Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Trung tâm thương mại cao cấp vắng khách

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Trong tháng 4, trung tâm thương mại Kumho Asiana Plaza Sài Gòn đóng cửa các quầy bán lẻ, chuyển sang kinh doanh ẩm thực. Một số trung tâm thương mại cao cấp khác cũng có doanh số giảm 20 – 40% so với cùng kỳ năm ngoái.

Vắng khách mua
Ghi nhận tại các trung tâm thương mại lớn ở quận 1, quận 5, quận 11 và quận 7 trong các ngày cuối tuần vừa qua, lượng khách đến không phải vì mục đích mua sắm. Tại Vincom quận 1, trong khi ngoài mặt tiền nhiều nhóm người ngồi ngắm cảnh, thì bên trong, tuy có đông người nhưng tham quan là chủ yếu. Ở gian hàng bán mỹ phẩm tại tầng trệt mặt tiền đường Đồng Khởi có trang trí đèn, hoa khá bắt mắt, nhóm bạn độ tuổi thiếu niên tranh thủ đứng tạo dáng chụp hình. Ở gian hàng thời trang Runway luôn có khoảng mười nhân viên phục vụ, nhưng lượng khách ghé vào luôn ít hơn số nhân viên. Theo ông Quyết, quản lý shop Runway tại Vincom, khách đến ít hơn, có gian hàng khách vào xem, nhưng không mua gì.
 

Khách có tiền chưa tin vào hàng hiệu bày bán ở các trung tâm được cho là cao cấp. Ảnh: Phan Quang

Ở tầng lửng Vincom, hai gian hàng bán đồng hồ liền kề nhau không có khách. Các nhân viên người đứng, kẻ ngồi một góc cầm điện thoại di động bấm giải trí. Các gian hàng bán đồ thể thao, đồ lót hầu như không thấy khách vào tham quan. Chị Vân, nhà ở quận Bình Thạnh, sau khi tham quan Vincom, đợi lấy xe ra về cho biết: “Cuối tuần nên dẫn ông bà ngoại và hai đứa con vào đây chơi cho biết”.
Trung tâm thương mại Parkson đối diện Vincom cũng ở tình trạng tương tự. Các gian hàng mỹ phẩm tại tầng trệt cổng Lê Thánh Tôn khách thưa vắng. Ở các tầng trên, gian hàng giày dép như Clarks, Geox… hầu như khách chỉ vào ngắm.
Buôn bán cầm chừng
Ông Dương, chủ nhãn hiệu thời trang trẻ em hiệu T đang thuê quầy ở nhiều trung tâm thương mại cao cấp khác nhau ở TP.HCM, cho biết: “so với cùng kỳ năm ngoái, doanh số bán hàng đã giảm đến 15% vì vắng khách.” Theo ông, giá thuê quầy tại lầu 2 trung tâm thương mại Vincom mỗi tháng là 70 triệu đồng, trong khi mỗi ngày chỉ bán được khoảng ba bộ quần áo trẻ em. Doanh số thấp, nhưng ông Dương vẫn tiếp tục thuê quầy do hợp đồng thuê kéo dài ba năm, phải đặt sáu tháng tiền cọc. Nếu trả quầy, ông vừa mất tiền cọc, sau này thuê lại chưa chắc được.
Ở thương xá Tax, theo người quản lý, lượng khách đến mua sắm đã giảm đến 30%. Ở trung tâm thương mại Zen Plaza, theo bà Triệu Thị Hương Giang, phó tổng giám đốc, tuy không có tình trạng quầy cho thuê bỏ trống, nhưng doanh thu bán hàng đã giảm gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Bà nói: “Khách có nhu cầu thì mua ít hơn, còn khách vãng lai thì kén chọn rất kỹ khi quyết định mua”.
Biện pháp mà các trung tâm thương mại đang tung ra kéo khách hầu hết đều là khuyến mãi, giảm giá với các chương trình nối tiếp nhau, liên tục. Ở thương xá Tax, nhiều chủ quầy trên các tầng lầu đã giảm bớt lượng hàng nhập giá cao, nhập nhiều hàng giá thấp hơn để dễ bán. Nhiều chủ kinh doanh đang thuê quầy đã chọn cách thương lượng với nhà quản lý trung tâm thương mại để giảm giá thuê mặt bằng. Theo ông Dương, có trung tâm thương mại ở quận 1 đã giảm cho ông 45% tiền thuê mặt bằng.
Khó kéo khách
Ông Trần Quốc Chung, tổng giám đốc công ty Phương Phát, nơi nắm quyền phân phối gần cả trăm nhãn hiệu nước hoa cao cấp trên thế giới tại Việt Nam phân tích: từ kinh nghiệm của năm 2008 – 2009 cho thấy ở TP.HCM nhóm trung lưu sẽ chia thành hai. Nhóm đầu tiết giảm chi tiêu, còn nhóm sau vẫn duy trì tiêu dùng hàng hiệu. Ông Chung cho biết thêm, với nhóm sau, ở Việt Nam chưa có nhiều hàng và trung tâm mua sắm đủ sức thuyết phục họ.
Ông Huy, ngụ ở quận 3 là người có thẻ mua hàng VIP ở nhiều trung tâm thương mại tại TP.HCM cho biết: “Hàng hiệu ở Việt Nam có ít nhãn, giá không rẻ, mỗi nhãn lại đưa về ít mẫu, tốc độ thay mẫu mới chậm… nên khó khọn lựa. Sang Thái Lan, Singapore hay Malaysia vừa có nhiều hàng, lại tin tưởng hơn”. Cũng theo ông Huy, hàng hiệu ở nước ngoài có khi còn rẻ hơn ở Việt Nam. Vừa nói, ông Huy vừa đưa ra chiếc túi xách hiệu L mua tại Singapore rẻ hơn ở Việt Nam 20%, mắt kính C mua ở Hong Kong rẻ hơn 30%. Một nguyên nhân khá quan trọng, theo ông Huy, việc kiểm tra chất lượng hàng hoá ở các trung tâm thương mại cao cấp ở Việt Nam vẫn chưa nghiêm ngặt, dẫn đến tình trạng quầy hàng hiệu trà trộn hàng nhái vào bán. Em gái ông Huy từng mua một chiếc đồng hồ có thẻ bảo hành toàn cầu nhưng sang Pháp không được chấp nhận.
Minh Thành – Minh Cúc / SGTT

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)