Theo các chuyên gia, để chuyển đổi số ở Đà Nẵng đi nhanh và bền vững, thực hiện chuyển đổi số đi vào cuộc sống thì cần xác định vai trò quan trọng của người dân và doanh nghiệp. Từ đó khai thác tối đa nguồn lực, đào tạo có trọng tâm và xây dựng các doanh nghiệp chủ lực làm nền tảng…
Đà Nẵng hướng đến nhóm 5 địa phương dẫn đầu về chuyển đổi số vào năm 2025. Ảnh: V.Yên
Gần 92% gia đình sử dụng internet băng rộng
Theo đề án chuyển đổi số của thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng tầm nhìn 2030; mục tiêu sẽ triển khai áp dụng công nghệ số, dữ liệu số để điều chỉnh thể chế, cấu trúc lại quy trình, đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động điều hành; phát triển kinh tế số và tạo nền tảng thúc đẩy phát triển 8 lĩnh vực ưu tiên, bao gồm: Y tế, giáo dục, tài chính ngân hàng, nông nghiệp, giao thông vận tải và logistics, năng lượng, tài nguyên và môi trường, sản xuất công nghiệp. Đến năm 2025, Đà Nẵng sẽ thuộc nhóm 5 địa phương dẫn đầu về chuyển đổi số và nhóm 3 địa phương dẫn đầu về an toàn thông tin, thương mại điện tử của cả nước. Ước tính phát triển kinh tế số chiếm ít nhất 20% GRDP của thành phố, trong đó công nghiệp ICT chiếm ít nhất 10%.
Qua 10 năm triển khai chính quyền điện tử và 2 năm xây dựng thành phố thông minh, ngành công nghiệp CNTT của Đà Nẵng đã dần hình thành nền tảng cơ bản. Hạ tầng viễn thông, CNTT đã được đầu tư xây dựng khá đồng bộ, sử dụng công nghệ tiên tiến theo tiêu chuẩn trong nước và thế giới. Người dân thành phố cũng đã bước đầu hình thành thói quen tiếp cận sử dụng dịch vụ trực tuyến. Trung bình có 2 doanh nghiệp công nghệ số/1.000 dân. Tỷ lệ gia đình sử dụng internet băng rộng gần 92%, hơn 91% sử dụng điện thoại di động thông minh.
Hướng đến 50% dân số mua sắm trực tuyến
Tại hội thảo chuyên đề về đề án chuyển đổi số, định hướng đến năm 2025, ông Nguyễn Quang Thanh – Giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông (TT&TT) Đà Nẵng – cho biết, thành phố tập trung vào 3 trụ cột chính cho quá trình chuyển đổi số. Đó là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Cụ thể, việc thực hiện chính quyền số sẽ bao gồm cả các cơ quan Đảng, mặt trận, các tổ chức chính trị – xã hội; Kinh tế số sẽ tiếp cận ở phạm vi rộng, bao gồm ngành công nghiệp thương mại điện tử, kinh doanh số, kinh tế nền tảng và kinh tế chia sẻ; Lĩnh vực xã hội số sẽ tập trung xây dựng công dân số, văn hóa số, lồng ghép với các lĩnh vực y tế, giáo dục, thương mại…
Trong đó, ở lĩnh vực y tế thì người dân có mã (ID) y tế duy nhất, có hồ sơ sức khỏe điện tử cá nhân. Các cơ sở y tế sử dụng hồ sơ này trong khám, chữa bệnh cho người dân; thanh toán viện phí qua mạng mà không cần dùng tiền mặt. Người dân cũng có thể kiểm tra giá thuốc và khám chữa bệnh qua mạng. Kiểm tra chứng nhận, đánh giá an toàn thực phẩm của các nhà hàng. Truy xuất nguồn gốc thực phẩm theo chuỗi đối với thực phẩm thiết yếu.
Trong lĩnh vực giáo dục, mỗi học sinh đều có mã (ID) và hồ sơ, học bạ điện tử. Phụ huynh có thể theo dõi hồ sơ học tập của con mình, thanh toán học phí qua mạng.
Trong lĩnh vực du lịch, du khách sẽ được tư vấn, hỗ trợ trong toàn bộ quá trình đến Đà Nẵng qua nền tảng số, thanh toán dịch vụ không dùng tiền mặt. 100% điểm đến du lịch triển khai vé điện tử và dịch vụ thanh toán trực tuyến.
Để thực hiện thành công chuyển đổi số, Đà Nẵng sẽ hoàn thành 4 nhóm công việc từ chuyển đổi nhận thức, cơ chế chính sách, hạ tầng kỹ thuật đến nguồn nhân lực đáp ứng. Mục tiêu hướng đến là 50% hộ gia đình, 90% doanh nghiệp có tài khoản thương mại điện tử; 50% doanh nghiệp sản xuất công nghiệp có sử dụng dữ liệu số, công nghệ số; tối thiểu 50% dân số tham gia mua sắm trực tuyến…
Chuyển đổi số – động lực để giải quyết điểm nghẽn
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh, chuyển đổi số là động lực để giải quyết điểm nghẽn trong phát triển thành phố, góp phần đạt mục tiêu đến năm 2030, hoàn thành xây dựng đô thị thông minh, kết nối đồng bộ với mạng lưới thông minh trong nước và khu vực ASEAN, hướng đến tầm nhìn xây dựng thành phố trở thành đô thị sinh thái, hiện đại, đáng sống như Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
NGÀY 28-8 LÀ “NGÀY CHUYỂN ĐỔI SỐ THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG” Hướng đến xây dựng chuyển đổi số thành công, thành phố Đà Nẵng cũng đã có quyết định thành lập Hội đồng chuyên gia tư vấn chuyển đổi số và lấy ngày 28-8 hàng năm là “Ngày chuyển đổi số thành phố Đà Nẵng”. Đà Nẵng cũng đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác về triển khai chuyển đổi số giữa Sở TT&TT thành phố và Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT) với nhiều nội dung chính như cơ chế, chính sách, phát triển hạ tầng số, phát triển dữ liệu số, nền tảng số, ứng dụng dịch vụ chính quyền số và thành phố thông minh. Phát triển kinh tế số, xã hội số và truyền thông; nâng cao nhận thức và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số. |
Để làm được điều này, TS. Nguyễn Quân – nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ – cho rằng, đề án cần tập trung vào chính quyền số và kinh tế số. Đó là điều cần nhất. Để làm được điều này thì Đà Nẵng cần đội ngũ chuyên gia về chuyển đổi số cũng như nguồn lực để doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số, xây dựng cơ chế khai thác sử dụng hệ thống cơ sở dữ liệu góp phần phát triển kinh tế số.
GS.TSKH Bùi Văn Ga – nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT – cũng góp ý, cần mở rộng khái niệm kinh tế số, không chỉ dừng ở công nghệ, thương mại điện tử mà còn liên quan đến các sản phẩm thông minh. Đà Nẵng cần chuẩn hóa cơ sở dữ liệu giữa các đơn vị, thay đổi tư duy trong quản lý, phát triển trung tâm nghiên cứu thiết bị thông minh, thành lập các đơn vị đào tạo chuyên sâu về chuyển đổi số. Đặc biệt là các cơ sở giáo dục, cần xây dựng các đề án nội dung giảng dạy đào tạo liên quan đến nền kinh tế số, tập trung đào tạo nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển của thành phố.
Vĩnh Yên
Bình luận (0)