp với phòng GD-ĐT các quận huyện để tăng cường đầu tư, nâng cấp và xây mới cơ sở vật chất TTGDTX như hoàn thành xây mới TTGDTX Q.2, ghi vốn xây dựng các TTGDTX tiếng Hoa, khởi công xây dựng TTGDTX Bình Chánh, Nhà Bè, nâng cấp TTGDTX Chu Văn An… Công tác sửa chữa hè được hỗ trợ kịp thời từ nguồn ngân sách thành phố, của trung tâm và sự quan tâm chăm sóc của lãnh đạo các trung tâm, từ đó cảnh quan, môi trường TTGDTX đã được cải thiện. Tuy nhiên, ông Phạm Anh Ba, Trưởng phòng GDTX, Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: “Cơ sở vật chất của một số TTGDTX vẫn còn hết sức thiếu thốn, khó khăn nên chưa thể tích cực đổi mới phương pháp dạy học và đáp ứng yêu cầu đa dạng hóa hoạt động”.
Ông Lâm Kế Chí, Giám đốc TTGDTX Q.1, đại diện cho các trung tâm thuộc cụm 1 phân tích: “Ở cụm 1, một số TTGDTX như TTGDTX Q.7, Cần Giờ đã được xây mới, TTGDTX Q.8 đã được nâng cao, tu bổ cơ sở vật chất nhưng Q.1, Q.4 và Nhà Bè thì cơ sở vật chất rất eo hẹp. Thư viện, phòng chức năng, phòng học, phòng ban giám hiệu, sân chơi ở các đơn vị này còn nhiều thiếu thốn. Chẳng hạn như TTGDTX Q.1 có 3 cơ sở nhưng cơ sở nào cũng nhỏ, có cơ sở dưới 1.000m2. Trung tâm có 1.000 học viên phải chia đến 3 nơi để học, điều này gây tốn kém về chi phí quản lý, chi phí thuê phòng… Thậm chí có trường hợp Ban Chấp hành Chi đoàn phải họp ở bãi giữ xe”.
Đại diện cho các TTGDTX thuộc cụm 3, ông Huỳnh Tấn Thanh – Giám đốc TTGDTX Chu Văn An – chia sẻ: “Diện tích nhỏ hẹp, cơ sở vật chất thiếu thốn nên chúng tôi rất khó phát huy những hoạt động chung và hoạt động chuyên môn, đặc biệt là việc dạy học tích hợp. TTGDTX Chu Văn An có định hướng dự án xây dựng tầm cỡ Đông Nam Á đã lâu nhưng đến nay vẫn chưa được khởi công, chúng tôi nghĩ khó đạt được điều này”.
Một đề xuất được khá nhiều đại biểu tâm đắc là liên kết với trường nghề. “Giám đốc các TTGDTX nên cố gắng phát huy lợi thế cơ sở vật chất bằng cách liên kết với trường nghề, đa dạng hóa dạy nghề ngắn hạn để thu hút học sinh”, ông Lâm Kế Chí nêu ý kiến.
Khó phát huy dạy học tích hợp
Nội dung thi cử, kiểm tra đánh giá của học sinh TTGDTX cũng giống như học sinh THPT, đặc biệt là học sinh lớp 12 sẽ trải qua kỳ thi THPT quốc gia từ năm 2015. Theo đó, đề thi những năm tới sẽ chú trọng phát huy năng lực hiểu biết của học sinh. Điều này đòi hỏi giáo viên phải tích cực đổi mới phương pháp dạy học. Tuy nhiên, vấn đề được nhiều giám đốc TTGDTX quan tâm là trong khi giáo viên các trường THPT được tổ chức nhiều buổi tập huấn dạy học tích hợp, dạy học theo dự án… thì giáo viên TTGDTX hầu như không có.
Ông Huỳnh Tấn Thanh thẳng thắn cho biết: “Tới thời điểm này, phương pháp dạy học tích hợp không chỉ khó khăn đối với giáo viên mà ngay cả ban lãnh đạo nhiều TTGDTX cũng chưa nắm hết. Vì thế, chúng tôi đề nghị Phòng GDTX của Sở GD-ĐT nên tổ chức nhiều buổi tập huấn về đổi mới dạy học theo phương pháp này”.
Đồng tình với ý kiến này, ông Lưu Thanh Tòng, Giám đốc TTGDTX Q.Tân Phú cho hay: “Phòng Giáo dục trung học đã có nhiều buổi tập huấn phương pháp dạy học tích hợp, dạy học theo dự án, dạy học theo hướng phát triển năng lực của học sinh nhưng TTGDTX thì hầu như chưa có. Vì vậy, tôi kiến nghị Phòng GDTX nên phối hợp với Phòng Giáo dục trung học để giáo viên TTGDTX được tập huấn cùng giáo viên trung học về những phương pháp đổi mới này”.
Ngoài việc ít có các buổi tập huấn đổi mới phương pháp dạy học, ông Võ Hồng Sơn, Giám đốc TTGDTX Q.3 thừa nhận: Giáo viên các trường THPT đã sôi nổi trong việc đổi mới phương pháp nhưng ở TTGDTX thì nhiều giáo viên còn ngán đổi mới. Việc đổi mới này lại chủ yếu là do giáo viên tự nghiên cứu, tìm hiểu chứ ít có những buổi tập huấn…”.
Giải đáp những vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: “Ngành giáo dục nước ta đang triển khai một chương trình, một kỳ thi, một bằng cấp chung nên các chuyên viên GDTX phải tiếp tục tìm hiểu, học hỏi những vấn đề mới trong chuyên môn để chỉ đạo kịp thời cho các TTGDTX đổi mới phương pháp”.
Bài, ảnh: Dương Bình
“Đa số nhân viên y tế ở TTGDTX là kiêm nhiệm nên thiếu kinh nghiệm. UBND thành phố đã ban hành quyết định chế độ bồi dưỡng nghiệp vụ y tế trong trường học từ năm 2014 đến năm 2016 là 100% các trường TH, THCS, THPT, các trường thuộc hệ thống GDCN phải có nhân viên y tế nhưng lại không nhắc đến TTGDTX. Những năm qua, một số tai nạn đã xảy ra tại các TTGDTX nên chúng tôi lo lắng về việc thiếu nhân viên y tế ở trung tâm. Vì vậy, chúng tôi rất mong muốn được bổ sung một vị trí nhân viên y tế chuyên trách thay vì kiêm nhiệm như hiện nay”, ông Võ Hồng Sơn, Giám đốc TTGDTX Q.3 nêu ý kiến. |
Bình luận (0)